Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 22/01/2025 | 23:55 GMT+7

Điển hình

Cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường: Bài toán “sống còn” của ngành Giấy

05/05/2020

Môi trường là câu chuyện không phải của riêng lĩnh vực nào nhưng trong ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt là giấy, đây là yếu tố mang tính sống còn. Theo các chuyên gia, để phát triển hài hoà giữa sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư thật sự bài bản và nghiêm túc.
Nhiều mối nguy hại với môi trường
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp giấy và bột giấy là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trên thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và xã hội toàn cầu. Sản lượng tiêu thụ giấy trực tiếp và gián tiếp được coi là một trong những thước đo kinh tế xã hội.

Các sản phẩm giấy An Hòa luôn được thị trường đánh giá cao
Không nằm ngoài quỹ đạo đó, ngành công nghiệp này tại Việt Nam cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, đây cũng là ngành có thị trường rất rộng và hợp tác với nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và chế tạo thiết bị…
Những đóng góp của ngành công nghiệp giấy và bột giấy là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những ngành phát sinh nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với nguồn nước.
Thực tế cho thấy tại Việt Nam, không ít nhà máy giấy từng đứng trước thách thức lớn về môi trường vì không đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc không xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra sông, hồ, biển, dẫn đến gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, khi quy trình sản xuất không được tối ưu hóa thì việc lãng phí nguyên, nhiên liệu cùng việc tạo ra khí thải cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.
Những bài học “xương máu” từ Formosa, Vedan… vẫn còn đó như lời cảnh báo dành cho các doanh nghiệp khi xem nhẹ yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất và xử lý chất thải. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cách mà một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Giấy An Hòa (Tập đoàn Geleximco) cải thiện sản xuất, đồng thời đầu tư công nghệ hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường là điều các doanh nghiệp giấy cần tham khảo.
Không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường!
Ông Nguyễn Văn Anh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giấy An Hòa - đơn vị sở hữu và vận hành Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa cho biết, đơn vị nhận thức sâu sắc việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh tức là đang xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của đơn vị mình cho nên ngay từ khi thành lập, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra định hướng chiến lược phát triển bền vững với quan điểm không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường.
Đơn cử như năm 2016, nhà máy đã tiến hành cải tạo tất cả các công đoạn của hệ thống xử lý nước thải, từ đầu vào tới xử lý cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Cụ thể, nước sau khi xử lý luôn luôn đạt tiêu chuẩn loại A - Quy chuẩn Việt Nam QCVN12-2015 của Bộ TN&MT về nước thải của ngành công nghiệp bột giấy và giấy.
Năm 2017, giấy An Hòa đã trở thành đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát nước thải trước khi xả ra môi trường…
Ngoài ra, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa Tuyên Quang, đơn vị trực thuộc Công ty CP Giấy An Hòa, ngày càng phát huy tốt vai trò quản lý và vận hành các trung tâm nghiên cứu, ươm giống theo công nghệ hiện đại, cung cấp giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc phát triển cây rừng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ...
Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, các phong trào bảo vệ môi trường cũng đều được cán bộ, nhân viên và người lao động giấy An Hòa tuân thủ một cách tự giác và nghiêm ngặt.
Từ những đầu tư đó, nhiều năm qua, giấy An Hòa không chỉ là đơn vị có công suất sản xuất bột giấy và giấy cao cấp lớn nhất Việt Nam mà còn là doanh nghiệp điển hình trong việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam, được các cấp, ban ngành, lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương đánh giá cao. Đồng thời, đó cũng là cách để đơn vị này từng bước chinh phục thị trường và trở thành cái tên mang nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung của ngành giấy nói riêng.
Theo Báo Công Thương