Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:10 GMT+7

Điển hình

Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

29/04/2020

Những năm qua, bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường được tỉnh xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, nhiều hoạt động tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, từng bước đạt nhiều kết quả quan trọng.
Mô hình thu gom rác thải, bao bì thuốc BVTV ngay tại khu vực canh tác sản xuất được áp dụng rộng rãi ở huyện Tam Dương góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sống của người dân.
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường là nội dung được tỉnh quan tâm, chú trọng đầu tiên nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhân các sự kiện về môi trường như: Ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Đất ngập nước… đã huy động được hàng vạn lượt người tham gia hưởng ứng và đã đạt được những kết quả tích cực.
Ngành Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong tỉnh triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường như tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức lễ ra quân hưởng ứng các chiến dịch, các cuộc thi về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền còn được triển khai sâu rộng, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Vĩnh Phúc, Đài PT-TH tỉnh và các cổng thông tin giao tiếp điện tử.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 15 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động, hàng ngày thải ra môi trường một lượng rác rất lớn, gây ra những tác động đến môi trường. Do vậy, tỉnh luôn coi công tác kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về môi trường và được tổ chức thực hiện thường xuyên.
UBND tỉnh đã phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên khắp địa bàn và hàng năm dành khoảng 2 tỷ đồng ngân sách thực hiện nhiệm vụ này, kết quả quan trắc đều được báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Hệ thống quan trắc thường xuyên được bổ sung, cập nhật về vị trí, tần suất, thành phần quan trắc theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Tỉnh đã đầu tư lắp đặt 6 trạm quan trắc môi trường tự động (3 trạm quan trắc không khí và 3 trạm quan trắc môi trường nước), đồng thời, đầu tư tăng cường năng lực trang thiết bị quan trắc, phân tích môi trường, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường, tiếp tục đầu tư mở rộng các trạm quan trắc tự động và xây dựng cơ chế quản lý, vận hành các hệ thống quan trắc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Thực hiện Nghị định 38 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Vĩnh Phúc đã đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở có nguồn thải lớn đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Đến nay, đã có hơn 80% các khu công nghiệp đang hoạt động, các chủ nguồn thải có lưu lượng xả thải trên 1.000 m3 nước thải/ngày đêm đã đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.
Hoạt động thẩm định và phê duyệt hồ sơ về môi trường được các cấp, các ngành quan tâm, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện. Công tác thẩm định hồ sơ môi trường đã được thực hiện đầy đủ, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật, giai đoạn 2016 - 2020 đã có 700 hồ sơ được thẩm định, qua thẩm định đã kiên quyết không chấp nhận các giải pháp bảo vệ môi trường không đáp ứng được các yêu cầu xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường của các dự án đầu tư, qua đó, sàng lọc các dự án có tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường ngay từ khi cấp Chứng nhận đầu tư.
Việc lập và thực hiện quản lý chất thải rắn được tỉnh quan tâm, trong đó đáng kể nhất là UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020 và hiện nay đang nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch quản lý chất thải rắn cho phù hợp với tình hình thực tế.
Kết quả, tỉnh hiện có 1 nhà máy xử lý rác thải tập trung công suất 150 tấn/ngày, đêm tại thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương), 1 cơ sở xử lý rác thải công suất 30 tấn/ngày, đêm tại thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) bằng hình thức xã hội hóa, đồng thời, đã hỗ trợ và lắp đặt đưa vào hoạt động được 34 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã, thị trấn với công suất khoảng 0,5 tấn/giờ để xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc ở địa phương.
Đến nay, 100% xã, thị trấn có bãi rác tập trung và có đội ngũ thu gom, xử lý rác thải với tần suất từ 2-3 lần/tuần, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo vệ sinh môi trường và quản lý chất thải rắn.
Về thu gom, xử lý nước thải ở khu vực đô thị, tỉnh đã triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên với tổng mức đầu tư hơn 430 tỷ đồng, nhằm khắc phục tình trạng ngập úng, cải thiện vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm khu vực thành phố Vĩnh Yên và các vùng xung quanh.
Đối với khu vực nông thôn, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, dành hàng trăm tỷ đồng ngân sách cho việc xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư.
Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Ý thức bảo vệ môi trường của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, nhiều phong trào bảo vệ môi trường ở các địa phương, đoàn thể được thực hiện và nhân rộng điển hình tạo được phong trào toàn dân tham gia công tác vệ sinh môi trường.
Hoạt động kiểm soát ô nhiễm đối với các nguồn thải đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đều đạt so với kế hoạch, trong đó, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 95% quy chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn đạt 75%; tỉ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý đạt 100%.
Quang Nam