Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 11:04 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

02/11/2020

Ước tính dân số toàn cầu sẽ đạt gần 9 tỷ người vào năm 2030, trong đó có 3 tỷ người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu mới. Việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tương lai tạo áp lực chưa từng có lên tài nguyên thiên nhiên. Các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Yêu cầu đặt ra là phải giảm thiểu khai thác, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên thô, giảm tối thiểu chất thải cũng như tái sử dụng, tái chế tối đa chất thải theo phương thức cộng sinh công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm khu trưng bày các sản phẩm thân thiện môi trường, các giải pháp thay thế nhựa sử dụng một lần và nilon khó phân hủy tại Hà Nội
Vài nét về kinh tế tuần hoàn
Nhận thức và bản chất nền kinh tế tuần hoàn: Để quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt và đối phó với lượng chất thải ngày càng tăng, chúng ta phải tránh xa tư duy phát triển kinh tế tuyến tính (sử dụng tài nguyên tăng dần) truyền thống, như khai thác, sản xuất, xử lý mà phải chuyển sang chu trình khép kín đối với tất cả các tài nguyên được sử dụng, tránh tư duy phát triển trước, khắc phục sau. Nói một cách đơn giản, văn hóa tiêu dùng phải được thay đổi bằng cách giữ lại các sản phẩm, bao bì cũng như các nguồn lực được lưu chuyển càng lâu càng tốt. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể giải quyết được các vấn đề của nền kinh tế hiện tại là nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.
Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm đã phát triển qua nhiều thập niên để trở thành một sự thay thế khả thi cho hệ thống tiêu dùng lãng phí hiện tại. Nó đang dần dần hình thành và được áp dụng, đòi hỏi ít hy sinh của người tiêu dùng hay ngành công nghiệp. Hệ thống này sẽ đi tiên phong trong thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài.
Khi thế giới ngày càng nhận thức được tác động của loài người đối với sự tồn tại và phát triển của hành tinh chúng ta, hệ thống kinh tế mới không chỉ phải giải quyết bản chất hữu hạn của tài nguyên không tái tạo, mà còn xử lý lượng chất thải lớn đã tạo ra.
Trong quy luật khách quan của tự nhiên, thì không tồn tại chất thải, bởi vì, mọi thứ đều biến đổi, đóng vai trò là nguyên liệu thô cho các chu kỳ mới. Kinh tế tuần hoàn biến đổi lô-gíc của sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ dựa trên ba nguyên tắc: 1- Loại bỏ chất thải và ô nhiễm theo nguyên tắc; 2- Giữ sản phẩm và nguyên liệu theo chu kỳ sử dụng; 3- Tái tạo hệ thống tự nhiên. Nền kinh tế tuần hoàn có thể coi là sự thay thế cho tư duy lấy đi, làm ra, tiêu thụ và vứt bỏ.
Vai trò của kinh tế tuần hoàn: Tuổi thọ con người bình quân trên toàn cầu tăng từ 48 năm (năm 1955) lên 72 năm (năm 2016) và thu nhập GDP bình quân đầu người tăng trung bình khoảng 1,9%/năm kể từ năm 1960. Trên toàn thế giới, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và là tầng lớp thúc đẩy tiêu dùng. Thu nhập tăng thêm làm nhiều người có khả năng chi tiêu nên nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng. Dưới áp lực phải đổi mới và sản xuất hàng hóa phải nhanh chóng với giá thấp - các nhà cung cấp đã dựa vào mô hình tuyến tính: “Khai thác ‑ sản xuất ‑ bỏ đi”.
Hiện nay, hệ thống sản xuất và tiêu thụ đã tăng vọt, vượt quá khả năng cung cấp của hành tinh. Để bổ sung tài nguyên cho việc tiêu thụ và hấp thụ hết ô nhiễm mà con người tạo ra, cần đến 1,7 hành tinh trái đất. Với tốc độ như vậy, đến năm 2050 sẽ cần đến ba hành tinh trái đất để cung cấp tài nguyên và hấp thụ chất thải.
Chúng ta cần chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính “mang lãng phí hiện tại sang nền kinh tế tuần hoàn, nhấn mạnh sự thịnh vượng mà không lãng phí thông qua tăng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng vật liệu tốt hơn và tái chế nhiều hơn”. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ giúp tăng trưởng toàn cầu thêm 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên của chúng ta.
