Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/09/2024 | 00:21 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất sạch tại Cty CP Mía đường Sông Lam

15/04/2013

Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam tiền thân là Nhà máy đường Sông Lam được Trung Quốc viện trợ xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1960 tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với công suất ban đầu là 350 tấn mía/ngày và 50.000 lít cồn thực phẩm/năm. Từ năm 1999, do quy hoạch vùng nguyên liệu nên nhà máy đã di chuyển đến xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn và đầu tư mở rộng công suất lên 500 tấn mía/ngày, 1 triệu lít cồn/năm. Đến nay, công suất của nhà máy đã đạt mức 7.000-7.500 tấn đường kính/năm và 1 triệu lít cồn thực phẩm/năm…

Năm 2008, được sự hỗ trợ của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI), Sở Công Thương Nghệ An và Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam, đơn vị đã tham gia cả ở hai giai đoạn sản xuất sạch. Trong đó, giai đoạn 1, công ty thực hiện 12 giải pháp nội vi (không tốn chi phí và chi phí thấp) với tổng kinh phí 61,6 triệu đồng (CPI hỗ trợ 29 triệu đồng). Hàng năm lợi ích thu được từ các giải pháp trên là 138,5 triệu đồng, cụ thể: Giảm tiêu thụ than 16,7%, tương đương 78 tấn/năm, tiết kiệm 109 triệu đồng/năm; Giảm tiêu thụ điện 11,7%, tiết kiệm 29,5 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2 (từ tháng 3/2009 – 2010), Công ty CP Mía đường Sông Lam đã triển khai 3 giải pháp đầu tư lớn: Xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh; Xây dựng hệ thống xử lý khói bụi lò hơi nấu cồn; Xử lý nước hèm thải sản xuất cồn. Toàn bộ giai đoạn 2 với 3 hạng mục có tổng mức đầu tư 8,2 tỷ đồng, CPI hỗ trợ 45% tổng mức đầu tư (tương đương 3,6 tỷ đồng). Lợi ích thu được từ các giải pháp đầu tư này hàng năm lên tới 710 triệu đồng. Đặc biệt, công ty đã tận dụng được bùn tro bã mía để sản xuất 5.000 tấn phân vi sinh/năm. Việc tận dụng bùn thải làm phân vi sinh đã xử lý triệt để khoảng 100 tấn bã thải/năm, hạn chế tình trạng ô nhiễm mùi tại nhà máy cũng như môi trường xung quanh. Lượng nước thải (100m3/ngày) với nồng độ các chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép cũng đã được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
 
Sản xuất sạch không chỉ mang lại lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải, giảm lượng nước tiêu thụ, mà còn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín. Các giải pháp sản xuất sạch đã được thực hiện tại Công ty cổ phần mía đường Sông Lam là ví dụ điển hình cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đường và cồn tại Việt Nam.

Vụ ép 2012-2013, Công ty CP Mía đường Sông Lam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá đường kính trắng giảm từ 16.000 đ/kg đuờng kính trắng xuống 14.000 đ/kg đường kính trắng, thị trường tiêu thụ thu hẹp, tồn kho 2.500 đến 3.000 tấn, giá thấp không bán đuợc, trên thực trạng giá mía xuống thì đầu vào thu mua phải xuống, nhưng không thể làm được như thế... một số địa phương do điều kiện giao thông khó khăn không vận chuyển được mía, hàng năm nhà máy đã cùng với nông dân đầu tư làm đường giao thông trên 200 triệu đồng nhưng cũng như muối bỏ bể, ở một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu lao động, thu hoạch mía phải kéo dài trong nhiều ngày, những hộ đã thuê lao động cố tình đốn chặt không đúng kế hoạch dẫn đến mía tồn trên đồng ruộng làm ảnh hưởng đến chất lượng mía nhập về nhà máy.
 
Vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Công ty CP Mía đường Sông Lam đã cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ thu mua mía bảo đảm lợi nhuận của người trồng mía, tạo niềm tin gắn kết lâu dài với công ty. Nét nổi bật trong vụ ép 2012-2013 đó là công tác thu hoạch, vận chuyển mía đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sản lượng mía thu hoạch, vận chuyển hằng ngày cơ bản bảo đảm cho nhà máy sản xuất liên tục, thông suốt. Kế hoạch thu hoạch mía thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thời tiết và sản lượng mía của từng địa bàn. Số đầu xe tham gia vận chuyển đáp ứng đủ cho nhà máy sản xuất, việc giao xe đến các địa phương đã tạo điều kiện cho cán bộ địa bàn chủ động trong công tác điều xe nên mía thu hoạch đến đâu được vận chuyển đến đấy, hạn chế tối đa mía để lưu bãi trên đồng ruộng. Hỗ trợ ban đầu cho nguời dân chặt mía từ đầu vụ đến ngày 1.4 là 40 ngàn đồng/tấn.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía niên vụ 2012-2013, Công ty CP Mía đường Sông Lam cũng đang tích cực triển khai kế hoạch phát triển mía niên vụ 2013-2014. Theo kết quả điều tra của công ty, hiện tại Công ty tập trung củng cố và xây dựng vùng mía quy mô lớn với những địa phương có đủ các điều kiện như: vùng đất đồi có độ dốc từ 12 độ trở xuống; hộ trồng mía có diện tích tập trung liền thửa từ 2 ha trở lên, có năng lực và trình độ thâm canh cao; tập trung xây dựng lại vùng mía, liên kết xây dựng các hộ nông dân chuyên canh sản xuất mía hàng hóa quy mô lớn có điều kiện đầu tư thâm canh đạt năng suất từ 80 tấn/ha trở lên. Diện tích trồng mới phải được thâm canh, cày sâu, bón vôi, tuyển chọn các giống mía trong vùng, giống trồng mới phải được khử lẫn.
 
Những khó khăn của ngành mía đường được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến trong vụ ép 2013 – 2014, nhưng với quyết tâm và truyền thống vượt khó của Công ty CP Mía đường Sông Lam, sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng cảm của nhân dân, tin rằng cây mía sẽ tiếp tục khẳng định vai trò xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương vùng mía.