Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 00:42 GMT+7

Tin hoạt động

Hạ tầng khu công nghiệp xanh tại Việt Nam: Thực trạng & triển vọng

22/02/2024

Để đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cần có những nghiên cứu về khu công nghiệp xanh.
Trong xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số... cùng với những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần có những nghiên cứu về khu công nghiệp xanh. Chỉ bằng cách đó, các mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững mới có thể đạt được.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam có định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số… cùng với đó là những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mô hình khu công nghiệp (KCN) xanh được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm chất thải, giảm lãng phí tài nguyên, giảm thiểu rủi ro, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng khả năng cạnh tranh. Các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường thu được từ KCN xanh là đáng kể, đa dạng và vượt xa cách làm thông thường.
Nghiên cứu phát triển KCN theo hướng xanh là việc làm rất cần thiết góp phần không nhỏ để có thể đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo Savils tính đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 413 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các khu kinh tế, 37 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, 7 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120 nghìn héc-ta.
Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn héc-ta. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn héc-ta, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%
Theo định hướng Quy hoạch Quốc gia, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 575 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,93 nghìn héc-ta [4] (tăng gần gấp 2 lần so với hiện nay).
Mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia là phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển các KCN sinh thái và giảm dần các KCN, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. [5]
Hình 1: Tình hình KCN tại Việt Nam đến nửa đầu 2023. Nguồn: House link
2. Khái niệm Hạ tầng công nghiệp xanh
Trong bối cảnh thế giới và Chính phủ Việt Nam đang đặt ra và theo đuổi các mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, khái niệm KCN xanh đang dần trở nên phổ biến trong các bài báo, đề tài nghiên cứu, văn bản điều hành cũng như ý tưởng phát triển tại một số dự án trong nước.
Tuy nhiên, hiện không có một quy định chính thức nào cho khái niệm KCN xanh được mà thuật ngữ thường được sử dụng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là “KCN sinh thái”.
Hình 2: Tiêu chí KCN sinh thái theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP) Nguồn: VMC
Tại Việt Nam các tiêu chí về KCN sinh thái lần đầu được quy định tại Điều 42 Nghị định 82/2018/NĐ-CP [7], Nghị định 35/2022/NĐ-CP [8] tiếp tục kế thừa bổ sung quy định chi tiết, cụ thể các tiêu chí cho từng đối tượng, chủ thể trong bảng 2.
Hiện nay khái niệm Hạ tầng công nghiệp đang được thay thế cho Bất động sản công nghiệp xanh theo thực tế phát triển và đầu tư hiện nay. Một cách tổng quát, hạ tầng KCN xanh là các KCN được đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại để tối ưu hoá sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Thông qua việc tái sử dụng chất thải, chất thải năng lượng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên khác (khoáng sản, gỗ tự nhiên...), hạn chế sử dụng hóa chất độc hại (phân bón, thuốc trừ sâu, chất bảo quản thực phẩm...) khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến như IoT, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, quản lý thông minh và tự động hoá để tăng cường hiệu suất sản xuất, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, giảm thiểu thí thải và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh các yếu tố của hạ tầng tiện ích thì hạ tầng xã hội cũng được quan tâm một cách thấu đáo.
3. Ba nhóm lợi ích từ hạ tầng KCN xanh
Bảo vệ môi trường: KCN xanh rất khác biệt so với các KCN thông thường. Các KCN xanh được xây dựng theo cách tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Cụ thể là, tạo ra nhiều mảng xanh và sử dụng các vật liệu có thể tái chế, sử dụng các nguồn năng lượng sẵn có (mặt trời, nước, gió), phát triển hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác... Nâng cao khả năng thu gom và xử lý rác thải so với trước đây thông qua việc sử dụng công nghệ mới.
Tận dụng nước thải qua xử lý tập trung có thể được sử dụng cho các hoạt động hàng ngày (tưới nước, làm sạch đường). Các hoạt động sản xuất có giải pháp giảm lượng khí thải, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường xung quanh và giảm bớt hậu quả gây biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh: Mô hình KCN xanh giúp các doanh nghiệp thu lợi nhiều về kinh tế. Từ việc tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu thô và rút ngắn quy trình sản xuất và phân phối có thể giúp giảm chi phí sản xuất giúp giảm giá thành sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Mặt khác, hướng sản xuất sạch hơn và vận hành bền vững theo tiêu chuẩn công nghiệp xanh giúp tạo điều kiện phát triển kinh doanh không chỉ ở môi trường trong nước mà vươn ra thế giới.
Hình 3: Thống kê m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận xanh của các thể loại công trình đến nửa đầu 2020. Nguồn: VMC
Cải thiện chất lượng môi trường sản xuất và bảo vệ sức khỏe người lao động: KCN xanh với diện cây xanh lớn, nhà xưởng được quy hoạch theo hướng tối ưu phù hợp với ngành nghề… giúp tạo ra môi trường sản xuất xanh - sạch - đẹp đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe người lao động.
Với thương hiệu KCN xanh giá trị, sản phảm của doanh nghiệp sẽ được nâng tầm và chiếm được lòng tin của khách hàng và đối tác.
4. Thực trạng và những thách thức trong hạ tầng KCN xanh hiện nay
Có thể nói thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật liên quan đến KCN xanh, sinh thái vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Các yêu cầu về KCN xanh - thông minh đang được qui định rải rác trong nhiều bộ luật, quy định nên việc thực hiện còn phức tạp và khó khăn.
Đặc biệt, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất hay các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, sản xuất cho lĩnh vực này chưa có khiến việc áp dụng thực tế hiện nay còn mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào khả năng cũng nhu cầu riêng của doanh nghiệp.
Thực tế việc thu hút đầu tư và khai thác quỹ đất công nghiệp hiện có là chưa hiệu quả. Qua những số liệu thực tiễn có thể nhận thấy việc xác định quỹ đất phát triển công nghiệp còn thiếu khoa học, chưa phù hợp với tiềm năng, xu thế phát triển công nghệ, nhu cầu thực tế của các ngành công nghiệp… Nhiều qui hoạch phát công nghiệp ở các địa phương còn được tính toán khá duy ý chí và định tính mà không dựa trên mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, mục tiêu phát triển ngành.
Hình 4: Thống kê tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp tại Việt Nam đến nửa đầu 2023. Nguồn: Houselink
Môi trường kinh doanh toàn cầu đang chuyển hướng về phát triển KCN sinh thái, xanh, nhưng nhiều quy hoạch phát triển KCN tại các địa phương vẫn giữ nguyên cấu trúc truyền thống chưa được cập nhật, không theo kịp xu thế phát triển của thế giới, không tích hợp được các tiêu chí, tiêu chuẩn mới.
Việt Nam đã cam kết tham gia vào các thỏa thuận, chương trình, mục tiêu phát triển toàn cầu về bảo vệ môi trường như Net-zero, bảo vệ tài nguyên… nhưng những mục tiêu này chưa được coi trọng và lồng ghép vào trong các quy hoạch phát triển KCN hiện nay.
Cũng theo Savills, Việt Nam đang ở cửa ngõ phát triển và có tiềm năng lớn hơn trên bản đồ thế giới. Ngành công nghiệp Việt Nam đi sau cần rút ra bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và trên thế giới như coi yếu tố “xanh” là điều kiện cần để phát triển.
Đồng thời, chuyển dịch, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực chế tạo sản xuất - công nghệ cao "sạch" hơn là những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, Tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thay thế như năng lượng gió và năng lượng mặt trời mà đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư và sử dụng.
