Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), để đạt mục tiêu net-zero vào năm 2050 thì cần thúc đẩy để đảm bảo tất cả mọi người chỉ sử dụng đèn LED trong vòng 3 năm nữa.
Thiết bị chiếu sáng là một trong 5 nhóm sản phẩm tiêu thụ điện chính trong lĩnh vực công nghiệp và dân dụng. Theo IEA, các nhóm sản phẩm này chịu trách nhiệm tới hơn 40% lượng tiêu thụ điện toàn cầu và thải hơn 5 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Đây cũng là lĩnh vực chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể trong chuyển dịch công nghệ ít phát thải. Chỉ trong vòng một thập kỷ, công nghệ LED từ vị thế thấp nhất đã trở thành động lực định hình thị trường chiếu sáng toàn cầu bằng cách loại bỏ đáng kể các công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, như đèn sợi đốt và đèn halogen.
Thị phần đèn LED toàn cầu tăng trưởng từ 1% vào năm 2010 lên 51% vào năm 2020, cho thấy một bức tranh chung về chuyển dịch công nghệ theo hướng ít phát thải. Nguồn: IEA.
Động lực công nghệ
Các chuyên gia chỉ ra rằng những cải tiến về chất lượng, thiết kế và chức năng là một trong những động lực hấp dẫn chính thúc đẩy sự phổ biến trên toàn cầu của công nghệ ít phát thải này. Chi phí dành cho các thiết bị chiếu sáng LED đã giảm đáng kể trong những năm qua. Kết quả này có đóng góp lớn từ các chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của chính phủ. Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ tích hợp như cảm ứng, IoT, AI... khiến những chiếc đèn LED thông minh hơn và tuổi thọ cao hơn; cuối cùng là chi phí năng lượng ngày càng cao... Các yếu tố này đã giúp đèn LED có nhiều ưu thế hơn hẳn khi so sánh với các công nghệ cũ tiêu tốn nhiều năng lượng như đèn sợi đốt, halogen hay thậm chí là huỳnh quang.
Minh chứng là vào khoảng những năm 2005 cho đến tận 2015, người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả châu Âu, không coi đèn LED là lựa chọn thay thế phù hợp cho các loại bóng cũ. Tuy nhiên điều này đã thay đổi đáng kể trong khoảng 5 năm gần đây khi thị trường đèn LED từ vị thế thấp nhất vào năm 2013, với chỉ 5% thị phần, đã vươn lên dẫn đầu với 51% thị phần toàn cầu vào năm 2020. Ước tính trong vòng 5 năm qua, khoảng 40 tỷ sản phẩm chiếu sáng LED đã được tiêu thụ trên quy mô toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng thị trường chiếu sáng LED vẫn còn nhiều dư địa khi rất nhiều công trình công cộng, tòa nhà cũ vẫn chưa được nâng cấp hệ thống chiếu sáng. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế hậu COVID, trong đó có thị trường nhà ở và công trình mới, sẽ là nơi để các nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng tạo ra lợi nhuận và thử nghiệm công nghệ, mà vẫn đóng góp cho tiến trình giảm phát thải.
Động lực chính sách
Trong lộ trình chuyển dịch công nghệ chiếu sáng theo hướng ít phát thải có sự đóng góp không nhỏ từ những chính sách của các chính phủ.
Chương trình UJALA (Ấn Độ) đã giúp phân phối hơn 36,78 triệu đơn vị bóng LED trong vòng 7 năm. Ảnh: Economictimes.indiatimes.com.
Chẳng hạn, năm 2015 chính phủ Ấn Độ đã giới thiệu chương trình UJALA, hay còn gọi là đèn LED giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Trong vòng bảy năm, chương trình đã giúp phân phối hơn 36,78 triệu đơn vị bóng LED. Điều này tương đương với việc mỗi năm tiết kiệm khoảng 47.778 triệu kWh, loại bỏ 9,56 MW nhu cầu cao điểm và giảm 3,86 tấn phát thải CO2.
Cách tiếp cận rất thành công của chương trình là đảm bảo tính minh bạch, khuyến khích giao dịch điện tử, dẫn đến giảm chi phí và thời gian mua sắm. Bên cạnh đó, chính phủ cũng giới thiệu chính sách khuyến khích sản xuất và thương mại bóng LED ngay tại thị trường trong nước. Sản lượng bóng LED đã tăng từ 1 vạn bóng lên 40 triệu mỗi tháng. Lợi ích trực tiếp nhất đến người tiêu dùng là giá bán lẻ đèn LED đã giảm tới 85%, từ 300-350 Rupee (tương đương 100 ngàn đồng) xuống còn 70-80 Rupee (khoảng 24 ngàn đồng). Kết quả của quá trình này là hàng triệu hộ gia đình nghèo cũng đã được tiếp cận và tăng khả năng mua sắm đèn tiết kiệm năng lượng; đồng thời giảm đáng kể lượng phát thải CO2 sẽ phát sinh khi hiệu quả sử dụng điện kém.
Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất là một công cụ nhằm thúc đẩy thị trường hiệu suất năng lượng cao hơn nữa. Ảnh: Tietkiemnangluong.com.vn.
Một cách tiếp cận khác mà nhiều chính phủ áp dụng để thúc đẩy thị trường chiếu sáng ít phát thải, đó là nhãn năng lượng.
Theo ông Brian Motherway, Trưởng Bộ phận Hiệu quả Năng lượng của IEA, thì các nghiên cứu cho thấy các chính sách đã tác động tích cực đáng kể tới hiệu quả sử dụng năng lượng tại các quốc gia. Cụ thể, tại các quốc gia có chính sách lâu dài về nhãn năng lượng, các thiết bị có lượng tiêu thụ giảm 30% so với trước đây. Ngoài ra, tại 9 quốc gia/khu vực được thống kê dữ liệu, các chương trình nhãn đã góp phần tiết kiệm khoảng 1.580 tWh mỗi năm. Riêng tại châu Âu và Hoa Kỳ, 15% tổng lượng tiêu thụ điện hàng năm giảm nhờ chương trình nhãn, và có xu hướng năm sau giảm nhiều hơn năm trước khi số lượng thiết bị cũ được thay thế tăng lên, và các tiêu chuẩn được nâng cao.
Tại Việt Nam, chương trình dán nhãn năng lượng cũng đã được áp dụng từ năm 2008 với hình thức tự nguyện và bắt buộc từ năm 2013. Theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Vụ TKNL và PTBV - Bộ Công Thương) thì nhãn năng lượng đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc nâng cao hiệu suất tiêu thụ điện của nhiều chủng loại thiết bị gia dụng, văn phòng phổ biến, trong đó có chiếu sáng. 45 triệu bóng đèn sợi đốt (công suất trên 40W) đã được loại bỏ khỏi thị trường hàng năm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang thúc đẩy thị trường hiệu suất tiêu thụ năng lượng hơn nữa bằng hệ thống Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất. Chương trình đã được giới thiệu từ năm 2020, dành cho các sản phẩm có hiệu suất năng lượng vượt trội.
Tiến tới mục tiêu net-zero
Theo IEA, để đạt mục tiêu net-zero, tới năm 2025 thế giới cần chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng đèn LED.
Theo IEA, để đạt mục tiêu net-zero, tới năm 2025 thế giới cần chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng đèn LED. Sau COP26, nhiều giải pháp và thỏa thuận đã được đưa ra, trong đó có "Lời kêu gọi hành động về sản phẩm hiệu quả năng lượng COP26" (The COP26 Product Efficiency Call to Action) được tham gia bởi 14 nền kinh tế lớn và đang tăng lên. Mục tiêu của Sáng kiến là thúc đẩy các chính sách toàn cầu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các nhóm sản phẩm tiêu thụ điện chính, bao gồm chiếu sáng, tủ lạnh, điều hòa không khí và hệ thống động cơ công nghiệp, nhằm đóng góp tích cực hơn cho hành trình giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu.
Năm mục tiêu cụ thể mà sáng kiến hướng đến gồm: tăng gấp đôi hiệu quả tiêu thụ năng lượng của các nhóm sản phẩm trên toàn cầu vào năm 2030; hỗ trợ các quốc gia thực hiện các mục tiêu quan trọng về biến đổi khí hậu; cung cấp các sản phẩm hiệu quả hơn với chi phí hợp lý; kích thích đổi mới, tăng cơ hội thị trường và xuất khẩu; thúc đẩy hành động kép, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thân thiện môi trường bằng cách giảm sử dụng chất làm lạnh.
Tại Việt Nam, hai năm qua lần đầu tiên ngành điện chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng so với dự kiến. Cụ thể, điện thương phẩm chỉ tăng 2,9% so với năm 2019 và năm 2021 tăng 3,9% so với năm 2020, trong khi tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn 2016-2020 là 8% và dự kiến giai đoạn 2021-2030 khoảng 10%. Tuy nhiên, giai đoạn này được đánh giá là nhất thời. Khả năng nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh trở lại khi nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Theo các chuyên gia, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, gồm cả lĩnh vực chiếu sáng, cần được đặt vào trọng tâm của quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Giang Nguyễn