Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:31 GMT+7

Sản xuất bền vững

Châu Âu thay đổi quy định về hàng dệt may nhập khẩu

05/04/2022

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Những quy định này nằm trong Chiến lược của Liên minh châu Âu về hàng dệt may bền vững và tuần hoàn tầm nhìn 2030.

Ban đầu, đề xuất này chỉ nhắm vào các sản phẩm liên quan đến năng lượng; nhưng giờ được mở rộng sang hàng điện tử, dệt may, đồ nội thất, đệm và lốp xe… Mục tiêu của chính sách này nhằm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có vòng đời ngắn ở EU.

Theo đề xuất, hàng dệt may vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế được. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm. Quy định sinh thái của EC cũng kêu gọi các công ty thời trang giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.

Việc EC ra quy định mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu khi thị trường này là nhà nhập khẩu quần áo lớn nhất toàn cầu năm 2019 với giá trị 80 tỷ euro. Ước tính trung bình mỗi người dân EU tiêu thụ khoảng 26kg quần áo mỗi năm, trong khi họ chỉ sản xuất chưa đến 14% số đó. 

Cùng với việc thắt chặt các quy định sinh thái đối với hàng dệt may, EU cũng đưa ra các kế hoạch hợp tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực và song phương nhằm thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ chuỗi giá trị dệt may và thời trang bền vững. Điển hình trong số đó có thể kể tới Liên minh Toàn cầu về Kinh tế thông tư và hiệu quả nguồn lực; các gói hỗ trợ chuyển đổi của ngành trong khuôn khổ Đối tác châu Âu, chương trình LIFE, chương trình châu Âu kỹ thuật số (Digital Europe Programme).

Quy định này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà cung ứng Việt Nam. Trong những năm gần đây, ngành dệt may, một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, đã có nhiều chuyển đổi xanh hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của khách hàng quốc tế. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết Hiệp hội đặt mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Ngành dệt may, da giày có cơ hội sớm cải thiện dấu chân carbon và môi trường.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 cho biết hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân hủy. Đây cũng chính là mục tiêu mà May 10 đang tập trung triển khai.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú, một trong những doanh nghiệp sớm “xanh hóa” và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, cho biết công ty đang ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất. Ứng dụng ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu ít ảnh hưởng đến môi trường. 

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về nền kinh tế nước ta, ngành dệt may, da giày có cơ hội sớm cải thiện dấu chân carbon và môi trường. Cụ thể, các khách hàng lớn của doanh nghiệp Việt Nam như H&M đã đưa ra những cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hòa carbon cho các nhà máy chế tạo và chế biến thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp. Nike cũng công bố kế hoạch tương tự sẽ ảnh hưởng đến hơn 100 nhà cung cấp của hãng tại Việt Nam. 

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam nhận định ngành dệt may đang có những tiến bộ đáng kể trong chuyển đổi sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng. Báo cáo dẫn chứng, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) có dự án Tư vấn Sản xuất thông minh khí hậu tại Mêkong. Dự án sẽ hỗ trợ các đối tác trong chuỗi cung ứng giày da và dệt may quản lý năng lượng theo cách tổng hợp, nghĩa là cải thiện hiệu suất và phân phối năng lượng tái tạo. Thông qua tư vấn trực tiếp về công nghệ mới và đầu tư, các ngành và các nhà cung cấp có thể tiết kiệm 25% tài nguyên khi tiêu dùng năng lượng và tiết kiệm tài nguyên 48% khi sử dụng nước, đồng thời nâng cao lợi nhuận qua cải thiện về năng suất và chất lượng sản phẩm.  

An Nhiên