Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 07:02 GMT+7

Điển hình

TP. HCM: Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản đã hoàn thành

18/05/2020



Nhiều kết quả mang tính “bước ngoặt”
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết Sở TN&MT được giao nhiệm vụ triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, 14/16, chỉ tiêu thực hiện Chương trình đã cơ bản được hoàn thành. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu quan trọng như 100% chất thải rắn thông thường, chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được thu gom, lưu giữ và xử lý an toàn; 100% các khu công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành đảm bảo các quy chuẩn môi trường Việt Nam.
Đặc biệt, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thường là vấn đề khó đối với các đô thị, nhất là với siêu đô thị 13 triệu dân, mỗi ngày phát sinh trên 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt như TP.HCM. Vì vậy, thành phố đã tập trung tìm nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này.
Chương trình  giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 tại TP. HCM đã tạo được nhiều kết quả mang tính đột phá  
Trong những tháng cuối năm 2019, TP.HCM đã đồng loạt khởi công xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc với tổng công suất 4.000 tấn/ngày và 1 nhà máy xử lý, tái chế chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước công suất 500 tấn/ngày. Dự kiến, sắp tới, TP.HCM sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải chất thải rắn sinh hoạt - công nghiệp - nguy hại tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc với tổng công suất 1.120 tấn/ngày.
Ngoài ra, TP.HCM đang trong quá trình thẩm định đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt từ chôn lấp sang đốt phát điện và sản xuất phân compost tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với công suất 3.000 tấn/ngày. Đồng thời, thành phố đang gấp rút các khâu cuối cùng để tổ chức đấu thầu một nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện.
Như vậy, mục tiêu của TP.HCM đến cuối năm 2020, đưa tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh còn tối đa là 50% và đến năm 2025 về mức 20% là hoàn toàn khả thi. “Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng trong quản lý chất thải rắn của TP.HCM. Việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác vừa tiết kiệm quỹ đất, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và tận dụng giá trị tái sử dụng của rác thải”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang quyết liệt “chuẩn hóa” lực lượng thu gom rác dân lập. Lực lượng này với quy mô 4.000 công nhân, đang thu gom 60% khối lượng rác thải sinh hoạt của thành phố, nhưng hoạt động còn nhỏ lẻ, phân tán; đồng thời, phương tiện thu gom rác hầu hết còn khá thô sơ chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Nhiệm vụ “chuẩn hóa” lực lượng rác dân lập luôn là “bài toán” khó của chính quyền thành phố nhiều năm qua.
Vì vậy, thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ lực lượng gom rác dân lập trong chuyển đổi mô hình hoạt động và đổi mới, nâng cấp các phương tiện thu gom, vận chuyển. Tính đến cuối năm 2019, toàn thành phố đã vận động được 1.440/2.592 tổ, đường dây thu gom rác dân lập thành lập mô hình hợp tác xã (HTX) hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (đạt tỷ lệ 55,6%); đồng thời, hàng trăm phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải cũng được cải tạo, thay mới.
Tiếp tục ngăn chặn các nguồn ô nhiễm
Cũng theo đại diện Sở TN&MT TP.HCM, Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 có 2 chỉ tiêu khó có thể hoàn thành trong năm 2020 bao gồm: 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; giảm 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt.
Bên cạnh đó, chất lượng không khí của thành phố tại một số thời điểm có diễn biến xấu, nhiều chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, dù ý thức bảo vệ môi trường của người dân không ngừng được nâng lên, nhưng tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch vẫn còn xảy ra, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Để hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ Chương trình, TP.HCM sẽ tìm cơ chế, thu hút đầu tư các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; đồng thời, kiểm soát chặt, “chặn đứng” các nguồn phát sinh ô nhiễm.
Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, các cơ sở hoạt động vận tải thủy, phương tiện vận tải thủy. Đồng thời, vận hành thường xuyên hệ thống quan trắc nước thải tự động tại cửa xả nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Đối với việc kiểm soát chất lượng không khí, TP.HCM sẽ tập trung ngăn chặn 3 nguồn gây ô nhiễm chính, đó là hoạt động giao thông, hoạt động xây dựng và hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong đó, thành phố đặc biệt tập trung kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông, thủ phạm chính gây ra ô nhiễm không khí trong thời gian qua.
Theo Báo Tài nguyên & Môi trường