Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/09/2024 | 03:20 GMT+7

Sản xuất bền vững

Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Từ nhận thức đến hành động

10/02/2011

Từ thay đổi nhận thức, các doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức quản lý, đổi mới công nghệ nhằm phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường. Để tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi này, phóng viên Báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương.

Xin ông cho biết những kết quả đạt được của CPI trong năm 2010?

Có thể khẳng định rằng đến thời điểm này, hầu hết các mục tiêu đề ra của Hợp phần trong năm 2010 cơ bản đã hoàn thành. Kết quả thực hiện của Hợp phần được các đoàn chuyên gia độc lập đánh giá rất cao.

Trong năm 2010, CPI đã hỗ trợ nhiều hoạt động nhằm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các Sở Công Thương tại các địa phương như hỗ trợ các Sở tổ chức hội thảo, đào tạo đánh giá nhanh SXSH cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đến hết năm 2010, CPI đã có hoạt động tại 5 tỉnh mục tiêu và 38 tỉnh thành trên cả nước.

Đối với hệ thống tổ chức ở Trung ương, CPI đã có nhiều hỗ trợ để thành lập Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch – Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương. Cụ thể, hỗ trợ nâng cao năng lực cho trung tâm; Giao cho trung tâm thực hiện việc giám sát hiệu quả của các dự án trình diễn, nghiên cứu thực trạng và đề xuất cải tiến đối với hoạt động giám sát môi trường tại các tỉnh, thành cũng như hướng dẫn sản xuất sạch hơn trên 10 ngành. Trung tâm sẽ có nhiệm vụ tiếp quản và nhân rộng những kết quả mà CPI đã đạt được sau khi CPI kết thúc.

Riêng với hệ thống tổ chức ở địa phương thì các đơn vị hỗ trợ và triển khai kế hoạch SXSH cấp tỉnh tập trung ở các Trung tâm Khuyến công địa phương đã được xây dựng tại 5 tỉnh mục tiêu và 16 tỉnh ngoài mục tiêu. Tính đến hết năm 2010, CPI cũng đã xây dựng được 61 dự án trình diễn (57 dự án trình diễn của doanh nghiệp và 4 dự án trình diễn hộ gia đình). Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được CPI đẩy mạnh thông qua các tờ rơi, phim, hàng trăm bài báo về các dự án trình diễn cùng hàng trăm hội thảo, chương trình đào tạo phổ biến SXSH được tổ chức tại 38 tỉnh thành trên cả nước.

Năm 2010 là năm bản lề đánh dấu 5 năm Hợp phần CPI được triển khai thành công tại Việt Nam. Vậy xin ông cho biết đâu là những điểm nhấn quan trọng nhất mà CPI đã đạt được trong suốt 5 năm qua?

Theo tôi, điểm nhấn quan trọng nhất mà hợp phần đạt được, thứ nhất là số lượng các dự án trình diễn đã vượt xa kế hoạch mà hợp phần đặt ra là sẽ có 40 doanh nghiệp tại 5 tỉnh mục tiêu trong giai đoạn 2005 – 2010. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia trình diễn đã là 57. Ngoài ra, trên 3000 doanh nghiệp tại 5 tỉnh mục tiêu là Nghệ An, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Nam, Bến Tre và hàng trăm doanh nghiệp tại 38 tỉnh, thành phố khác trên cả nước đã được tiếp cận các hoạt động hoặc kiến thức liên quan đến SXSH.

Thứ hai là các dự án đã được CPI triển khai đều đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Theo kết quả quan trắc mà các tỉnh báo cáo thì tại các tỉnh mục tiêu, công tác quản lý ô nhiễm đã được nâng cao hơn một bước, SXSH đạt tỷ lệ khá cao như ngành sản xuất giấy tại Phú Thọ giảm được lượng tiêu thụ nước từ 15% – 30%, điện từ 10% - 15%, nguyên liệu đầu vào khoảng 5%; Ngành luyện kim tại Thái Nguyên giảm lượng tiêu thụ điện từ 5% - 10%, than từ 7% - 20% …Đối với các doanh nghiệp trình diễn đã hoàn thành giai đoạn 2 thì mức tiêu thụ than giảm trung bình từ 23,2%; tiêu thụ dầu FO giảm trung bình 87%; tiêu thụ điện giảm trung bình 9%; tiêu thụ nước giảm trung bình khoảng 23,6%; tiêu thụ củi giảm trung bình 55,1%...  SXSH không những đã thực sự mang lại hiệu quả về kinh tế cho doanh nghiệp, hiệu quả môi trường cho cộng đồng xã hội mà còn góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay.

Thứ ba, công tác truyền thông của CPI là một trong những công tác được đánh giá là thành công nhất thời gian vừa qua. Sau 5 năm triển khai đã có gần 200 sự kiện truyền thông được tổ chức; 80 bản tin SXSH đã được gửi đến gần 10.000 doanh nghiệp trên cả nước; 40 phim tài liệu đã được CPI thực hiện và 53 phim tài liệu do các tỉnh mục tiêu thực hiện; 13 hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho 13 ngành công nghiệp (giấy, rượu bia, dệt may, thép, sơn, thuộc da…) cùng hàng trăm bài báo mỗi năm được đăng trên các ấn phẩm của các báo Công Thương, Tạp chí Công nghiệp, Vietnam Economic News… Công tác truyền thông đã góp phần quan trọng trong cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm đến doanh nghiệp, cộng đồng.

Thời gian tới, khi CPI kết thúc, để duy trì, nhân rộng những kết quả mà CPI đã đạt được, những hoạt động nào đã được đặt ra cho Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, thưa ông?

 Hợp phần CPI sẽ kết thúc vào quý I năm 2011. Tuy nhiên các hoạt động thúc đẩy sản xuất sạch hơn của Bộ Công Thương sẽ không dừng lại mà tiếp tục được thực hiện trong khuôn khổ Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 mà Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì. Mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 50% doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia SXSH và các đơn vị tham gia sẽ tiết kiệm được từ 8% - 13% năng lượng, nguyên nhiên vật liệu/đơn vị sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược bao gồm 5 đề án là nâng cao năng lực và nhận thức khi áp dụng SXSH trong công nghiệp; Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về SXSH; Hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH; Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở áp dụng SXSH; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính thúc đẩy áp dụng SXSH sẽ được triển khai từ nay đến năm 2020.

Hàng năm, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đăng ký kinh phí thực hiện đề án Chiến lược SXSH và sẽ nhận đăng ký của các Sở và Trung tâm khuyến công để xây dựng cơ chế hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật. Bên cạnh đó, nội dung SXSH sẽ được lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp; mạng lưới cấp giấy chứng nhận áp dụng SXSH trong công nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện sẽ được xây dựng.

Các Viện nghiên cứu, trường đại học sẽ tăng cường liên kết với cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ SXSH; Nhà nước hỗ trợ tín dụng với các dự án SXSH; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ SXSH.

Công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Các địa phương sẽ được hỗ trợ kinh phí để in tờ rơi, làm phim, tổ chức hội thảo, đào tạo về SXSH cho các đơn vị trong tỉnh. Ngoài ra, các Trung tâm khuyến công cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí để tổ chức đánh giá SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hường – Phương Lan