Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 14:24 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Pháp: thúc đẩy kinh tế xanh sau COVID-19

01/06/2020

Một máy bay của hãng hàng không Air France
Một máy bay của hãng hàng không Air France. Ảnh minh họa.
Sau quyết định chi 12 tỷ EUR để giải cứu Hãng hàng không Air France và Hãng ô tô Renault vào cuối tháng 4, ngày 26-5, Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục công bố kế hoạch lịch sử khi chi thêm hơn 8 tỷ EUR để giúp ngành công nghệ ô tô nước này vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và trở thành nước đi đầu châu Âu về ô tô chạy bằng điện.  
Kế hoạch trên của Chính phủ Pháp nhận được sự chào đón của giới chức ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Phát biểu trên Đài phát thanh Info của Pháp, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Pháp Luc Chatel đánh giá kế hoạch đã đặt ra mục tiêu mới đầy tham vọng cho ngành công nghiệp xe hơi Pháp. Ông Chatel nhận định, với những thách thức như hiện nay, nguy cơ phá sản và sa thải hàng loạt là rất đáng lo ngại. Hiệu ứng domino của cuộc khủng hoảng do Covid-19 đang hiện rõ khi các doanh nghiệp tại Pháp phải tự tìm cách tồn tại trong giai đoạn còn nhiều hạn chế về hoạt động kinh doanh và nguồn tiêu thụ. Vì vậy, các nhà kinh tế Pháp cho rằng, thời điểm phục hồi hoàn toàn hoạt động kinh tế là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết. 
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, trong khoản 8 tỷ EUR nói trên, 1 tỷ EUR sẽ dùng để khuyến khích người tiêu dùng mua ô tô điện và xe lai (chạy cả xăng và điện) nhằm đạt mục tiêu sản xuất 1 triệu ô tô “xanh” mỗi năm. Cùng với việc đầu tư cho sản xuất, chính phủ sẽ tạo động lực mua sắm cho khách hàng với khoản trợ cấp 7.000 EUR cho mỗi cá nhân, 5.000 EUR cho mỗi công ty mua xe điện và 2.000 EUR cho mỗi xe lai. Ngoài ra, từ ngày 1-6 tới, người tiêu dùng cũng được hỗ trợ 3.000 EUR khi đổi từ xe chạy xăng sang xe ít xả khí thải hơn và 5.000 EUR để nâng cấp lên xe chạy điện. Ông Emmanuel Macron cho rằng khoảng 75% người dân Pháp có thể được nhận những ưu đãi này. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, kế hoạch trên nhằm bảo vệ việc làm trong ngành công nghiệp xe hơi vốn đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử và cũng để bảo vệ “chủ quyền công nghiệp ô tô” của Pháp. Ông khẳng định đây là kế hoạch cho tương lai của ngành chế tạo ô tô trong thế kỷ 21. 
Pháp là quê hương của các thương hiệu xe hơi nổi tiếng như Renault, Citroen và Peugeot nhưng doanh số và doanh thu của ngành công nghiệp này đã giảm khoảng 80% do ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tháng qua nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Tính đến cuối tháng 6 tới, khoảng nửa triệu ô tô vẫn nằm trong kho, tương đương 16% tổng doanh thu cả ngành. Đây là tình huống chưa từng xảy ra trong ngành chế tạo xe hơi Pháp, vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước này khi bao gồm khoảng 4.000 doanh nghiệp, 400.000 lao động trực tiếp và tổng số 900.000 nhân viên nói chung.
Theo SGGP