Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:00 GMT+7

Điển hình

ABB hướng tới một tương lai không phát thải

19/07/2019

Ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về nỗ lực của ABB trong việc tiếp cận các thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, hướng tới một tương lai không phát thải.
Ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB tại Việt Nam
Trong quá trình nỗ lực để giảm phát thải, xin ông cho biết về phương thức mà ABB mua năng lượng sạch tại các quốc gia khác?
ABB ủng hộ mạnh mẽ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và xem đây là động lực quan trọng để thúc đẩy sự chuyển đổi sang sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả năng lượng. Bên cạnh đó, ABB cũng không ngừng giảm thiểu tác động môi trường bằng cách sử dụng năng lượng xanh. Chúng tôi đã đạt được thành công lớn khi đảm bảo cung cấp một lượng đáng kể năng lượng tái tạo với mức giá có thể cạnh tranh so với các nguồn năng lượng không thể tái tạo khác.
So với năm 2013, chúng tôi đã giảm được hơn 40% việc sử dụng dầu nhiên liệu hóa thạch và dầu diesel, trong khi đó, tăng lượng sử dụng nhiên liệu sinh học lên gần gấp đôi.
Ở một số nước châu Âu, chúng tôi đã mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, trong năm 2018, ABB đã mua 237 GWh “điện sạch”, tương đương với 15,1% trong tổng lượng điện được ABB sử dụng, tăng 4,5% so với năm 2017.
Lượng điện “xanh” mà chúng tôi mua đều có giấy chứng nhận giảm phát thải. Nhiều cơ sở của chúng tôi cũng đang tiến hành lắp đặt các nhà máy điện quang tại chỗ; sản lượng điện mặt trời dành cho mục đích sử dụng riêng của ABB đã tăng gần gấp đôi vào năm 2018. Chúng tôi đã mở các nhà máy có quy mô đáng kể ở Nam Carolina (Mỹ) và ở Đức. Ở Singapore, chúng tôi có các tấm pin mặt trời trong xưởng tăng áp và đang tiến hành đánh giá việc cung cấp năng lượng cho cơ sở chính bằng năng lượng tái tạo.
Xu hướng sử dụng năng lượng sạch đang lan rộng, do các tập đoàn lớn đang tập trung nhiều hơn đến tính bền vững thông qua các cam kết giảm lượng khí thải CO2. Hơn nữa, áp lực về sự phát triển bền vững đang gia tăng đối với các doanh nghiệp, do các sáng kiến như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các mục tiêu quốc gia và địa phương để giảm thiểu lượng khí thải CO2 và người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Khách hàng và các bên sở hữu lao động cũng đang đòi hỏi các sản phẩm bền vững.
Một số công ty có quy mô lớn trên thế giới như Ikea, Mars và Tesco, đã cam kết hoạt động hướng tới mục tiêu sử dụng 100% điện tái tạo như một phần trong sáng kiến RE100. Có nghĩa là, tất cả năng lượng mà họ sử dụng đều đến từ các nguồn như gió, năng lượng mặt trời hoặc thủy điện, không có khí thải carbon dioxide.
Các tập đoàn này cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị cung cấp chủ đạo để đảm bảo họ cũng nắm bắt được xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và điều này rất phù hợp với các công ty tại Việt Nam, là nơi mà những nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia có cơ sở sản xuất với quy mô đáng kể.

