Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:55 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tái chế rác thải nhựa sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng

14/09/2024

Trước thực trạng khối lượng rác thải nhựa từ sản xuất, sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng lớn; trong khi đó, hoạt động thu gom, xử lý và tái chế rác thải nhựa chưa thực sự hiệu quả, ông Nguyễn Viết Thanh và ông Trương Ngọc Tuấn đến từ tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau nghiên cứu, thực hiện công trình "Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng".
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá , hiện nay nhu cầu sử dụng các loại ống nhựa, thanh nhựa dân dụng, công nghiệp và viễn thông ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Ống PVC được sử dụng rất đa dạng trong cuộc sống, từ ống dẫn nước từ nhà máy nước đến các trạm phân phối nước, đến hộ gia đình, ống nước thải trong các tòa nhà cao tầng, ống dẫn nước tưới ở các trang trại nuôi trồng thủy hải sản, trồng cao su, ca phê, tiêu, điều, ống dẫn nước cấp ở các nhà máy thủy điện…PVC cứng còn được dùng làm ống dẫn, xăng dầu và khí, dùng bọc các kim loại làm việc trong môi trường ăn mòn; tấm nhựa dùng trong xây dựng như lát nền nhà giả gỗ, làm tấm phào trần trang trí v.v...
Theo điều tra, mỗi năm nhu cầu ống, tấm, thanh nhựa giả gỗ giả đá phục vụ cho nhu cầu của các công trình xây dựng trong gia đình hay các công trình công cộng, công nghiệp, nông nghiệp... ngày một tăng.
Nhiều năm qua, trăn trở trước thực trạng khối lượng rác thải nhựa từ sản xuất, sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng lớn; trong khi đó, hoạt động thu gom, xử lý và tái chế rác thải nhựa chưa thực sự hiệu quả, ông Nguyễn Viết Thanh và ông Trương Ngọc Tuấn đến từ tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau nghiên cứu, thực hiện công trình "Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng".
Ông Nguyễn Viết Thanh và ông Trương Ngọc Tuấn đã cùng nhau nghiên cứu, thực hiện công trình (Ảnh: Truyền hình Thanh Hoá)
Theo ông Nguyễn Viết Thanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Tân Thanh Phương, Chủ nhiệm công trình cho biết: Thực hiện công trình nhóm nghiên cứu thử nghiệm nguyên liệu chính là hạt nhựa PVC sản xuất trong nước và các loại ống nhựa và nhựa phế thải để tái chế, giá thành chỉ bằng 2/3 giá thành của các loại ống nhựa khác trên thị trường nhưng chất lượng không thua kém. Từ kết quả đạt được nhóm đã xây dựng, hoàn thiện 5 quy trình sản xuất cho mỗi loại sản phẩm là ống nước, ống gen, phào chỉ, thanh giả đá, thanh giả gỗ đạt chất lượng theo các Quy chuẩn quốc gia; thuận lợi cho việc ứng dụng, triển khai sản xuất. Riêng sản phẩm ống cấp nước gồm 18 loại, phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn Kỹ thuật Quốc Gia và được phép sử dụng dấu hợp quy do đơn vị có thẩm quyền chứng nhận. Mỗi năm, công ty sản xuất hàng chục ngàn tấn sản phẩm nhựa từ nhựa phế thải, tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. 
"Từ năm 2012 chúng tôi đã nghiên cứu. Đến năm 2019 sản phẩm hoàn thiện đến mức tối ưu nhất. Ngoài những ý nghĩa về xã hội như bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, chúng tôi nâng cao được chất lượng sản phẩm rất nhiều" - ông Nguyễn Viết Thanh cho biết.
Tiến sĩ Trương Ngọc Tuấn - Đồng Chủ nhiệm công trình chia sẻ: Công trình góp phần ổn định kinh tế tại địa phương, tạo tiền đề cho việc xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghệ tái chế rác thải, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khu vực Bắc miền Trung và phạm vi cả nước. Ngoài ra, công trình thành công đã mở ra và từng bước định hình triển vọng mới trong việc biến rác thải thành nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm với giá cả cạnh tranh phục vụ ngành xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đang cung ứng trên thị trường.
"Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các khâu chuyển giao đề tài, để đề tài mang lại những hiệu nhiều hơn với cộng đồng, với xã hội. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về chính sách nhà nước trong xử lý rác thải môi trường, quảng bá, thúc đẩy sử dụng sản phẩm do đề tài này mang lại" - ông Trương Ngọc Tuấn thông tin.
Sản phẩm ống nước của công trình nghiên cứu đạt chất lượng theo các Quy chuẩn quốc gia. (Ảnh: Truyền hình Thanh Hoá)
Theo đánh giá các chuyên gia, nguồn tài nguyên từ thiên nhiên ngày một cạn kiệt, nhất là nhiên liệu hóa thạch; sự biến đổi của khí hậu, hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng, môi trường sinh thái ô nhiễm. Khái niệm nền kinh tế tuần hoàn ngày một được nhắc đến hiều hơn. Tăng trưởng kinh tế và thay đổi mô hình tiêu thụ và sản xuất đang dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng chất thải nhựa trên toàn thế giới. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Tân Thanh Phương là doanh nghiệp khoa học, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong những năm qua, công ty đã tiến hành triển khai và làm chủ được dự án “Sản xuất ống nhựa thoát nước thải từ rác thải màng co PVC”; sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa phục vụ công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng; giới thiệu và chuyển giao công nghệ cho đối tác, doanh nghiệp… với hy vọng mang lại một sản phẩm tốt, mang ý nghĩa thực tiễn cho việc tái sử dụng chất thải, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý chất thải rắn, không chỉ ở địa phương Thanh Hóa mà còn ở trong và ngoài nước.
Với giá trị khoa học - kinh tế - xã hội lớn, Công trình "Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng" đã xuất sắc đoạt giải Nhì Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022. 
Mai Anh