Mô hình kinh tế tuần hoàn như một phương tiện để suy nghĩ lại về cách chúng ta thiết kế, sản xuất và sử dụng các sản phẩm và vật liệu. Nó dựa trên việc thiết kế chất thải và ô nhiễm (chủ yếu bằng cách xem chất thải là một lỗ hổng thiết kế), giữ cho các sản phẩm được sử dụng lâu hơn (nếu chúng ta xây dựng một nền kinh tế sử dụng mọi thứ, thay vì sử dụng hết), tái tạo các hệ thống tự nhiên bằng cách mô phỏng khái niệm tự nhiên rằng mọi thứ đều là đầu vào cho thứ khác. Tóm lược này dựa trên quan điểm của các chuyên gia từ Mạng lưới chuyên gia Diễn đàn Kinh tế thế giới và hợp tác với Quỹ Ellen MacArthur.
Các mô hình kinh doanh truyền thống hầu hết được xây dựng dựa trên giả định về nguồn tài nguyên thiên nhiên giá rẻ, không giới hạn mà các nhà sản xuất thực hiện để tạo ra các sản phẩm được tiêu thụ và sau đó được xử lý. Theo McKinsey (năm 2014), hằng năm có 80% nguyên liệu trị giá 3,2 nghìn tỷ USD sử dụng trong hàng tiêu dùng mà chưa được thu hồi. Hiệu quả sẽ tăng lên nếu có cách tiếp cận mới về việc kết thúc vòng đời của sản phẩm và cách tiết kiệm chi phí khi tái sử dụng các vật liệu cũng như sản phẩm. Đó là: 1- Rác thải là nguồn tài nguyên: Mô hình này quan niệm chất thải là nguyên liệu thô, dựa trên sự giới thiệu lại các vật liệu trong hệ thống, kết hợp tái chế, tái sử dụng và năng lượng tái tạo và sinh khối. 2- Sản xuất hàng hóa hoạt động như một hệ thống tự nhiên. Kinh tế tuần hoàn là một thuật ngữ chung cho một mô hình kinh tế công nghiệp phục hồi. Nó dựa trên cơ sở rằng, các hệ thống của chúng ta sẽ hoạt động giống như các sinh vật, xử lý các chất dinh dưỡng có thể được đưa trở lại vào chu trình, do đó, thuật ngữ hồi phục được sử dụng. 3- Thiết kế và sản xuất được thực hiện khi kết thúc vòng đời sản phẩm và tính đến các vật liệu liên quan. Theo U. Mắc Đô-nắp (William McDonough), dòng nguyên liệu của mô hình kinh tế tuần hoàn có hai loại: Dòng sinh học hoặc dòng kỹ thuật. Các chất dinh dưỡng sinh học được thiết kế để vào lại sinh quyển một cách an toàn trong khi các chất dinh dưỡng kỹ thuật được thiết kế để lưu thông với chất lượng cao mà không cần vào sinh quyển.
Như vậy, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Các thành phần, đặc trưng của kinh tế tuần hoàn, gồm: Thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn; công nghệ để thực hiện kinh tế tuần hoàn; hệ thống tái tạo lương thực, thực phẩm; nền kinh tế tuần hoàn của các thành phố; hệ thống thay đổi mức độ tuần hoàn; các mô hình kinh doanh tuần hoàn; tài chính tuần hoàn.
Các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn: Là giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm thiểu chất thải, như chất thải bằng không; tái chế kỹ thuật hoặc tái chế sinh học; thiết kế cho tương lai; năng lượng bền vững; người tiêu dùng được xem như người sử dụng; các hệ thống tái tạo thiên nhiên; bảo tồn những gì đã tạo ra; bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống, trong đó, duy trì và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát các tài sản hữu hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo với các mức độ là phục hồi, chuyển hóa, trao đổi; tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, các linh kiện và vật liệu để sử dụng được ở mức độ cao nhất. Thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực.
Hoạt động của nền kinh tế tuần hoàn: Những thay đổi tiến bộ trong sản xuất sẽ ảnh hưởng đến các loại sản phẩm khác nhau theo những cách khác nhau. Các khái niệm về chu trình sinh học và chu trình kỹ thuật gồm các vấn đề sau: Về chu trình sinh học: Nguyên liệu thô có nguồn gốc khan hiếm và bền vững từ trái đất, thực vật và động vật. Các sản phẩm sau đó được sử dụng trước khi bất kỳ chất thải nào bị phân hủy và trở về trái đất dưới dạng phân sinh học. Về chu trình kỹ thuật: Nguyên liệu thô được tinh chế hoặc sản xuất để bảo đảm tuổi thọ và dễ tái chế. Sản phẩm sau đó được sử dụng trước khi các vật liệu được tái chế hoặc các thành phần riêng lẻ được thu hồi và tái sử dụng.
