Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 15/11/2024 | 17:55 GMT+7

Tin hoạt động

Chuyển đổi xanh trong sản xuất nông sản, thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu sang Liên minh châu Âu

15/11/2024

Sáng ngày 13/11, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban châu Âu tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi xanh trong sản xuất nông sản, thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu sang Liên minh châu Âu” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) 2024 (diễn ra từ ngày 13 - 16/11/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh) do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Châu Âu tổ chức. Hội thảo cung cấp góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về triển vọng thị trường, khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng với các đối tác EU, phòng vệ thương mại, doanh nghiệp thích ứng với quy định, chính sách mới và đề xuất chiến lược thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp, phù hợp xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... 
Chương trình năm nay đặc biệt hướng tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các thách thức và thích ứng với các quy định và chính sách xanh, nắm bắt cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư trong những lĩnh vực tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng tại thị trường EU.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định: "EU là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam". Ông nhấn mạnh vai trò của Hiệp định EVFTA và EVIPA, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ EU.
"Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết tại COP26, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG, xúc tiến thương mại, đầu tư vào công nghệ xanh, và thúc đẩy mô hình sản xuất bền vững, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu", ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận Xanh Châu Âu (EGD) trong việc định hình các chính sách bền vững, đồng thời chỉ ra những thách thức mới mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là từ Cơ chế Điều chỉnh Carbon Biên giới (CBAM) và Quy định Chống Phá rừng (EUDR). Ông khẳng định rằng "việc tuân thủ các tiêu chuẩn mới này không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, ông đánh giá cao sự hợp tác giữa EU và Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và chuyển giao công nghệ, qua đó thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa carbon của cả 2 bên".
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ
Trao đổi tham luận, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt từ các rào cản ESG do EU áp đặt, bao gồm Cơ chế Điều chỉnh Carbon Biên giới (CBAM) và Quy định Chống Phá rừng (EUDR). Ông cũng đề cập đến bối cảnh toàn cầu với ba khủng hoảng chính: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học.
Trong bối cảnh này, Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế xanh, hướng tới một nền kinh tế ít phát thải, hiệu quả tài nguyên và bền vững. Ông cũng nêu bật vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chiến lược như Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các chương trình hợp tác quốc tế, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Laurent Lourdais - đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam chia sẻ về những tiêu chuẩn khắt khe mà EU áp dụng đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt tập trung vào các quy định như CBAM và EUDR. Ông nhấn mạnh rằng để duy trì sự hiện diện trên thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới sản xuất, đảm bảo các tiêu chí về môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng Châu Âu.
Đại diện Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (INTEC) và Công ty Tridge (Hàn Quốc) đã giới thiệu giải pháp Hệ thống thông tin phát triển thị trường xuất khẩu, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực tiếp cận thị trường quốc tế. Hệ thống không chỉ cung cấp dữ liệu chi tiết về xu hướng tiêu dùng và các tiêu chuẩn nhập khẩu mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.
Với vai trò là doanh nghiệp nước ngoài, đại diện Công ty Nhập khẩu từ Vương Quốc Anh - Ông Ömer Oktay đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu chuẩn xanh. Với nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường EU đối với các sản phẩm bền vững, Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác, từ nguồn nguyên liệu phong phú đến cam kết mạnh mẽ với phát triển xanh. Ông nhấn mạnh rằng việc đảm bảo các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào chuỗi cung ứng của EU nói chung và Vương Quốc Anh nói riêng, mà còn gia tăng giá trị thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Dưới góc nhìn là phía doanh nghiệp Việt Nam, cả 2 tập đoàn Vinasoy và Betrimex đều khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển bền vững thông qua ứng dụng công nghệ cao và tối ưu hóa tài nguyên. Đại diện Vinasoy nhấn mạnh việc đầu tư vào quy trình sản xuất không tạo bã (Okara), giúp tối ưu hóa việc sử dụng đậu nành và giảm thiểu lãng phí trong sản xuất sữa thực vật, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Trong khi đó, Betrimex tập trung vào việc tận dụng toàn bộ giá trị của quả dừa, giảm thiểu lãng phí đến mức tối đa, đồng thời triển khai các dự án bù trừ carbon và năng lượng tái tạo. Công ty cũng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thông qua các mô hình canh tác bền vững và số hóa, nhằm gia tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho cộng đồng nông thôn. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định vị thế của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trao đổi tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã phân tích và trả lời câu hỏi từ các doanh nghiệp về những thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, đồng thời làm rõ xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn thương mại xanh và bền vững ngày càng khắt khe. Các quy định như Cơ chế Điều chỉnh Carbon Biên giới (CBAM), Quy định Chống Phá rừng (EUDR), và Chỉ thị Thẩm định Chuỗi Cung ứng (CS3D) được xem là những yếu tố sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, thách thức này đồng thời là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp tục hiện diện trên thị trường quốc tế mà còn tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn các lợi thế sẵn có, nâng cao giá trị gia tăng và uy tín thương hiệu, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và cạnh tranh lâu dài.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng: từ 48,9 tỷ USD năm trước khi Hiệp định có hiệu lực lên 63,7 tỷ USD vào năm thứ 4 Hiệp định có hiệu lực, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường EU tăng bình quân 8,7%/năm, nhập khẩu từ thị trường EU tăng bình quân 2,8%/năm. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam.
Trong 9 tháng/2024, Việt Nam xuất khẩu sang EU (27 nước) đạt 38,02 tỷ USD, tăng 17%, tương ứng tăng 5,51 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện đứng vị trí Top 10 nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn nhất cho EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.

Nguồn: Tạp chí Công Thương