Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:17 GMT+7

Tin hoạt động

Cần phát triển ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa

07/07/2023

Bên cạnh cơ sở hạ tầng phân loại và thu gom rác thải thì công nghệ và các giải pháp đổi mới sáng tạo là yếu tố cần thiết để tạo điều kiện cho các sản phẩm từ nhựa tái sinh, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và nền kinh tế tuần hoàn vì môi trường.
Việt Nam thải 3,1 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm
Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. 
Dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. Đến năm 2030, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn.
Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Theo các nhà chuyên môn, Việt Nam cần triển khai các hoạt động liên quan trong phát triển kinh tế tuần hoàn gồm cách thức để gia tăng chuỗi giá trị của sản phẩm nhựa cũng như quản lý rác nhựa. Cụ thể, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. 
Nhiều sản phẩm từ rác thải nhựa
Trong lộ trình giảm dần xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp thì tăng tỷ lệ tái chế rác được xem là hướng đi tất yếu của các địa phương trong cả nước. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt công nghệ hiện đại để tái chế rác thải.
Điển hình như tại Công ty Thành Tùng 2 ở Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai được biết đến là đơn vị tiên phong trong hơn mười năm trở lại đây bằng một loạt các sản phẩm từ rác được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Vừa qua, doanh nghiệp này cho ra mắt sản phẩm tranh nghệ thuật 3D được tái chế từ rác thải nhựa khiến không ít người ngỡ ngàng. Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Tùng 2, cho rằng, việc tận dụng rác thải nhựa để sáng tạo nghệ thuật đã có nhiều dự án, nhưng tái chế nhựa thành tranh quy mô công nghiệp thì hầu như chưa có ai làm.
Tranh 3D từ nhựa tái chế của Công ty Thanh Tùng 2 (Ảnh: Báo Nhân dân)
Mỗi bức tranh được tạo ra từ 10kg rác thải nhựa. Đầu tiên, các loại rác thải nhựa được làm sạch, cho vào máy nghiền nhỏ. Sau đó, nhựa thải được đưa vào máy ép nóng tạo thành tấm ván nhựa, đưa qua máy ép lạnh để sản phẩm chắc, bền. Tiếp đó, những tấm không bị lỗi, được lựa chọn, cắt theo kích thước để đưa đi xử lý mầu, phơi khô rồi in tranh. Những bức tranh đầu tiên ông Hùng mang đi tặng cho chính doanh nghiệp mà ông đang hợp tác, các cơ quan, trường học. Tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp mở 3 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại thành phố Biên Hòa, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Bình.
Trước đó, cuối tháng 12/2021, lô hàng tấm ván ép đầu tiên được tái chế từ rác thải nhựa của Thanh Tùng 2 được xuất khẩu sang Scotland. Điều này, mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp trong việc tái chế chất thải từ nhựa làm đồ nội thất.
Theo ông Bùi Xuân Hùng, việc tái chế rác nhựa ra sản phẩm để sử dụng là bước đi quan trọng trong thực hiện bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Để làm được điều này, ngoài đầu tư cho nhà máy khoảng 200 tỷ đồng thực hiện tái chế chất thải, Công ty Thanh Tùng 2 đã được chuyển giao quy trình, công nghệ từ Công ty Reform Plastic, một doanh nghiệp chuyên thực hiện tái chế chất thải đến từ Đức.
Lô sản phẩm tấm nhựa tái chế từ rác thải của Công ty Thanh Tùng 2 lần đầu tiên xuất xưởng cho khách hàng Scotland. (Ảnh: Tạp chí Môi trường)
Hay tại Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp (Cụm công nghiệp Phú Mỹ, đóng tại xã Tam Phước, Phú Ninh, Quảng Nam) thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường từ việc thu mua rác thải nhựa và tái chế.
Là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan về nhựa, ông Lê Văn Trọng luôn tìm kiếm hướng đi mới mẻ gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường. “Những bao nhãn mác chai nhựa của các loại nước đóng chai, nước giải khát… thay vì bỏ đi thì công ty chúng tôi thu mua đem về tái chế để không lãng phí tài nguyên, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường” – ông Trọng cho biết.
Gần đây nhất, từ phương pháp rác thải nhựa tái chế, giải pháp về sản phẩm hồ nuôi tôm bằng nhựa được thiết kế và đăng ký bản quyền của Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp đã được công thí điểm tại huyện Thăng Bình cũng là một cách làm hay để giúp người nuôi trồng thủy sản tiết kiệm chi phí.
Mô hình hồ nuôi tôm lắp ghép bằng nhựa tái chế  của Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp sẽ giúp bảo vệ môi trường. (Ảnh: Báo Quảng Nam)
Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Do đó, ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Theo đó, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các biện pháp tận dụng, tái chế rác thải nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.
Các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa là bước đi tất yếu không chỉ giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế hàng tỷ USD.
Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.
Mai Anh