Hình 5: Hạ tầng tiện ích tại các KCN tại Việt Nam đến nửa đầu 2023. Nguồn: Houselink
Dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong việc xanh hóa nền kinh tế của đất nước. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng của các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã thay đổi, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Do đó, phát triển các ngành công nghiệp xanh cũng trở thành yếu tố quan trọng để Việt Nam thu hút cạnh tranh đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư đang thực hiện KCN theo cách phân khu bán nền để tận dụng tối đa quỹ đất và thu hút nhiều nhà đầu tư nhất có thể. Nhưng thực tế lại cho thấy các nhà đầu tư FDI lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xanh, đang đặt ra yêu cầu cao về tiêu chí môi trường, công nghệ và hạ tầng xã hội trong quá trình đầu tư.
Điều này thể hiện mong muốn của họ đầu tư vào các KCN không chỉ với mục tiêu thuận lợi về vị trí địa lý và quy mô, mà còn là khả năng đáp ứng được các tiêu chí xanh và thông minh thể hiện qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, quản lý năng lượng thông minh, chuẩn mực bảo vệ môi trường cao và coi trọng người lao động.
Hình 6: Tình hình dự án FDI tại Việt Nam đến nửa đầu 2023. Nguồn: Houselink
Để giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý, việc thu thập và thiết lập thành một hệ thống cơ sở dữ liệu về: khối lượng phát thải, tình trạng ô nhiễm môi trường, tiêu thụ năng lượng… là vô cùng cần thiết nhưng hầu hết các KCN tại Việt Nam hiện nay đều chưa có một hệ thống thu thập, đo lường, phân tích và quản lý dữ liệu hoàn chỉnh.
Hình 7: Hạ tầng xã hội tại các KCN tại Việt Nam đến nửa đầu 2023. Nguồn: Houselink
Hạ tầng xã hội: chỗ ở cho công nhân, tiện ích cuộc sống cho người lao động… chưa được giải quyết thấu đáo, mang nhiều tính tự phát… mặc dù đã được đề cập mạnh ở các chủ trương ở cấp vĩ mô.
5. Triển vọng của hạ tầng công nghiệp xanh tại Việt Nam
Triển vọng về môi trường
Net Zero Carbon: Đây là xu hướng của thế giới, khoảng 140 quốc gia gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ… đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero với những mốc thời gian phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.
Tháng 11/2021 tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết Việt Nam cùng 150 quốc gia trên thế giới, sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Phát triển các KCN xanh chính là hành động để hướng đến mục tiêu Net-zero Carbon thông qua các hoạt động nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và phát triển các không gian xanh của KCN.
Xử lý và tái chế chất thải: Bên cạnh việc việc xử lý chất thải một cách nghiêm chỉnh theo qui định của pháp luật, chất thải được tái chế góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường và còn là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho quá trình sản xuất.
Năng lượng: các nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần dần cạn kiệt; vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo là một nhu cầu tất yếu.
Triển vọng về công nghệ
Rất nhiều các công nghệ mới đã ra đời từ cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng các quy hoạch KCN cần có tầm nhìn phù hợp và tận dụng được tiềm năng của công nghệ để xây dựng các KCN xanh. Nhiều công nghệ có khả năng áp dụng trong quy hoạch phát triển KCN xanh như là: Internet vạn vật (IoT); Robotics; Công nghệ Blockchain; Trí tuệ nhân tạo (AI); An ninh mạng...
Triển vọng về kinh tế
Kinh tế xanh: Đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là mục tiêu của phát triển kinh tế xanh. Các ngành công nghiệp sạch và sử dụng tài nguyên bền vững là một thành phần đóng góp quan trọng của kinh tế xanh. Ngược lại, kinh tế xanh cũng tạo ra cơ hội mới cho các ngành công nghiệp sạch, như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và quản lý chất thải...
Kinh tế tuần hoàn: Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận theo tự nhiên hướng đến giảm thiểu lãng phí tài nguyên và tiêu thụ năng lượng, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực tái chế, sửa chữa và tái sử dụng. Các ngành công nghiệp của nền kinh tế tuần hoàn tạo ra việc làm mới, giảm thiểu tác động môi trường và tăng cường sự bền vững của hệ thống xã hội.
