Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:19 GMT+7

Tin hoạt động

Thanh Hóa tập trung phát triển ngành vật liệu xây dựng theo hướng bền vững

28/02/2022

Trong quá trình phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng, Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm vật liệu xây dựng mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu, góp phần tăng trưởng GRDP.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 562 đơn vị khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, gồm: xi măng, gạch nung tuynel, gạch không nung, gạch ốp lát, tấm lợp fibro xi măng, đá ốp lát, vôi, cát nghiền, đá xây dựng, cát xây dựng, đất san lấp, đất sét gạch... Giá trị sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh hàng năm đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Sản phẩm vật liệu xây dựng đa dạng về mẫu mã; sản lượng sản xuất hàng năm đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, có xuất bán ra tỉnh ngoài và xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, cho thấy, các loại vật liệu xây dựng mới, chất lượng cao chưa nhiều, chưa bảo đảm các yếu tố để phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng.
Để bảo đảm phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn theo hướng bền vững, Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng. Đầu tư sản xuất lớn với quy mô công nghệ hiện đại để từng bước loại bỏ tình trạng khai thác, chế biến thủ công nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ cảnh quan môi trường. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, cấp phép thăm dò, khai thác, cấp phép đầu tư, giao đất cho thuê đất... đối với các nhà đầu tư. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để phát triển công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư mới, đầu tư nâng cấp, chuyển đổi công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng nhằm gia tăng năng suất, chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuê đất, mặt bằng sản xuất; đơn giản hóa các thủ tục cho vay; hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh; quan tâm đào tạo, phát triển lao động có kỹ thuật cao.
Đi đôi với đó, đầu tư vào việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm vào thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích các đơn vị quản lý và doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo, giới thiệu và bán sản phẩm vật liệu xây dựng để cập nhật thông tin và quảng bá những sản phẩm; đồng thời, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường nước ngoài thông qua mạng Internet. Mở rộng mạng lưới tiếp thị đến các tỉnh, thành, trong vùng và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn vật liệu nội tỉnh trong các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư cải tạo. Đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng thị trường vật liệu xây dựng, tạo điều kiện khai thác hết năng lực sản xuất để củng cố, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Mở rộng, cung ứng các sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường, sản phẩm vật liệu xây dựng tại chỗ, giá thành thấp đến thị trường khu vực nông thôn và miền núi. Đối với một số vật liệu mới, có công nghệ sản xuất phức tạp hoặc có vốn đầu tư lớn để liên doanh, liên kết, hợp tác với nước ngoài đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa tập trung chỉ đạo tăng cường công tác điều tra cơ bản đối với các chủng loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tổ chức khai thác, chế biến hợp lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến làm vật liệu xây dựng. Hạn chế, tiến đến không sử dụng đất canh tác nông nghiệp để sản xuất gạch nung, với việc nâng mức phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên trong việc khai thác đất sét sản xuất gạch nung. Hạn chế, tiến đến không sử dụng cát lòng sông phục vụ nhu cầu san lấp, nhất là loại cát đủ tiêu chuẩn làm cốt liệu cho bê tông, vữa xây trát. Hình thành các khu vực, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng theo quy hoạch, cơ sở chế biến nguyên liệu bảo đảm cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất. Sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, thay thế cho một số nguyên liệu chính trong sản xuất vật liệu xây dựng, như: gạch đất sét nung, xi măng, cát, cốt liệu, bê tông...
Đẩy mạnh việc vận động các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế; giảm tiêu hao năng lượng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng. Đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao, nhất là sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải công nghiệp và sinh hoạt. Nghiên cứu phát triển các loại vật liệu xây dựng phù hợp với công nghệ thi công xây dựng hiện đại, tăng năng suất lao động, giảm giá thành công trình.
Đi đôi với đó, thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trong đó, chú trọng đào tạo cho người lao động ngay tại các cơ sở sản xuất. Kết hợp đào tạo chuyên môn, kiến thức quản lý kinh tế với bồi dưỡng nhận thức pháp luật, kỹ năng lao động, đạo đức xã hội, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, maketing để chính những người lao động và những sản phẩm họ làm ra có thể hội nhập được với nền kinh tế toàn cầu.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ các cán bộ khoa học - kỹ thuật nghề và công nhân có tay nghề cao. Tiến hành đào tạo gắn với yêu cầu, mục tiêu của sự phát triển, bảo đảm cho người sau đào tạo có thể sớm phát huy được kiến thức trong thực tiễn. Đồng thời, tăng cường phổ biến rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực hiện giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở khai thác khoáng sản, chế biến nguyên vật liệu, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng theo đúng quy định; tiến tới áp dụng các phương pháp giám sát hiện đại, tự động, kết nối trực tuyến với cơ quan chức năng quản lý môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết trong đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và an toàn lao động của các cơ sở khai thác nguyên liệu và sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; triển khai kịp thời, có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là lĩnh vực thăm dò, đầu tư xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý và công bố giá vật liệu xây dựng, nhất là các loại vật liệu được khai thác, sản xuất từ khoáng sản. Đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các vị trí mỏ, giúp cho các nhà đầu tư lựa chọn phương án và giải pháp công nghệ phù hợp; sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; công bố danh mục tài nguyên các vị trí mỏ đã được dự kiến quy hoạch thăm dò để kêu gọi đầu tư. Tăng cường công tác chỉ đạo, tạo điều kiện và định hướng cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới vào thăm dò, khai thác, chế biến; ưu tiên thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, từng bước loại bỏ tình trạng khai thác, chế biến thủ công nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát công tác thăm dò, khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Phân công cụ thể chức năng quản lý hoạt động khoáng sản đối với các cấp chính quyền, các ban, ngành có liên quan của tỉnh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
Theo: Báo Thanh Hóa