Sáng ngày 15/10/2020, Bộ Công Thương phối hợp với Quỹ Hanns Seidel (HSF – Cộng Hòa Liên Bang Đức) chủ trì tổ chức hội thảo “Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 được thủ tướng chính phủ ban hành tại quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 24/06/2020 (Chương trình SCP).
Tham dự hội thảo có đại diện của các Vụ, Cục liên quan của Bộ Công Thương, đại diện Quỹ Hanns Seidel, đại diện các Bộ, Ngành, các đại sứ quán và các tổ chức trong nước và quốc tế.
Hội thảo nhằm định hướng thúc đẩy phát triển và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần đẩy mạnh thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Trước thách thức tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới đã thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế bền vững - nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết để hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là hệ thống kinh tế có tính tái tạo và khôi phục thông qua việc thay đổi hàng hóa, dịch vụ từ khâu thiết kế, sản xuất và tiêu dùng. Qua đó, kéo dài tuối thọ của nguyên vật liệu, năng lượng trong chuỗi giá trị suốt vòng đời sản phẩm, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.
Toàn cảnh hội thảo
Đại diện Bộ Công Thương nhận định, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 sẽ góp phần thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo; thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm bền vững, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Theo đó, để đạt được mục tiêu trên, Chương trình SCP đã đề xuất 15 nhóm nội dung ưu tiên để triển khai thực hiện đến năm 2030, trong đó, mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, xuyên suốt các nhóm nội dung ưu tiên. Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững - Ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Đại diện EU Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo
Nội dung Hội thảo được đại diện các Bộ, Ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế truyền tải đến đại biểu tham dự thông qua 7 tham luận bao gồm: Áp dụng kinh tế tuần hoàn thúc đẩy thực hiện chương trình quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021- 2030; Chính sách kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; kinh nghiệm và chính sách về kinh tế tuần hoàn Châu Âu; Cơ hội, thách thức áp dụng KTTH của ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thực thi các Hiệp định thương mại thế hệ mới FTAs; Vai trò kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa; xanh hóa hệ thống sản xuất trong ngành công nghiệp thực phẩm và áp dụng chuyển hóa chất thải thành năng lượng (WTE) theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Qua Hội thảo, các đại biểu chia sẻ, đóng góp ý kiến về định hướng, thúc đẩy sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần triển khai thực hiện các hoạt động phát triển bền vững của ngành Công Thương hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Mai Anh