Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 16:54 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Đồng Tháp hỗ trợ người dân thực hiện mô hình điện mặt trời trên mái nhà

31/10/2018

Đồng Tháp là địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời với cường độ bức xạ năng lượng mặt trời dao động từ 4,5- 5 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm khá cao, đạt từ 2.200 - 2.500 giờ/năm. Bên cạnh các dự án điện mặt trời nối lưới, mô hình điện mặt trời trên mái nhà hòa lưới điện công cộng cũng được đánh giá rất có tiềm năng.
Năm 2017, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ thực hiện 2 mô hình điện mặt trời cho 2 hộ làm du lịch homestay ở TP. Sa Đéc. 
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cũng đã nghiệm thu Dự án đầu tư hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời với lưới điện công cộng cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất tại hộ ông Phan Hoàng Lam ngụ ấp Trung, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, công suất lắp đặt là 3,3 kWp; hộ ông Nguyễn Văn Nương (Cơ sở Tư Nương sản xuất bột gạo lọc) ngụ số 91 rạch Ngã Bát, khóm 2, phường 2, TP.Sa Đéc công suất lắp đặt là 5,94 kWp.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Sở tiếp tục hỗ trợ thực hiện 5 mô hình điện mặt trời trên mái nhà hòa lưới điện công cộng tại huyện Thanh Bình, TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh và huyện Tam Nông.
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có ưu điểm là tận dụng các khoảng bỏ không của mái nhà để lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời (không chiếm diện tích đất); quá trình lắp đặt, di chuyển hệ thống cũng tương đối dễ dàng; việc đăng ký lắp đặt (công tơ 2 chiều) được giải quyết theo quy định. Bên cạnh đó, việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà còn giúp ngôi nhà mát mẻ hơn, vừa giảm chi phí tiền điện, vừa góp phần bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Đồng Tháp, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 14 doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà hòa lưới điện công cộng với tổng công suất khoảng 1,2 MWp đã được Công ty Điện lực Đồng Tháp lắp đặt công tơ điện hai chiều.

Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp