Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 07:12 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Tuyên Quang: Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh

04/02/2016

Bà Ứng Thu Huyền - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Tuyên Quang- cho biết, năm 2015, KC Tuyên Quang đã thực hiện thành công nhiều đề án, trong đó có 2 đề án KC quốc gia với kinh phí hỗ trợ 1,3 tỷ đồng; một số đề án KC địa phương đợt 1 với kinh phí hỗ trợ trên 170 triệu đồng và đợt 2 là 500 triệu đồng. “Công tác KC trên địa bàn tỉnh được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động triển khai, phát huy hiệu quả. Bình quân mỗi năm Quỹ KC của tỉnh được bổ sung 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở có nhu cầu”- bà Huyền nói.

Trên thực tế, các đề án KC Tuyên Quang hỗ trợ trong những năm qua cho hiệu quả rất tích cực. Do nguồn lực không lớn, KC Tuyên Quang lựa chọn hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh như: Chè, cà phê, gỗ ghép ván thanh.

Theo ông Đỗ Văn Nam-Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Long Phú-một trong những đối tượng thụ hưởng từ nguồn vốn KC địa phương đợt 1 năm 2015, công ty đã được hỗ trợ 100 triệu đồng ứng dụng cụm máy móc, thiết bị trong sản xuất chè xanh xuất khẩu. Nhờ sự góp sức này, việc đầu tư dây chuyền công suất 500 tấn chè búp tươi/năm của doanh nghiệp đã hoàn chỉnh. Doanh nghiệp hiện có thể sản xuất đa dạng các nhóm sản phẩm từ chè như: chè xanh bán thành phẩm, chè xanh xuất khẩu.…

Được biết, nhờ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí KC quốc gia, Công ty TNHH Vĩnh An (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa) đã phối hợp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung. Mô hình có công suất 3,5 triệu viên gạch/năm, giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện và một số xã lân cận thuộc các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Na Hang. Mô hình cũng giúp bảo đảm thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng cho 15 lao động địa phương.

Cũng theo bà Ứng Thu Huyền, hoạt động KC Tuyên Quang rất sát sao trong việc tìm kiếm các cơ sở công nghiệp nông thôn mới thành lập và xây dựng kế hoạch hỗ trợ, đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực có nhiều thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng của chương trình không nhiều, nguyên nhân là do số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn ít, tập trung chủ yếu vào lĩnh xực xây dựng và khai thác khoáng sản thô không thuộc nội dung chương trình KC hỗ trợ. Cùng đó, sang năm 2016, sau 5 năm chuyển đổi từ thị xã lên thành phố, các cơ sở trên địa bàn một số phường thuộc TP. Tuyên Quang sẽ không được hưởng hỗ trợ từ chương trình khuyến công nữa. “Đối tượng thụ hưởng của KC Tuyên Quang đã ít lại ngày một bị thu hẹp”- bà Huyền lo lắng.


Bà Ứng Thu Huyền- Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Tuyên Quang:
Để tìm kiếm đối tượng thụ hưởng, hai lần một năm, Trung tâm KC Tuyên Quang phối hợp với phòng kinh tế hạ tầng các huyện tổ chức rà soát tới từng xã, thôn nhằm tìm kiếm các cơ sở mới thành lập. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp lâu dài, để khắc phục triệt để hiện trạng này , chính sách KC cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, đặc biệt mở rộng hơn nữa nội dung cũng như số lần hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng.