Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 06:30 GMT+7

Tin hoạt động

Xu hướng và giải pháp phát triển sản xuất xanh tại Việt Nam

08/01/2024

TÓM TẮT:
Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến tăng trưởng xanh bền vững và các giải pháp thân thiện với môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu, không chỉ riêng nông nghiệp mà tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đều chuyển hướng ưu tiên sang những mô hình, cách thức sản xuất xanh. Xanh hóa sản xuất góp phần giảm thiểu ô nhiễm và phát thải nhà kính,  hướng tới tăng trưởng bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình cho doanh nghiệp. Bài viết phân tích xu hướng và giải pháp phát triển sản xuất xanh tại Việt Nam.
Từ khóa: sản xuất xanh, doanh nghiệp, môi trường, tái chế, tuần hoàn, khép kín, Việt Nam.
1. Tiêu dùng xanh quyết định sản xuất xanh
Tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu Trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đang dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
Theo số liệu khảo sát của Kantar, qua dịch Covid-19, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi và hướng đến lối sống bền ổn, có lợi cho sức khỏe nên họ sẵn sàng ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu, nhanh và an toàn. Cụ thể, có đến 57% người tiêu dùng cho rằng, sẽ ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng đến môi trường và xã hội; 23% người tiêu dùng ưu tiên mua các loại thức ăn từ hạt; 20% người tiêu dùng còn lại sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm hữu ích cho sức khỏe và môi trường như sữa tăng sức đề kháng, bàn chải bảo vệ môi trường. Kết quả khảo sát của Accenture PLC, một công ty trong Fortune Global 500 vào tháng 4/2020 cho thấy, 60% người tiêu dùng muốn mua hàng thân thiện với môi trường.  Báo cáo đã nhấn mạnh việc sử dụng ít nhựa hơn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trước COVID-19. Theo Worldbank, 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng môi trường”.
Nhiều kết quả khảo sát khác cũng khẳng định, khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh”. Điều này có nghĩa, khi thu nhập của người dân tăng thì nhu cầu sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên. Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen chỉ ra, có đến 86% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường (tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á là 76%). Việc doanh nghiệp cam kết có trách nhiệm với môi trường cũng tác động đến quyết định mua hàng của 62% người tiêu dùng Việt. Con số thống kê thực tế từ Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh năm 2021 cũng cho thấy, sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia Chiến dịch tại các hệ thống siêu thị Co.opMart trong tháng triển khai chương trình thường tăng 50%-60% so với tháng khác trong năm. Đây là động lực để các doanh nghiệp cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh”, xây dựng thương hiệu “xanh”, tạo sức cạnh tranh riêng trên thị trường.
Xuất phát từ sự thay đổi xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đang dần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu hoặc kém thân thiện với môi trường để tiến tới các giải pháp sản xuất “xanh”.
2. Xu hướng sản xuất xanh của các doanh nghiệp Việt
“Sản xuất xanh” là quy trình sản xuất mà từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất còn đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.
Ví dụ kinh nghiệm được chia sẻ tại Công ty TNHH Long An với cách sản xuất sạch liên hoàn, khép kín theo tiêu chuẩn thấp nhất là VietGAP, từ cây ăn trái như chuối, bưởi, sầu riêng đến chăn nuôi bò Australia, bò Nhật, con tôm…, công ty, đã phát triển trang trại ngày càng chất lượng, lớn mạnh, trở thành đối tác quan trọng của thị trường Nhật Bản trong nhập khẩu chuối Fohla. Để trái chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Công ty phải tuân thủ quy tắc sản xuất theo hơn 140 tiêu chí an toàn thực phẩm do thị trường Nhật Bản đề ra. Trong số đó, bao gồm các hoạt động ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày, vật tư sản xuất chỉ có những hoạt chất được Nhật Bản cho phép sử dụng.
Với mỗi lô hàng được chuyển sang thị trường Nhật Bản, đều được đội ngũ nhân viên kiểm tra, sàng lọc các tạp chất, độ đồng đều, cũng như chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Không dừng lại ở đó, họ còn kết hợp sản xuất chăn nuôi bò thịt giống Úc tại các trang trại, với đệm lót sinh học từ mụn dừa và chế phẩm vi sinh xử lý phân bò trực tiếp tại chuồng, tạo không gian xanh sạch cho môi trường sống của bò thịt. Cũng từ cách làm này, nguồn chất thải từ con bò thịt trở thành nguồn phân vi sinh với khối lượng lên hàng chục nghìn tấn, quay sang phục vụ cho vườn chuối.
Doanh nghiệp lựa chọn kinh tế tuần hoàn để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch,…
Heineken Việt Nam là một ví dụ được nhắc đến như một điển hình. Doanh nghiệp này hiện có 6 nhà máy sản xuất bia và 10 văn phòng tại Việt Nam, đang hỗ trợ tới 212.000 việc làm, đóng góp 0,95% GDP và xếp thứ 5 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho ngân sách Việt Nam. Để góp phần chống biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững, ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, doanh nghiệp đều chủ động thực hiện xanh hóa. Hiện nay, có 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Trong khâu đóng gói, 100% chai bia và két được sử dụng lại, 100% lon bia được tái chế.
Trong khâu quản lý chất thải, 99% phụ phẩm, chế phẩm được tái chế, tái sử dụng. Trong khâu văn phòng và tổ chức các sự kiện, doanh nghiệp giảm 1% điện, 8% nước, 33% giấy. Ngoài ra, Heineken Việt Nam cũng tối ưu khâu phân phối sản phẩm, giúp giảm 2.000 tấn CO2; sử dụng 100% tủ lạnh xanh giảm 65% khí CO2; cải tiến trong bao bì giúp doanh nghiệp giảm 273 tấn giấy trong năm 2020. Rõ ràng, việc thực hiện tái chế đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. Hiện Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp, vì 99% chất thải đã được tái sử dụng, tái chế trong quá trình quay vòng sản xuất.
Theo thống kê, hiện nay, Unilever Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc sử dụng nhựa như giảm 55% nhựa nguyên sinh, 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế và 100% bao bì nhựa cứng đều có sử dụng nhựa tái chế. Ngoài ra, Tập đoàn này còn có kế hoạch thực hiện loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong công thức của các sản phẩm tẩy rửa và giặt giũ. Tính đến nay, khoảng 96% sản phẩm chăm sóc gia đình của Unilever Việt Nam có thành phần có thể phân hủy sinh học. Bên cạnh đó, DN cũng hướng đến việc biến CO2 từ khí thải công nghiệp thành các hóa chất và khoáng chất hữu ích để phục vụ cho công tác sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình. Việc áp dụng phương pháp này trong thời gian gần đây đã giúp Unilever trên toàn cầu giảm tới 28% khí nhà kính trong các công thức sản phẩm.
Đáng chú ý, hiện 100% nhà máy, văn phòng, cơ sở nghiên cứu và phát triển, trung tâm dữ liệu, kho hàng và trung tâm phân phối của Unilever trên toàn cầu đã sử dụng điện lưới tái tạo. Đây cũng là mục tiêu mà Samsung Việt Nam đang hướng đến khi mới đây, Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này đã đặt vấn đề mua điện từ các nguồn điện tái tạo để sử dụng ở các nhà xưởng của mình.
Các doanh nghiệp Việt đã dần khẳng định vị thế của mình, cũng chính là nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm về chất lượng, tính minh bạch, an toàn, thân thiện môi trường, tuy vẫn còn nhiều khó khăn.
3. Những khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện sản xuất xanh
Thứ nhất, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý, bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá mức độ xanh hóa sản xuất. Việc thực hiện xanh hóa cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp chia sẻ, gắn kết các bên liên quan; phải có đội ngũ chuyên gia giỏi; công nghệ tái chế, tái sử dụng tốn kém...
Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Để có thể làm thành chuỗi sản xuất sạch, khép kín, liên hoàn, doanh nghiệp cần một nguồn kinh phí không nhỏ để tái đầu tư. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn như giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua, gây ách tắc trong vận chuyển hàng hóa ra cảng. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp để tái sản xuất khi hàng hóa còn ứ đọng tạm thời.
Thứ ba, sản phẩm xanh của doanh nghiệp Việt hiện nay đáp ứng cho rất nhiều thị trường khó tính. Bất kỳ một thị trường nào cũng là thị trường tiềm năng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất theo tiêu chí của nhà nhập khẩu không có nghĩa là sẽ bán được giá cao như người sản xuất mong muốn. Người Nhật yêu cầu sản phẩm chất lượng cao hơn nhưng giá cả có thể không cao hơn siêu thị Việt Nam, mà giá chuối còn phụ thuộc vào từng thời điểm nguồn hàng cạnh tranh nhiều hay ít. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi thực hiện thay đổi cách thức sản xuất truyền thống.
4. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh, cần tập trung một số giải pháp sau.
Một là, tăng cường, tuyên truyền, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh.
Hai là, đẩy mạnh phong trào “Doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững”.
+ Công khai thông tin về những hoạt động và tác động đáng kể về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và quản lý của doanh nghiệp.
+ Thực hiện đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp dựa trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực thực hiện tăng trưởng xanh.
+ Đào tạo, tập huấn doanh nghiệp về các nội dung của tăng trưởng xanh .
+ Phát triển thị trường dịch vụ tư vấn kỹ thuật và giải pháp quản lý sản xuất xanh cho doanh nghiệp.
+ Tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện tăng sản xuất xanh giữa các doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm nước ngoài.
Bốn là, xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Có thể thấy, tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành tài chính Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng xanh. Trường hợp cấp tín dụng hàng nghìn tỷ đồng cho dự án chuyển đổi xanh của Công ty Sợi Thế Kỷ càng là minh chứng cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp ngành dệt may cao nếu chủ động bắt nhịp với xu hướng “xanh hóa” và đưa vào các dự án có đánh giá yếu tố tác động đến môi trường.
Năm là, đưa ra các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có cam kết và đạt kết quả trong thực hiện sản xuất xanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hair, J.F., Hult, G.T.M., Ringle, C.M. and Sarstedt, M. (2014). A Primer on Partial Least Squares Structural Equation Modeling. Thousand Oaks, CA: Sage,.
2. Jiang, S., Han, Z., Huo, B. (2020). Patterns of IT use: the impact on green supply chain management and firm performance. Industrial Management & Data Systems, 120(5), 825-843;
3. Sini Laari,S., Töyli,J., Solakivi,T., Ojala,L. (2016). Firm performance and customer-driven green supply chain management. Journal of Cleaner Production,112, 1960-1970;
4. Umar and partner. (2016). Effects of Technological Innovation in Relationship between Green Supply Chain Management Practices and Green Performance.International Review of Management and Marketing, 6(4), 677-682.
5. Ngọc Linh (2021), Sản xuất xanh - Mắt xích quan trọng để tăng trưởng xanh, http://consosukien.vn/san-xuat-xanh-mat-xich-quan-trong-de-tang-truong-xanh.htm
6. Lê Anh (2017), Sản xuất xanh: Xu hướng tất yếu của doanh nghiệp, https://tphcm.chinhphu.vn/san-xuat-xanh-xu-huong-tat-yeu-cua-doanh-nghiep-10116742.htm
Trends and solutions to promote the development of green production in Vietnam
Master. Nguyen Thi Nguyet Minh
Faculty of Business Administration
University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
In the context that the world is shifting to a sustainable growth with environmentally friendly solutions to mitigate and adapt to climate change. All fields from agriculture to services are shifting their priorities to green development models and business methods. Greening production, and reducing pollution and greenhouse gas emissions have brought many benefits including economic benefits and intangible values ​​for businesses. This paper analyzes trends and solutions to facilitate the development of green production in Vietnam.
Keywords: green production, enterprise, environment, recycling, circularity, self-contained, Vietnam.
ThS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT MINH
Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]