Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:07 GMT+7

Điển hình

Hà Nội phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường

07/04/2020

Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng nhà cao tầng, khu chung cư lớn, TP Hà Nội có lượng tiêu thụ năng lượng cao. Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong khu vực tòa nhà và chiếu sáng công cộng.
Trong đó, Thành phố yêu cầu sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng (đèn LED) trong hệ thống chiếu sáng công cộng. Đồng thời, ứng dụng chiếu sáng công nghệ LED thay thế đèn chiếu sáng giao thông và đèn chiếu sáng kiến trúc. Lắp đặt thử nghiệm hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió).
Cùng với đó, Thành phố thúc đẩy việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Vừa qua, thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cuộc thi “Quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà” do Asean tổ chức.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông vận tải, thành phố đã chỉ đạo đầu tư hạ tầng giao thông vận tải theo kế hoạch được phê duyệt. Cụ thể là: thúc đẩy vận tải khối lượng lớn, đưa vào vận hành xe buýt nhanh (BRT); triển khai thực hiện các dự án thí điểm đường sắt đô thị Hà Nội; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch trong hoạt động giao thông vận tải, thí điểm đưa vào vận hành 3 tuyến xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch khí CNG giúp giảm phát thải các chất độc hại ra môi trường, phát triển xe buýt 2 tầng phục vụ phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác tổ chức giao thông, duy tu, đảm bảo trật tự an toàn giao thông góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tiêu hao nhiên liệu và ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ mới, năng lượng tái tạo trong giao thông vận tải. Trong năm 2019, 8.000 poster tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng trong giao thông công cộng đã được phát; tổ chức hội thảo chuyên đề về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tuyến xe buýt công cộng.
Để các cơ sở doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết về tiết kiệm năng lượng, thành phố cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; trong đó kiểm tra 146 doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và thực hiện các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các văn bản có liên quan.
TP cũng tập trung tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với nhiều hình thức như sử dụng tờ rơi, căng băng rôn tuyên truyền tại các trụ sở, tòa nhà; sử dụng poster, áp phích cổ động tuyên truyền tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng; Phát 6.700 lượt phát clip tuyên truyền về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tại khu vực công cộng, khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại trên bảng quảng cáo đèn led tấm lớn…
Hưởng ứng Chiến dịch giờ trái đất, Thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục phong phú. Chiến dịch đã góp phần vào lượng điện tiết kiệm trong 1 giờ tắt đèn của cả nước là 1.962.000 kwh điện, tiết kiệm được 3,2 tỷ đồng.
Thành phố cũng ưu tiên phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong công nghiệp và công trình xây dựng theo tiêu chí của thành phố Hà Nội; Vận động, hướng dẫn 171 cơ sở tham gia đánh giá công nhận danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh. Qua đó, đã công nhận danh hiệu "Năng lượng xanh" cho 66 cơ sở.
Đáng chú ý, thực hiện phong trào Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, Thành phố đã tổ chức trên 1.295 buổi tuyên truyền về kỹ năng lựa chọn, sử dụng trang thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình. Công nhận 2.850 hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu của các quận, huyện, thị xã.
Với mục tiêu hát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường cho một thủ đô xanh, sạch, đẹp, thời gian tới, thành phố sẽ tích cực thực hiện các giải pháp về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn, dài hạn với những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và khoa học công nghệ năng lượng tái tạo; đa dạng hóa các nguồn lực, xã hội hóa nguồn vốn cho phát triển năng lượng tái tạo…
Tuyết Chinh