Ở cả hai trường hợp, năng lượng được sử dụng trong sản xuất đều đến từ các nguồn tái tạo, như năng lượng mặt trời. Trong một số trường hợp, các sản phẩm có thể thuộc cả chu kỳ sinh học và chu trình kỹ thuật. Ví dụ, chai nhựa làm từ vật liệu nhựa có thể phân hủy sinh học nên được thiết kế để được đổ đầy lại nhiều lần trước khi cuối cùng tiến đến giai đoạn phân hủy.
Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất các mặt hàng nông sản;  khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái (Trong ảnh: Sản xuất nấm kim châm cho thị trường trong nước và xuất khẩu tại Công ty xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)
Phân loại các cấp độ của kinh tế tuần hoàn: Kinh tế tuần hoàn có nhiều cách tiếp cận khác nhau, theo cấp độ được chia thành ba cấp. Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản; các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái. Ở cấp độ vừa, kinh tế tuần hoàn bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái và các hệ thống nông nghiệp sinh thái khác; việc thiết kế để tạo cơ hội tốt nhất cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Ở cấp độ cao, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế, không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng.
Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hiện nay
Khoảng 90 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên được khai thác mỗi năm để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, tức là hơn 12 tấn cho mỗi người trên hành tinh. Dựa trên các xu hướng hiện tại, con số đó dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Hiện nay, chỉ có 9% tài nguyên tìm đường quay trở lại sản phẩm sau lần sử dụng đầu tiên.
Nhựa đang bị thải ra và tích lũy trong các đại dương và chỉ có 14% bao bì nhựa được thu gom để tái chế. Kim loại nặng từ chất thải điện tử đang gây ô nhiễm không khí và đất: Chỉ 20% thiết bị điện tử được thu gom để tái chế. Và khói bụi từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch thường xuyên phủ kín các thành phố đông dân nhất thế giới. Sự hủy hoại môi trường, ô nhiễm và biến đổi khí hậu trên diện rộng đang là thách thức lớn nhất. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy loại bỏ chất thải và sử dụng tài nguyên thiên nhiên an toàn một cách liên tục, đưa ra một giải pháp thay thế có thể mang lại tới 4,5 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế vào năm 2030.
Để đạt được sự chuyển đổi này, đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có bằng cách thúc đẩy ba trụ cột chính: 1- Biến đổi chuỗi giá trị vật chất, cần hình thành và phát triển các chuỗi giá trị vật chất toàn cầu để thúc đẩy các mô hình tuần hoàn - từ nhựa, điện tử, pin, xe hơi, đến thời trang/dệt may. 2- Kinh tế thương mại và tuần hoàn, cần thiết phải hình thành mô hình thương mại quốc tế gắn với mô hình tuần hoàn. 3- Mô hình kinh tế tuần hoàn thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nền kinh tế tuần hoàn là một thiết kế lại mô hình kinh tế mới, nơi các hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo. Không có gì được tạo ra trong nền kinh tế tuần hoàn trở thành lãng phí. Nền kinh tế tuần hoàn có tiềm năng đổi mới, tạo việc làm và phát triển kinh tế là rất lớn, ước tính cho thấy cơ hội hàng nghìn tỷ USD. Đây là nền kinh tế giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của những thách thức kinh tế - xã hội và môi trường - bằng cách đối phó với chúng ở giai đoạn thiết kế. Thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ (sharing) hoặc cho thuê (leasing). Trong tương lai, mọi thứ có thể được chia sẻ, sẽ được chia sẻ. Chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ là xu hướng chính.
Để phát triển các mô hình kinh doanh xung quanh các sản phẩm dịch vụ, nền kinh tế chia sẻ, kéo dài tuổi thọ và tái sử dụng, sửa chữa và cung cấp ngược lại cần dựa trên kỹ thuật số để thay đổi các mối quan hệ cũ. Do vậy, cần can thiệp vào tất cả các giai đoạn sáng tạo, thiết kế, sử dụng sản phẩm, sử dụng tiếp theo, mối quan hệ với người tiêu thụ và người dùng.
Thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, vì chúng được thu hồi gần như triệt để, không phát thải ra môi trường; là cách thức phát triển giúp đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của SDGs.
