Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.
Rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm. Chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm… Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.
Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,… Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất. Rác thải nhựa gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người...
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới). Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Trong đó, cứ 4.000 – 5.000 tấn rác thải mỗi ngày thì đã có 7% – 8% là rác thải nhựa, nilon. Năm 2023, nước ta nhập khẩu 7,5 triệu tấn hạt nhựa. Cộng với khoảng hơn 2 triệu tấn sản xuất trong nước thì tổng lượng hạt nhựa trong nước lên tới gần 10 triệu tấn. Đây là con số không hề nhỏ khi trong những năm qua, mức tiêu thụ nhựa của nước ta tăng khoảng 15%/năm. Điều này dẫn đến rác thải nhựa ngày càng tăng lên.
Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Nhiều nước trên thế giới đang rất quyết liệt trong chống rác thải nhựa. Đơn cử, các nước châu Âu có cả một chương trình “châu Âu xanh”, họ xây dựng chính sách quản lý rác thải nhựa, đưa ra quy định bắt buộc sử dụng hạt nhựa tái sinh. Liên Hợp quốc cũng đang soạn thảo hiệp ước ràng buộc quản lý rác thải nhựa trên toàn cầu. Việt Nam muốn chống rác thải nhựa hiệu quả cũng cần phải nhập cuộc. Như đối với sản phẩm nhựa tái chế của Việt Nam, muốn xuất khẩu được, tham gia vào các thị trường khó tính như châu Âu, buộc phải đáp ứng được được những tiêu chuẩn mà thị trường này đưa ra. Sản phẩm tái chế phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nhất định. Không có quy chuẩn sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong sản phẩm nhựa tái chế
Được biết hiện nay, Việt Nam cùng 170 quốc gia trên thế giới đang xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm chất thải nhựa. Đây là thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý, một hiệp ước mạnh mẽ với các quy tắc mang tính toàn cầu, hướng tới mục tiêu loại bỏ sản phẩm nhựa có thể tránh được; tuần hoàn an toàn các sản phẩm nhựa và quản lý rác thải nhựa thân thiện với môi trường. Bên cạnh tái chế, Việt Nam còn đang phải đối diện với thực trạng phân loại rác thải tại nguồn chưa tốt. Dự kiến đến năm 2025 sẽ áp dụng phân loại tại nguồn triệt để, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành tái chế.
Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Do đó, ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Theo đó, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các biện pháp tận dụng, tái chế rác thải nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.
"Rác thải có thể trở thành tài nguyên nếu được xử lý đúng cách". Lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải nhựa ở nước ta chưa phát triển, quy mô còn nhỏ lẻ, diễn ra chủ yếu ở một số doanh nghiệp nhỏ. Những đơn vị này có vốn đầu tư hạn chế, công nghệ đã lỗi thời, thiếu kế hoạch… nên hiệu quả chưa có.
Việc xử lý, tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam còn nhiều yếu kém, lạc hậu và có nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế (Theo ông Đặng Huy Đông – Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong khi việc xử lý theo cách chôn, lấp, đốt có rất nhiều nhược điểm, gây hại cho môi trường, con người. Vì thế, đã đến lúc cần có một cái nhìn toàn diện về công tác tái chế rác thải nhựa, từ đó đưa ra hoạch định chiến lược bền vững để nghề tái chế rác thải nhựa thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu bảo vệ môi trường.
Việc phát triển ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa, phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn là bước đi tất yếu không chỉ giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế hàng tỷ USD.
Theo: Congnghiepmoitruong.vn