Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 10:54 GMT+7

Tin hoạt động

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

26/02/2024

Chuyển đổi xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và trở thành là ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia. Chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp cả thời cơ và thách thức đan xen. Nó mang lại tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững cho cộng đồng về văn hoá, xã hội và môi trường.
Trong khi tài nguyên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng bộ những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các quốc gia nên tập trung nguồn lực hướng đến phát triển nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn...
1. Khái quát về Chuyển đổi xanh
“Chuyển đổi xanh” hiện đang là cụm từ khá phổ biến. Chuyển đổi xanh là trọng tâm của các cuộc tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Chuyển đổi xanh là tạo ra sự cải thiện phúc lợi của con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro môi trường và huỷ hoại sinh thái. Nó liên quan đến các hoạt động và phương thức tiêu dùng gây ra tác động xấu cho môi trường và nguy hại đến cuộc sống con người. Chuyển đổi xanh có thể được định nghĩa là chuyển đổi có các đặc điểm: tỷ lệ phát thải cacbon thấp, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên nước, kiểm soát năng lượng tái tạo) là những hoạt động chính của chuyển đổi xanh. Trong chuyển đổi xanh tăng trưởng doanh thu và tạo việc làm được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư công và tư với đặc điểm là sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, chất thải và ô nhiễm, ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái. Công nghệ xanh và các ngành công nghiệp là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia về chuyển đổi xanh.
2. Thực trạng Chuyển đổi xanh tại Việt Nam hiện nay
“Chuyển đổi xanh” đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ thực trạng tỷ lệ rừng suy giảm.
Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999).
Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như chương trình cấp nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sinh thái cho ngành Du lịch cũng được triển khai. Đặc biệt là, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện chi tiết tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu Covid-19.
3. Chuyển đổi xanh ở một số quốc gia trên thế giới
Không thể phủ nhận rằng kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, các chính phủ trên khắp thế giới đã tham gia vào nhiều hình thức chuyển đổi xanh, phục hồi xanh khác nhau. Trong gần những năm qua, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ USD vào quá trình phục hồi sau COVID-19, nhằm khởi động lại các nền kinh tế và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các cuộc khủng hoảng tự nhiên và khí hậu.
Tuy nhiên, cho đến nay, những nỗ lực này vẫn chưa đủ. Một phân tích về chi tiêu của 50 nền kinh tế lớn, được thực hiện bởi Dự án Phục hồi Kinh tế Oxford và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho thấy chỉ 368 tỷ USD (18%) trong số 14.600 tỷ USD chi tiêu đã công bố có thể được coi là “xanh”. Hay một nghiên cứu riêng của UNDP cho thấy rằng cứ mỗi đồng USD cam kết giải quyết khủng hoảng khí hậu vì lợi ích của người nghèo trên thế giới thì có tới 4 USD được chi cho trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để duy trì khủng hoảng khí hậu.
Trong khi đó, mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu hiện đang nằm ngoài tầm với. Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber từng cảnh báo thế giới chưa tìm ra đúng lộ trình để thực hiện mục tiêu trong Thỏa thuận Paris. Theo ông Jaber, để có thể kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5˚C vào cuối thế kỷ, lượng khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030. Nhấn mạnh nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, ông cho rằng năng lượng tái tạo cần tăng gấp 3 lần mức hiện nay, trong khi sản lượng hydro tăng gấp đôi và ngành nông nghiệp, vốn gây ra 30% khí thải toàn cầu, phải được cải cách mạnh mẽ. Hội đồng các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì cảnh báo các quốc gia phải đẩy mạnh các nỗ lực về khí hậu nếu muốn đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2˚C – lý tưởng là 1,5˚C – vào cuối thế kỷ này.
