Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:08 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hưng Yên tập trung vào nhiều giải pháp sản xuất và tiêu dùng bền vững

26/12/2021

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã chỉ đạo mọi mọi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hữu quan tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo xu thế kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Khu Công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) ngày một xanh hóa nhờ chú trọng SX&TDBV
Theo đó, để kinh tế tuần hoàn được nhận thức đúng và phát triển, đóng góp tích cực vào lộ trình và mục tiêu phát triển bền vững được Đại hội XIII của Đảng đề ra, Hưng Yên đã và đang tập trung vào một số nhóm giải pháp chủ đạo sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền để nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng mang tính quốc gia và quốc tế không chỉ vì lợi ích trước mắt mà còn là vì lợi ích lâu dài của mỗi quốc gia, dân tộc.
Hai là, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn, trong đó tập trung xây dựng các quy định hướng dẫn Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Ba là, phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị sinh thái (đô thị xanh). Khuyến khích đầu tư áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua các chính sách ưu đãi  đầu tư đối với khu công nghiệp sinh thái. Cụ thể là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế nhập khẩu.
Bốn là, khuyến khích sản xuất các sản phẩm, cung ứng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn. Thực hiện kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy hình thành cơ chế liên kết trên nền tảng IOT (Internet of Things); thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ.
Năm là, thay đổi thói quen tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững thông qua chiến lược tuyên truyền - truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng; thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất, cung ứng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy tiêu dùng trung gian đối với thị trường nguyên liệu thứ cấp; thúc đẩy các mô hình kinh tế chia sẻ.
Sáu là, nội hàm của kinh tế tuần hoàn vừa mang tính khoa học vừa có tính thực tiễn; không chỉ giới hạn trong một ngành, một lĩnh vực, mà liên quan nhiều ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực khoa học… vì vậy, rất cần có sự hợp tác, phối hợp, đồng thời cần có sự quan tâm chỉ đạo thống nhất và hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học…
Theo: Công nghiệp và tiêu dùng