Chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp mở đầu cho chuỗi phát triển nông nghiệp carbon thấp và bền vững là hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 và tầm nhìn đến năm 2050
Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế đất nước rơi vào giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm. Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong việc bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm sinh kế, việc làm cho người dân nông thôn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng như các ngành, lĩnh vực khác, ngành Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn khó tránh khỏi, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.
Tiến tới 2050 Việt Nam cơ bản chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp
Chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp mở đầu cho chuỗi phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp và bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện nhằm định hướng tầm nhìn của ngành nông nghiệp đến năm 2050 theo hướng phát triển xanh, carbon thấp và bền vững.
Các vấn đề “Làm thế nào nông nghiệp có thể trở thành một phần của giải pháp biến đổi khí hậu; Thỏa thuận xanh của EU – Ý nghĩa đối với năng lực cạnh tranh xuất khẩu nông sản của Việt Nam; Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam: Hiện trạng và lộ trình khả thi; Các quan điểm quốc tế về chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải; Một số vấn đề cần quan tâm trong khai thác năng lực của khu vực tư nhân để khử carbon trong nông nghiệp” được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hết sức quan tâm cũng như chỉ đạo các đơn vị, địa phượng định hướng và thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan có những chia sẻ đối với ngành Nông nghiệp, cần những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi nông nghiệp xanh và bền vững; phải hành động ngay trong việc thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm tính bền vững, cạnh tranh và khả năng phục hồi khi đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến nông nghiệp. Theo ông, ngành Nông nghiệp cần có sự chia sẻ, đồng hành từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng như các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Việc chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững mang tính tất yếu để đáp ứng yêu cầu mới của phát triển đất nước và phù hợp với xu thế chung của thời đại. Điều đó đòi hỏi đổi mới tư duy, nhận thức, cách tiếp cận, phương pháp nhằm tạo ra mô hình phát triển mới trong nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Đối thoại này là một diễn đàn cung cấp tri thức với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu thế giới nhằm định hướng tầm nhìn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp và bền vững.
Nhật Minh