Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:51 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Các gói phục hồi kinh tế và mục tiêu giảm biến đổi khí hậu

11/03/2022

Một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature của Đại học Johns Hopkins cho thấy, các gói kích thích kinh tế trong đại dịch COVID-19 của các quốc gia đã bỏ lỡ cơ hội khắc phục biến đổi khí hậu.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản chỉ dành khoảng 5% ngân sách trong gói phục hồi kinh tế cho các dự án liên quan đến khí hậu. Nguồn: Đại học Johns Hopkins
“Các gói phục hồi kinh tế là một cơ hội để các quốc gia thực sự nhìn nhận lại về một nền kinh tế mà họ mong muốn xây dựng trong tương lai”, Scot Miller, đồng tác giả nghiên cứu tại Johns Hopkins cho biết. “Đại dịch COVID-19 có thể là thời cơ để các nước hướng đến một nền kinh tế xanh hơn, tuy nhiên, rất nhiều quốc gia đã không làm điều đó”.
Các chính phủ thường ưu tiên cho việc tăng trưởng kinh tế hơn là bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong các cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, các gói kích thích kinh tế trong các cuộc khủng hoảng cũng có thể là dịp để kết hợp cả hai mục tiêu về kinh tế và môi trường. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng năm 2009, 16% trong các gói phục hồi đã hướng đến các hoạt động giảm phát thải.
Trong nghiên cứu mới trên Nature, các tác giả đã phân tích chính sách kích thích kinh tế của mỗi quốc gia từ khi bắt đầu đại dịch năm 2020 đến năm 2021, và xem xét số ngân sách mà các nước dành cho các hoạt động làm tăng phát thải, giảm phát thải hoặc phát thải ở mức trung bình.
Kết quả cho thấy, trong số 13 nghìn tỷ USD mà 19 quốc gia và EU đã cam kết cho việc phục hồi kinh tế trong đại dịch, chỉ có 6% hướng đến mục tiêu giảm lượng khí nhà kính - ví dụ như đầu tư vào xe điện, cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở và văn phòng tiết kiệm năng lượng, hay cho các nghiên cứu về năng lượng tái tạo. Trong khi đó, phần lớn ngân sách còn lại hoàn toàn không nhắm đến việc giải quyết vấn đề khí hậu, thậm chí, 3% số tiền trong các gói kích thích kinh tế còn dành cho các dự án có khả năng làm tăng lượng khí phát thải. “Mặc dù COVID-19 là cuộc khủng hoảng về y tế công cộng, nhưng về nguyên tắc, các chính phủ vẫn có thể can thiệp vào nền kinh tế theo nhiều hướng để có được một biện pháp đủ sức nặng đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu”, Jonas Nahm (Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến ở Johns Hopkins), tác giả chính của nghiên cứu, nhận định. “Điều đáng thất vọng là, nhìn chung phần lớn ngân sách trong các gói phục hồi của các quốc gia lại không hướng đến việc giảm phát thải”.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra, trong số ngân sách dành cho các biện pháp kích thích kinh tế xanh, chỉ có khoảng 27% chi tiêu giúp trực tiếp giảm lượng khí nhà kính. Khoảng 72% còn lại, nếu có thì cũng sẽ chỉ có tác động gián tiếp, ví dụ như thông qua các dự án trợ cấp cho các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc tài trợ để xây dựng các trạm sạc xe điện.
Các quốc gia dành nhiều ngân sách nhất cho các gói kích thích kinh tế xanh là Hàn Quốc và EU, trong đó mỗi nước dành hơn 30% chi tiêu cho các gói như vậy. Thấp hơn một chút là Brazil, Ý và Đức khi dành hơn 20% ngân sách phục hồi cho các dự án xanh, trong khi đó Pháp chỉ dành khoảng hơn 10%. Ngược lại, các quốc gia gần như không có các dự án liên quan đến khí hậu trong kế hoạch phục hồi của mình là Mỹ, Nga, Anh và Nhật Bản, khi chỉ dành dưới 5% tổng ngân sách cho các dự án xanh.
“Nếu có một cơ hội nào đó để gắn kết việc phục hồi kinh tế với các mục tiêu khí hậu thì thời điểm này chính là lúc để làm điều đó,” Miller nói. “Trong những năm tháng tới, chúng ta không nên bỏ quên các mục tiêu về khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính khi lên kế hoạch phục hồi kinh tế. Bởi, các mục tiêu về khí hậu mà chúng ta đặt ra vào năm 2030 đang ngày càng đến gần hơn, do đó chúng ta không thể bỏ qua vấn đề biến đổi khí hậu, ngay cả khi đang phải đối mặt với đại dịch”.
Theo Báo Khoa học Phát triển