Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 00:52 GMT+7

Tin hoạt động

Thái Nguyên: Quan tâm phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp

09/06/2016

Thực tế cho thấy, sản xuất TTCN và làng nghề đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Theo thống kê của ngành Công Thương, quy mô sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hộ sản xuất - kinh doanh. Số cơ sở và lao động TTCN tập trung nhiều ở các các huyện Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ, T.X Phổ Yên, T.P Thái Nguyên. Đối với các làng nghề, toàn tỉnh hiện có 162 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề này chủ yếu sản xuất chế biến chè, thực phẩm, gỗ, vật liệu xây dựng... Trong đó có 140 làng nghề trồng, chế biến chè (chiếm 86,4%), còn lại là các nghề khác như mây tre đan, thủ công mỹ nghệ... Đối với các HTX, từ năm 2011 đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 121 HTX thành lập mới, đưa tổng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 387 HTX. Trong đó có 178 HTX nông nghiệp, 148 HTX công nghiệp - TTCN, 21 HTX xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng, 17 HTX vận tải, 10 HTX thương mại - dịch vụ, 11 HTX vệ sinh môi trường và 2 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở với 41.300 thành viên và người lao động.
 
Có thể thấy, những năm trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên đã đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để sản xuất TTCN và làng nghề phát triển. Theo ông Phan Bá Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015, ngành Công Thương đã thực hiện 163 đề án theo chương trình khuyến công với kinh phí hỗ trợ là 26,5 tỷ đồng. Trong đó có 15 đề án khuyến công Quốc gia với kinh phí hỗ trợ là 6 tỷ đồng và 148 đề án khuyến công địa phương với kinh phí hỗ trợ là 20,5 tỷ đồng.
 
Cùng với đó, ngành Công Thương đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề cho 2.600 lao động nông thôn chưa có nghề theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất công nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho 98 cơ sở; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 5 cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng cổng làng và tổ chức lễ đón Bằng công nhận của tỉnh cho 162 làng nghề, làng nghề truyền thống. Từ đó đã khuyến khích các cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới cung ứng cho trị trường trong nước và xuất khẩu, gia tăng giá trị sản xuất TTCN, tăng thu nhập cho lao động, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.
 
Thực tế những năm qua cho thấy, các cơ sở sản xuất TTCN và sản xuất tại các làng nghề đã chú ý hơn đến việc áp dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, tận thu phế liệu công nghiệp thải và nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra sản phẩm mới cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu như: sản xuất gạch không nung; ép mùn cưa bằng thuỷ lực thay than đá; đúc chi tiết sản phẩm kim loại bằng lò trung tần hiệu suất cao và công nghệ hiện đại chế biến, bảo quản sản phẩm chè, ván ép... Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún, các cơ sở sản xuất nhỏ bé, sản xuất thủ công là chủ yếu, thiếu vốn đầu tư, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao… Do đó, để sản xuất TTCN và làng nghề phát triển bền vững, bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) cho rằng, trước mắt, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trong lĩnh vực TTCN, làng nghề, trong đó có sản phẩm chè.
 
Theo chúng tôi, các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm mà các cấp, ngành chức năng nên thực hiện ngay trong thời gian tới là nghiên cứu, quy hoạch các cụm công nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tiễn sản xuất; xây dựng và mở rộng quy mô các cơ sở chế biến ở những nơi có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu. Bên cạnh đó là tập trung thúc đẩy một số ngành nghề có tiềm năng như chế biến chè, nông sản thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng phát triển; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng tập trung vào các nghề có thị trường tiêu thụ ổn định; tăng cường việc xây dựng, quảng bá cho các sản phẩm chủ lực… Đặc biệt, tỉnh cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghệ hiện có và làng nghề mới, làm đường giao thông vào làng nghề, kéo lưới điện phục vụ sản xuất, hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho các cơ sở sản xuất TTCN và các làng nghề...