Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:01 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trước đại dịch Covid-19

03/10/2021

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đem lại một số hiệu ứng tích cực nhất định về nhận thức của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng về sản xuất, tiêu dùng và phát triển bền vững.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm có liên quan để đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại một cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại cũng như giảm thiểu phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm  sao cho không làm tổn hại đến việc thoả mãn các nhu cầu của các thế hệ tương lai

Xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phầm cho đến người tiêu dùng
Trên thế giới, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã chuyển sang cách tiếp cận vòng đời sản phẩm (LCA) để phân tích các tác động của các sản phẩm và dịch vụ với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và trong tất cả các giai đoạn sản xuất và tiêu dùng; và tích hợp môi trường và phát triển để giải quyết thách thức kép của khủng hoảng môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân. Tùy thuộc vào nhu cầu, lĩnh vực ưu tiên và phương thức để đạt được sản xuất và tiêu dùng bền vững hoặc phát triển bền vững sẽ khác nhau giữa các quốc gia nhưng đều tập trung vào 09 nội dung của sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể:

Quản lý tài nguyên bền vững: Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên là nội dung trọng tâm của nhiều nhiều quốc gia xác định trong chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chương trình hiệu quả tài nguyên II của Đức có các hợp phần cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Thiết kế có tính bền vững: Thiết kế sản phẩm bền vững giúp các nhà sản xuất nâng cao tỷ suất lợi nhuận, chất lượng, cơ hội thị trường, hiệu quả môi trường và lợi ích xã hội. Hàn Quốc triển khai chương trình thiết kế sinh thái nhằm giảm các tác động đến môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm.

Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn: Một số quốc gia ở châu Á đã thành lập Trung tâm sản xuất sạch hơn quốc gia, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ chính phủ triển khai Chiến lược Sản xuất sạch hơn, thông qua các các hoạt động đào tạo về sản xuất sạch hơn cho các các công ty, ngành công nghiệp.v.v. thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm.

Nhãn sinh thái và Chứng nhận: Nhãn sinh thái là một công cụ quan trọng giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn và tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thụy Điển thúc đẩy hiệu quả của Nhãn sinh thái thông qua việc ủng hộ các cơ chế dán nhãn sinh thái chứng nhận độc lập.

Mua sắm bền vững: Mua sắm bền vững được coi là công cụ chính để thúc đẩy nền kinh tế xanh. Tỷ lệ mua sắm công chiếm một phần đáng kể trong tổng mức tiêu thụ nội địa. Mua sắm bền vững kích thích nhu cầu về các sản phẩm xanh hơn và tạo ra một chu kỳ sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tại Nhật, Luật mua sắm xanh được ban hành vào năm 2001 thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường.

Tiếp thị bền vững: Tiếp thị bền vững giúp cung cấp thông tinh cho người tiêu dùng về hàng hóa bền vững thông qua các chương trình chia sẻ thông tin và truyền thông mở. Pháp khuyến khích các nhà sản xuất tiếp thị các sản phẩm có thiết kế sinh thái. Thông qua dữ liệu mở, người tiêu dùng có thể truy cập thông tin về sinh thái dựa trên các tiêu chuẩn công nghệ được xác nhận bởi ADEME (Cơ quan quản lý năng lượng và môi trường Pháp).

Giao thông bền vững: Đối với lĩnh vực vận chuyển, tập trung các nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng và đầu tư giao thông công cộng. Đối với hoạt động phân phối, trọng tâm hướng sang vận tải các-bon thấp và khuyến khích hợp tác giữa các nhà phân phối để nâng cao hiệu quả sử dụng. Thụy Điển xác định giao thông bền vững là một trong ba lĩnh vực chính trong lối sống bền vững.

Lối sống bền vững: Tập trung vào các chính sách nhiều hơn là nâng cao nhận thức và nâng cao kiến thức của mọi người (nhãn sinh thái, chiến dịch truyền thông), hỗ trợ người dân trong việc đưa ra các lựa chọn mua sắm bền vững dễ dàng hơn bằng việc cung cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo cung cấp của hàng hóa và dịch vụ.

Quản lý chất thải: Quản lý chất thải trong suốt vòng đời sản phẩm theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Thông qua việc áp dụng thuế rác thải, Vương quốc Anh giảm 50-60% chất thải chôn lấp.

Các nhiệm vụ chính của Sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam đang được triển khai dựa trên sự nhất trí cao của Chính phủ. Tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của Việt Nam cho thấy sự chuyển đổi sang Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng với nhằm hướng tới bền vững lâu dài. 
Xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phầm cho đến người tiêu dùng. Không những vậy, người tiêu dùng còn có động thái thực hiện việc quay lưng, tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi doanh nghiệp bị người dân tố cáo hoặc bị các cơ quan chức năng công bố. 
Hà Trần t/h