Hệ thống điện mặt trời tại nhà máy của ABB ở Bắc Ninh.
Theo chia sẻ của ông, các công ty đang tập trung nhiều hơn đến tính bền vững, điều này được thể hiện trong các mục tiêu năng lượng sạch của ABB như thế nào?
Mục tiêu hiện tại của chúng tôi đã được đặt ra vào năm 2014 với chiến lược “Next Level - Tầm cao mới”, nhằm mục đích thúc đẩy tạo ra giá trị bền vững, xây dựng biểu đồ cho kế hoạch phát triển kinh doanh và tăng cường tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020.
Nghiên cứu về tính bền vững, các giá trị cốt lõi, đặc biệt là những nỗ lực của chúng tôi trong công tác cải thiện, tăng cường hiệu quả về sức khỏe, an toàn và môi trường, là một phần quan trọng của chiến lược này.
Theo đó, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính của ABB vào năm 2020. Chúng tôi đã cắt giảm khí thải GHG bằng việc sử dụng nhiên liệu trực tiếp, lượng điện đã mua và tận dụng hệ thống sưởi trong khu vực. Kể cả việc tiêu thụ nhiên liệu trực tiếp, sử dụng điện và tận dụng hệ thống sưởi trong khu vực cho các quy trình sản xuất và vận hành tòa nhà. Tính đến năm 2018, chúng tôi đã đạt được mức giảm 38%.
Chúng tôi đang trong quá trình thiết lập các mục tiêu mới cho năm 2020 trở đi. Ở các quốc gia, nơi mà chúng tôi đang tiến hành tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận với nguồn năng lượng tái tạo sẽ là một trong những yếu tố chính để quyết định đầu tư.
Cơ chế Thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA) được đánh giá có lợi cho Việt Nam trong việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia tham gia. Dựa trên kinh nghiệm mua và sản xuất năng lượng sạch tại Việt Nam, ông có đề xuất ý kiến gì đối với DPPA không?
ABB tán thành các phương thức tiếp cận mới để thu hút đầu tư và đưa ra nhiều lựa chọn hơn trong việc mua năng lượng tái tạo như cơ chế DPPA. DPPA sẽ cho phép các doanh nghiệp và nhà cung cấp có thể mua điện trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo và tiếp nhận sản phẩm thông qua lưới điện quốc gia, đồng thời đảm bảo việc đối xử công bằng giữa các bên liên quan.
Là tập đoàn dẫn đầu về công nghệ toàn cầu, ABB sẵn sàng thử nghiệm các cơ hội mới như DPPA và sẽ hỗ trợ, tư vấn đưa ra chính sách, quy định xung quanh cơ chế này, cũng như các chính sách và quy định năng lượng sắp ban hành. Chúng tôi mong muốn nhìn thấy sự chuyển đổi từ giai đoạn thử nghiệm sang giai đoạn triển khai thực tế nhanh nhất có thể và đặc biệt là muốn tiếp cận một loạt mô hình DPPA, danh mục các nhà máy điện, từ đó chúng tôi có thể chọn nhà cung cấp năng lượng đáp ứng tốt nhất các mục tiêu của công ty.
Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ phát triển. Các quyết định và dự án đầu tư về mảng sản xuất, lưu trữ, truyền tải và phân phối năng lượng mặt trời được đưa ra lúc này sẽ có ý nghĩa lâu dài đối với các thế hệ tương lai. Với kinh nghiệm các dự án nhiều GW và kiến thức tích lũy từ các chuyên gia trên thế giới, cũng như kinh nghiệm hoạt động trong khu vực, ABB sẽ hỗ trợ hiện thực hóa tham vọng của Chính phủ hướng tới một hệ sinh thái năng lượng bền vững.
Tại tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời (PV) với công suất 90 kWp ở các nhà máy thiết bị điện trung thế và cao thế. Sản lượng điện đã vượt mức ước tính khoảng 10% và hiện đủ để cung cấp năng lượng cho hệ thống xử lý nước thải, phục vụ hơn 200 người và điện chiếu sáng của nhà máy.
Chúng tôi cũng đã cung cấp thiết bị cho một loạt khách hàng 30 đến 350 MW. Dự án năng lượng mái nhà tính tới thời điểm hiện tại có công suất 4,5 MW.
Khi cơ chế FIT giai đoạn tiếp theo sau tháng 6/2019 được phê duyệt, chúng tôi sẽ cân nhắc đầu tư công suất 1 MWp ở nhà máy tại Bắc Ninh và hy vọng sẽ tham gia vào kế hoạch thí điểm DPPA mà chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu khả thi.
Mặc dù đầu tư quốc tế và trong nước về lĩnh vực năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng, tuy nhiên, vẫn có những quan ngại về lưới điện và cơ chế FIT có thể thay đổi. Ông cho biết quan điểm và kỳ vọng trong việc giải quyết những vướng mắc này để thu hút đầu tư trong thời gian tới?
Cân bằng giữa lượng cung và lượng cầu năng lượng điện luôn là một thách thức. Khi sản lượng năng lượng tái tạo gia tăng, thách thức này ngày càng trở nên quan trọng. Đối với thị trường Việt Nam, với nhu cầu năng lượng dự kiến tăng hơn 10% mỗi năm, cần tăng gấp đôi công suất sản xuất năng lượng điện trong 5 năm tới. Chính phủ đang tiến tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng và giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng.
Chúng tôi muốn thấy việc đầu tư gia tăng đi đôi với quá trình phê duyệt hợp lý ở cấp Chính phủ và địa phương để khắc phục những vướng mắc trong lưới điện. Những công nghệ sẽ cho phép lưới điện linh hoạt và phù hợp với các điều kiện thực tế mới.
Hiện chúng tôi đã sẵn sàng triển khai áp dụng công nghệ Hệ thống truyền tải dòng điện xoay chiều linh hoạt và dòng điện trực tiếp cao áp (HVDC) để tối đa hóa công suất truyền tải và các giải pháp về chất lượng điện như giải pháp lưu trữ pin để giảm bớt trên lưới điện từ việc tích hợp năng lượng tái tạo. Số hóa chính là chìa khóa để tạo ra mạng lưới điện trong tương lai.
Để thu hút đầu tư vào năng lượng sạch, Việt Nam cần minh bạch và ổn định về chính sách. Chúng tôi rất mong chờ kế hoạch phát triển năng lượng mới và tin rằng, chương trình kế hoạch mới sẽ ưu tiên đối với các nguồn năng lượng tái tạo và thiết lập cơ chế cho phép tăng cường đầu tư tư nhân trong cả lĩnh vực sản xuất và truyền tải, phân phối.
Mối quan tâm trước mắt của chúng tôi là các quy định, điều luật mới về chế độ FIT cho năng lượng mặt trời. Cơ chế FIT hiện tại sẽ không có hiệu lực đối với hầu hết các nhà máy năng lượng mặt trời mới sau ngày 1/7/2019 và việc trì hoãn trong công tác hoàn thiện cơ chế FIT sẽ khiến các dự án bị chậm triển khai.
Theo Báo Đầu tư