Gần đây nhất, báo cáo mới công bố của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa ra dự báo ngành công nghệ xanh có thể đạt hơn 9.500 tỷ USD vào năm 2030, song cho rằng các quốc gia đang phát triển tụt hậu vì nhiều lý do. Theo báo cáo, từ xuất phát điểm gần như ngang nhau cách đây 3 năm, hoạt động xuất khẩu công nghệ xanh của các nước phát triển nhất thế giới đang vượt lên so với các nước đang phát triển. Tổng trị giá xuất khẩu công nghệ xanh từ các nước phát triển tăng từ khoảng 60 tỷ USD lên hơn 156 tỷ USD trong giai đoạn 2018 – 2021. Trong khi cùng kỳ, xuất khẩu từ các nước đang phát triển chỉ tăng từ 57 tỷ USD lên khoảng 75 tỷ USD. UNCTAD cảnh báo nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này, các nước sớm ứng dụng công nghệ xanh sẽ tạo ra những lợi thế lâu dài, khiến các nước đang phát triển càng khó bắt kịp.
Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nêu rõ thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ xanh. Việc bỏ lỡ làn sóng này sẽ gây những tác động tiêu cực lâu dài. Thêm vào đó, Phó Tổng Thư ký UNCTAD Pedro Manuel Moreno lưu ý rằng các nước đang phát triển nhỏ hơn, ít gây biến đổi khí hậu, đang bị mắc kẹt giữa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với việc phải chật vật để tiếp cận công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo bảng xếp hạng của UNCTAD về mức độ sẵn sàng áp dụng và khai thác những công nghệ tiên tiến, các quốc gia có thu nhập cao đều đứng đầu, gồm: Mỹ, Thụy Điển, Singapore, Thụy Sỹ và Hà Lan. Một số quốc gia châu Á như: Ấn Độ, Philippines, Việt Nam… cũng thể hiện được sự nhanh nhạy trong ứng dụng và khai thác các công nghệ xanh. Trong khi đó, các quốc gia ở Mỹ Latin và Caribe, châu Phi cận Sahara có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ hiện tại.
Có thể nói, chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới và là con đường mà các nước đang theo đuổi. Tuy nhiên, những thách thức hiện nay đòi hỏi toàn thế giới và mỗi quốc gia nói riêng cần chuẩn bị tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động, mục tiêu tăng trưởng cho tương lai phát triển xanh, hiện đại và bền vững.
4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Nam có các kế hoạch giảm thiểu biến đổi khí hậu đầy tham vọng, chẳng hạn như nâng cao công suất sản xuất năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào than. Tuy nhiên, các nỗ lực chuyển đổi xanh của đất nước đã đạt được tiến độ chậm do thiếu khung chính sách có lợi và hỗ trợ pháp lý. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật về chuyển đổi xanh, đặc biệt chú trọng cải thiện tính hiệu quả trong việc thực thi chủ trương và chính sách về phát triển chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo Luật khung về chuyển đổi xanh của Chính phủ Hàn Quốc. Việc ban hành và thực thi văn bản luật liên quan có ý nghĩa rất lớn đến quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh của Việt Nam, đảm bảo việc phát triển chuyển đổi xanh luôn đi cùng với một môi trường xanh và phát triển bền vững.
Thứ hai, Chính phủ cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa cho phát triển năng lượng, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, thực hành chính sách tiết kiệm năng lượng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Để thực hiện chuyển đổi xanh, Chính phủ cần tập trung vào 3 yếu tố chính: Môi trường, giảm carbon và phát triển năng lượng tái tạo.
Đồng bộ các giải pháp hướng đến Chuyển đổi xanh là nhân tố quyết định đến thành công của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế
Đồng bộ các giải pháp hướng đến Chuyển đổi xanh là nhân tố quyết định đến thành công của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế
Thứ ba, dựa trên kinh nghiệm của các nước đã đạt được những thành tựu nổi bật về chuyển đổi xanh thì việc giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế là đều rất cần thiết. Thông qua mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ không chỉ về vấn đề khoa học và công nghệ mà còn góp phần thúc đẩy việc huy động nguồn vốn đầu tư theo hướng chuyển đổi xanh, giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, không ngừng cải thiện và đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu một hệ thống phân loại xanh hoặc chuyển đổi chính thức. Chúng tôi tin rằng việc thiếu khung tài chính bền vững chính thức và các quy định pháp lý để tạo điều kiện cho vay xanh sẽ tiếp tục cản trở nỗ lực triển khai các dự án năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải carbon cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo: Công nghiệp và Môi trường