Hiện tại, chúng ta đang hoạt động trong một nền kinh tế mà mọi nguồn tài nguyên và tiêu thụ cũng như rác thải luôn gia tăng tuyến tính, việc chuyển đổi hệ thống sẽ cần phải mạnh dạn đi đầu, hợp tác, đổi mới và cam kết thay đổi hiện trạng. Trước mắt, một số lĩnh vực trọng tâm, như may mặc, thời trang, nhựa, chất dẻo, các sáng kiến, điện tử,... cần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Để nền kinh tế tuần hoàn thích ứng với những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Một là, số hóa các luồng vật liệu
Kết nối thế giới vật chất với thế giới dữ liệu ảo sẽ làm cho thiết kế tuần hoàn, sử dụng, thu hồi vật liệu và sản phẩm hiệu quả hơn bằng cách cung cấp khả năng hiển thị, minh bạch và hành động thông minh. Chất lượng và phạm vi của dữ liệu hiện tại cần được cải thiện và thực hiện có sẵn cho các bên liên quan để thiết kế mục tiêu can thiệp và tối ưu hóa hệ thống.
Hai là, kết nối các giải pháp tuần hoàn
Trong chuỗi giá trị toàn cầu liên kết phức hợp, không một giải pháp nào có thể tạo ra bước nhảy vọt đến nền kinh tế tuần hoàn. Kết nối nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ trong một khả năng tương tác, kiến trúc phân tán là chìa khóa để mở rộng tác động. Hợp tác, phối hợp và liên kết giữa các doanh nghiệp, chuỗi giá trị và khu vực công trên quy mô toàn cầu là cần thiết để chia sẻ các bước tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.
Ba là, áp dụng tư duy hệ thống dẫn dắt hệ thống, tác động vào điểm đòn bẩy
Xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn ứng dụng tư duy hệ thống trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm 9 bước: Bước 1: Xây dựng mô hình tư duy hệ thống, xác định điểm đòn bẩy. Bước 2: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá (theo nguyên tắc: Công tác quy hoạch đi trước; lấy thiên nhiên làm mô hình; lấy thiên nhiên làm thước đo; lấy thiên nhiên làm động lực, cảm hứng từ thiên nhiên; thuận theo tự nhiên). Bước 3: Phân tích các dòng nguyên, nhiên, vật liệu theo nguyên tắc quay vòng, tối ưu hóa tồn kho, không rác thải (zero waste). Bước 4: Xây dựng cân bằng giữa sản phẩm và chất thải, áp dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bước 5: Chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu mới. Bước 6: Xây dựng các khu công nghiệp sinh thái với chu trình rác thải bằng không, tự cân đối nguồn năng lượng tái tạo. Bước 7: Xác định các mối quan hệ cộng sinh công nghiệp (chất thải của nhà máy này là vật liệu đầu vào của nhà máy khác). Bước 8: Định hướng, hướng dẫn tiêu dùng theo mô hình 6R (Reduce - Reuse - Recycle - Refuse - Rethink - Responsibility; nghĩa là: giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế - từ chối - thay đổi - trách nhiệm), xem sản phẩm như là dịch vụ (thay đổi tư duy sở hữu sản phẩm thành tư duy sử dụng). Bước 9: Thúc đẩy kinh tế chia sẻ, sử dụng chung, khai thác tối đa công năng và công suất dư thừa của các sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế.
Đóng gói sản phẩm phân hữu cơ được tạo ra từ rác thải tại nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau
Chính phủ và doanh nghiệp cần có hành động chung cho sự thay đổi, huy động hành động toàn cầu để kích hoạt một nền kinh tế tuần hoàn. Khi các giải pháp tuần hoàn xuất hiện, sự hợp tác, phối hợp quốc tế giữa nhiều bên là rất cần thiết để xây dựng chính sách và khuyến khích và sắp xếp các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm cân bằng kinh tế và cho phép các giải pháp tuần hoàn ở quy mô quốc gia và toàn cầu.
Tóm lại, để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần hiểu rõ bản chất và luận cứ được cách thức phát triển này gắn với hợp tác công - tư và sự ủng hộ của cộng đồng người tiêu dùng. Nhận thức được các thách thức và các công nghệ chủ đạo của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tiếp cận, vận dụng cho phát triển kinh tế tuần hoàn.
PGS, TS. NGUYỄN VĂN THÀNH
Thứ trưởng Bộ Công An
Bài đăng Tạp chí Cộng sản