Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:28 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hành động chống rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng

02/07/2019

Sáng 28/6, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì tổ chức Hội nghị “Phát động chung tay hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng. Ảnh: Thùy Linh
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm, 123 chuỗi, gần 800 cửa hàng trái cây... Trong đó, nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm.
Mỗi ngày trên địa bàn Thành phố khối lượng phát sinh từ 5.500-6.000 tấn, trong đó, rác thải nhựa chiếm 8%-10%. Rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng chiếm khối lượng lớn; rác thải bao bì nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần phát sinh trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng thuộc loại khó và lâu phân hủy.
Trong thời gian qua, công tác phòng chống rác thải nhựa được TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương. Một số doanh nghiệp, đơn vị đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa như hệ thống siêu thị BigC, Lotte, Co.opMart, Co.opFood… đã sử dụng túi tự hủy sinh học, sử dụng phương pháp bao gói rau củ bằng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên từ lá chuối, lá dong, túi giấy để thay thế cho túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tuy nhiên, túi nilon và các sản phẩm từ nhựa có rất nhiều tiện lợi, giá thành rẻ nên được các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sử dụng nhiều để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng, gây phát thải túi nilon và các sản phẩm từ nhựa; tình trạng cốc nhựa, ống hút, bao gói sản phẩm bằng vật dụng nhựa, túi nilon dùng một lần vẫn diễn ra phổ biến…
Tại Hội nghị các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối đã báo cáo tình hình sản xuất, sử dụng và lộ trình giảm việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồng thời cam kết tham gia công tác chống rác thải nhựa do Chính phủ và thành phố Hà Nội phát động.
Hà Nội phải đi đầu trong hành động chống rác thải nhựa
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, nhận thức rõ về ảnh hưởng nguy hại của rác nhựa tới môi trường, Thành phố Hà Nội đã xác định phải là đơn vị đi đầu trong hành động chống rác thải nhựa của cả nước.
Thời gian qua, Thành phố đã triển khai Chương trình thí điểm phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy thành các sản phẩm sinh thái an toàn tại các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; thí điểm mô hình “Không gian xanh – Cacbon thấp” tại một số quận, huyện, trong đó hỗ trợ xây dựng các sân chơi cho trẻ em với các thiết bị và nguyên liệu tái chế từ chai nhựa và túi nilon, lốp xe, và các sản phẩm khác từ chính các hộ gia đình... nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu rác thải nhựa.
Cùng với đó, Thành phố đã vận động ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy giữa các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… với UBND các phường, xã, thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản đánh giá, sự cam kết của các Lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất, đơn vị sản xuất kinh doanh, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, đơn vị quản lý, khai thác chợ… tại Hội nghị, đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp đồng hành cùng Thành phố hành động chống rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trên địa bàn.
Qua đó góp phần chung tay với cả nước và cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người theo lời kêu gọi của Liên Hợp quốc.
Để công tác chống rác thải nhựa thu được hiệu quả cao nhất, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy;
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan phải quan tâm, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa; không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật từ nay đến năm 2020;...
Đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, đơn vị quản lý, khai thác chợ…, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị cần tổ chức hiệu quả Bản cam kết chống rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng đã ký kết, phấn đấu đến hết ngày 31/12/2020, hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao thực hiện. Đồng thời, tích cực chung tay tuyên truyền, phổ biến tới các đối tác, khách hàng, người tiêu dùng trong hoạt động “Chống rác thải nhựa”.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối, Ban Quản lý các chợ trên địa bàn Thủ đô đã ký cam kết phấn đấu đến hết 31/12/2020 thực hiện 8 nội dung để chống rác thải nhựa gồm:
1. Thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy và nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm, nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường như lá sen, lá chuối, túi phân hủy sinh học, màng bọc thực phẩm sinh học; thìa, dĩa, dao làm từ nguyên liệu sinh học để phục vụ khách hàng, người tiêu dùng.
2. Có các chương trình khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng túi vải, làn mây, túi thân thiện môi trường khi đi mua sắm tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng.
3. Khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, giấy tái chế thay thế nilon để bao gói các sản phẩm cung cấp cho siêu thị, cửa hàng.
4. Không sử dụng ống hút nhựa, cốc nhựa, thìa nhựa phục vụ khách hàng.
5. Sử dụng giấy tái chế thay thế nilon để bao gói sản phẩm
6. Không tặng, không bán túi nilon khó phân hủy cho khách hàng, người tiêu dùng.
7. Tích cực hưởng ứng, tổ chức phát động phong trào thu gom chất thải nhựa sử dụng 1 lần và túi nilon khó phân hủy tại đơn vị.
8. 100% rác thải phát sinh trong sinh hoạt kinh doanh được phân loại tại nguồn.
Thùy Linh