Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:26 GMT+7

Điển hình

TP Cần Thơ phát triển mô hình đô thị cacbon thấp

27/04/2020

TP Cần Thơ về đêm. Ảnh ST
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc phát triển mô hình đô thị carbon thấp là giải pháp tối ưu trong bối cảnh đô thị hoá bùng nổ dẫn đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Từ góc độ phát triển kinh tế bền vững, đô thị carbon thấp sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tiêu hao nhiên liệu nhờ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo hoặc có sẵn trong tự nhiên, mang lại nhiều lợi ích kinh tế mới cho đô thị và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Từ góc độ phát triển xã hội, đô thị carbon thấp giúp hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt của người dân; tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo; giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng đời sống đô thị.
Với những lợi ích trên, TP Cần Thơ với vị trí là trung tâm kinh tế – xã hội động lực của khu vực ĐBSCL quyết tâm sẽ trở thành địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi năng lượng công nghiệp sử dụng sang nhiên liệu “xanh”.
Cụ thể, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển và ứng dụng rộng rãi năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đến năm 2030 sẽ tăng mức cung cấp lên đến 6.000 MW điện gió và 12.000 MW năng lượng điện mặt trời mỗi năm.
Từ năm 2030 đến năm 2050 tập trung nâng mức sử dụng các nguồn năng lượng sạch và thân thiện với môi trường lên ít nhất 20% tổng sản lượng tiêu thụ điện mỗi năm.
Đại diện Sở TN&MT TP cho biết, Sở sẽ phối hợp với các ban, ngành hữu quan thực hiện khảo sát, tìm hiểu nhận thức và nhu cầu sử dụng năng lượng của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Qua đó, xây dựng kịch bản carbon thấp phù hợp với khả năng và nhu cầu của thành phố; trong đó, tập trung vào các khía cạnh về sự phát triển của dân số, quy mô hộ gia đình, quy mô nền kinh tế cấu trúc hệ thống giao thông và thông tin về các loại chất thải của thành phố.
Dựa trên các số liệu đầu vào này, Sở sẽ tiến hành việc ước tính lượng phát thải khí nhà kính trong 5 lĩnh vực chính (công nghiệp và năng lượng; nông, lâm, ngư nghiệp; giao thông vận tải; đời sống đô thị và nông thôn; thương mại và dịch vụ) nhằm đề xuất và thực hiện các chính sách, giải pháp về quản lý và tiêu thụ năng lượng trong từng lĩnh vực; đầu tư phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính. Từ đó, thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ từ năng lượng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Dự kiến lộ trình hướng tới xã hội carbon thấp cho TP sẽ tập trung vào 6 chương trình cụ thể như sau: thành phố đi bộ; quản lý rừng, xây dựng nhà xanh; lối sống carbon thấp; ngành công nghiệp carbon thấp; phổ biến sử dụng năng lượng tái tạo; thiết lập cơ chế tài chính để thực hiện tính toán phát thải lượng carbon.
Bên cạnh đó, TP cũng đẩy mạnh kêu gọi hợp tác quốc tế trong việc xác định và giới thiệu các dự án năng lượng tiềm năng có thể được tài trợ bởi các tổ chức và nhà đầu tư lớn. Thông qua đó, tăng sản lượng cung cấp và mức tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ năng lượng carbon thấp; đa dạng hoá trong các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, phát triển một thị trường năng lượng cạnh tranh và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đại Hải tổng hợp