Kinh tế số: Kinh tế số mang lại nhiều cơ hội mới cho phát triển công nghiệp. Các ngành công nghiệp của nền kinh tế số hướng đến tăng cường sự hiệu quả và sự linh hoạt trong sản xuất và quản lý, đồng thời tạo ra nhiều công việc mới và tăng cường sự kết nối và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số hóa để tận dụng tối đa cơ hội từ kinh tế số.
Triển vọng về xã hội
Nhìn nhận những vấn đề xã hội khi nghiên cứu phát triển KCN xanh sẽ giúp đưa ra những giải pháp có tính bền vững, hướng tới con người đóng góp cho xã hội bên cạnh các giá trị về kinh tế, bảo vệ môi trường.
Các xu hướng xã hội bao gồm: tạo ra môi trường việc làm chất lượng trong KCN; đáp ứng nhu cầu về chỗ ở - các tiện ích cuộc sống an toàn, xanh, hiện đại bên trong và xung quanh KCN; thúc đẩy tương tác và kết nối giữa các doanh nghiệp và cộng đồng chính quyền địa phương… Các KCN tâp trung nên được quản lý, phát triển theo hướng của đô thị công nghiệp, trong đó hạ tầng xã hội cần được chuẩn hóa và qui định rõ ràng.
6. Kết luận
Sự chuyển dịch của các dòng vốn FDI, sự tái cấu trúc thu hẹp chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số… đang có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến định hướng phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Sự chuyển dịch này mang đến những cơ hội như tiếp nhận được những công nghệ mới hiện đại, quy trình sản xuất hiệu quả giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo ra nhiều việc làm; nâng cao chuỗi giá trị… Nhưng đi kèm với đó là những thách thức trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế chính sách thu hút đầu tư, chất lượng nhân lực, kiểm soát môi trường…
Mô hình KCN xanh được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm chất thải, giảm lãng phí tài nguyên, giảm thiểu rủi ro, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng khả năng cạnh tranh.
Các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường thu được từ KCN xanh là đáng kể, đa dạng và vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường. Để đầu tư xây dựng thành công KCN xanh, cần phải định hướng ngay từ bước đầu triển khai công tác lập quy hoạch, đặc biệt là bước quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất cũng cần phải bám sát theo định hướng mô hình KCNST, đảm bảo các tiêu chí sử dụng đất.
Để thực hiện các KCN xanh, vai trò then chốt nằm ở hệ thống chính sách. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp là tiền đề để có được các KCN xanh trong tương lai.
Những định hướng của Việt Nam về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4… đang là cơ sở vững vàng cho phát triển KCN xanh.
Mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững sẽ là động lực mạnh mẽ của phát triển Hạ tầng công nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Benedict, McMahon (2002). Green infrastructure smart conservation for the 21st Century. Renewable Resources Journal.
[2]. Park, J. M., Park, J. Y., & Park, H. S. (2016). A review of the national eco - industrial park development program in Korea: Progress and achievements in the first phase, 2005 - 2010. Journal of cleaner production, 114, 33 - 44.
[3]. ADB (2001). Eco - industrial par hanbook for Asian developing countries. Report to Asian Development Bank.
[4]. Nghị quyết số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia 5 năm 2021-2025
[5]. Nghị quyết số 18/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
[6]. Bộ KH&ĐT (2020). Quyết định 702/QĐ-BKHĐT, phê duyệt Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”.
[7]. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ qQuy định về quản lý KCN và khu kinh tế.
[8]. Huang, B., Yong, G., Zhao, J., Domenech, T., Liu, Z., Chiu, S. F.,... & Yao, Y. (2019). Review of the development of China’s Eco - industrial Park standard system. Resources, Conservation and Recycling, 140, 137 - 144.
PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên
(Nguồn: Môi trường Đô thị)