Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:11 GMT+7

Điển hình

Xi măng Xuân Thành: Hướng tới mục tiêu không phát thải

07/07/2020

Nhà máy xi măng Xuân Thành đầu tư dây chuyền khép kín hiện đại để thực hiện mục tiêu không phát thải - tuần hoàn tự nhiên.
Công nghệ mới giúp ngành sản xuất xi măng chuyển mình
Những phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới được kỳ vọng là đột phá, làm thay đổi căn bản công nghệ hiện nay, hình thành những dây chuyền sản xuất xi măng không phát thải - tuần hoàn tự nhiên, tuần hoàn sống (Zero Emission - Natural Cycle).
Theo đó, có 5 vấn đề nền tảng quan trọng trong một nhà máy sản xuất và cũng là 5 lĩnh vực trọng yếu đối với một ngành công nghiệp và đời sống con người được đề cập đến.
Cụ thể, sản xuất xi măng sẽ không phát thải các khí thải có ảnh hưởng đến môi trường và luân chuyển, tuần hoàn khí theo tự nhiên, quy luật của môi trường sống. Cùng đó, giảm tối đa sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất clinker và xi măng như: Đá vôi, đất sét, silic, quặng sắt và thay thế bằng các nguyên liệu lấy từ các chất thải của các ngành kinh tế khác cũng như chất thải trong hoạt động hằng ngày của xã hội (rác thải, bùn thải, tro xỉ, phế thải vật liệu xây dựng, tất cả tro thải sau quá trình đốt...).Nhiên liệu đốt từ than, dầu dần được thay thế bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, vật chất thải có khả năng sinh nhiệt mà con người đang thải ra hằng ngày.
Điều này không chỉ góp phần làm sạch môi trường mà còn giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt năng, điện năng cũng được tính đến thông qua những giải pháp công nghệ mới cho phát điện để vừa sử dụng trong sản xuất của nhà máy vừa có thể cung ứng thêm điện cho xã hội. Đặc biệt, các thuật toán trong lĩnh vực điện toán cũng được ứng dụng để thiết lập hệ điều khiển thông minh đáp ứng việc luân chuyển tuần hoàn khí, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, xử lý rác thải, nâng cao hiệu suất sử dụng và phát điện. Không chỉ đơn thuần là rác thải, hiện tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện cũng đang được Xi măng Xuân Thành đưa vào làm một phần nguyên liệu. Tuy nhiên, con số mới dừng ở mức 10% và sắp tới sẽ tăng tỷ lệ này lên ít nhất 15% để giải quyết khối lượng tro xỉ nhiệt điện; đồng thời giảm thiểu các loại nguyên liệu đầu vào không tái tạo khác như đất sét, đá vôi… 
DN với mục tiêu phát triển bền vững là trọng tâm
Vừa qua Xi măng Xuân Thành Hà Nam đã áp dụng công nghệ khô tiên tiến hàng đầu thế giới của hãng FLSmidth - Đan Mạch với 2 dây chuyền sản xuất xi măng công xuất 5,41 triệu tấn xi măng/năm. Tất cả được sản xuất theo dây chuyền khép kín, điều khiển tự động từ trung tâm CCR với hàng nghìn điểm đo. Hệ thống phân tích nhanh trực tuyến Newtron- gamma.
Bên cạnh đó, nhà máy cũng luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những vị trí trọng tâm trong sản xuất và phát triển. Quy trình sản xuất, quản lý chất lượng luôn phải đảm bảo các tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn về an toàn lao động và PCCC và sử dụng hệ thống quan trắc môi trường tự động. 
Song song, nhà máy cũng lắp đặt hệ thống sử dụng nhiệt dư, thu hồi nhiệt từ tháp trao đổi nhiệt và lò nung tạo ra điện có công suất 24.800 kW. Lượng điện thu hồi qua nhiệt dư được phục vụ cho sản xuất, tiết kiệm tới 30% năng lượng cho nhà máy, góp phần hạ thấp chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu.
Hiện tại, xi măng Xuân Thành đang tiếp tục phối hợp cùng Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) để thiết kế và lắp đặt dây chuyền sản xuất khép kín hiện đại thứ 2 cho nhà máy. 
Ông Per Mejnert Kristensen, Chủ tịch khu vực của FLSmidth cho rằng, sự chuyển đổi của ngành xi măng theo hướng sản xuất bền vững hơn đòi hỏi phải có hành động tập thể và lãnh đạo. “Xi măng Xuân Thành là nhà sản xuất xi măng tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển nhằm tăng tính bền vững của ngành xi măng Việt Nam. Tham vọng trong chương trình là không phát thải - một bước tiến quan trọng đối với ngành xi măng và cộng đồng” vị Chủ tịch FLSmidth nhấn mạnh.
Quỳnh Chi tổng hợp