Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/09/2024 | 03:26 GMT+7

Tin hoạt động

Phát triển sản xuất sạch hơn: Cần một chính sách nhất quán để thực thi

21/01/2011

Gia tăng chất thải rắn nguy hại

Trong thành phần rác thải sinh hoạt, chiếm phần lớn là rác vô cơ gồm bao gói nilon và các thành phần có nguồn gốc công nghiệp khác. Tại Việt Nam, hàng năm tổng lượng phát sinh chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại các đô thị khoảng 6,5 triệu tấn/năm. Tổng lượng CTR sinh hoạt đến năm 2010 vào khoảng hơn 12 triệu tấn/năm (gấp đôi năm 2004 là 6,5 triệu tấn/năm). Dự báo và đến năm 2020 khoảng gần 22 triệu tấn/năm.

Các chuyên gia của Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam vẫn là nước sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại không an toàn.

Nhiều loại bao bì hóa chất, chất thải nguy hại, dầu chứa PCB chưa được quản lí, thu gom và xử lí triệt để đang tạo ra các nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Điều tra của Viện Nghiên Cứu chiến lược (Bộ Công Thương) cho thấy, Việt Nam có hàng ngàn nhà máy tái chế từ các nguyên liệu giấy, nhựa, sắt thép, kim loại (đồng, nhôm, chì…) và các hóa chất, dầu cặn qua sử dụng khác. Đó là một ngành công nghiệp có giá trị doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng, cũng ngành công nghiệp này, hàng năm đang thải ra môi trường hàng triệu tấn chất thải - một nguồn có nguy cơ ô nhiễm nặng nề.

Phát triển sản xuất sạch hơn

Công nghiệp Môi trường Việt Nam đang có những bước phát triển mới, đóng góp quan trọng vào thực hiện tiêu dùng bền vững công nghiệp. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là nước có tỉ lệ thu hồi chất thải rắn rất cao, trên 80% chất thải được thu hồi bằng nhiều hình thức khác nhau.

Khu vực dịch vụ xử lí chất thải xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Môi trường đô thị (URENCO), SEEN, Á Đông, Ebara (Nhật Bản), Việt Úc… hoạt động trên nhiều lĩnh vực xử lí chất thải, chất rắn đô thị, xử lí chất thải nguy hại, doanh thu hàng năm trên vài trăm tỉ đến ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, khu vực tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, với nhiều dịch vụ chuyên sâu như xử lí nước rác, một số loại chất thải nguy hại, vệ sinh tòa nhà, tiết kiệm năng lượng, thiết kế xanh…

Theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường, thời gian tới, hướng phát triển sản xuất sạch hơn (SXSH) là một trong những giải pháp nhằm hạn chế lượng chất thải rắn phát thải ra môi trường. Để thực hiện hướng đi này, cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện SXSH trong sản xuất công nghiệp. Tiếp tục các sáng kiến nhằm tạo ra cách thức tiếp cận SXSH phù hợp đối với các đối tượng đặc thù như doanh nghiệp vừa và nhỏ, các KCN, KCX, doanh nghiệp lớn. Đi đôi với đó là các chính sách công nhận, chứng nhận và hỗ trợ thích đáng. Thực hiện quản lý toàn bộ quá trình sản xuất thay cho quản lý "Cuối đường ống" như hiện nay. SXSH cần được hỗ trợ bởi các chính sách quản lí ngay từ đầu vào, quy định các tiêu chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu và phát thải.

Tiếp tục các nỗ lực nhằm hoàn thiện chính sách, tạo sự khác biệt trong chính sách đối với các đối tượng thực hiện. Đó chính là cách thức nhằm đem lại lợi ích rõ rệt cho bên thực hiện SXSH phân biệt với bên không thực hiện.

Cần phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia về môi trường khẳng định, thời gian tới, ngành công nghiệp môi trường tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu công  nghiệp, theo hướng phát triển bền vững. Mục tiêu là giải quyết tối đa, càng nhiều càng tốt nguồn chất thải phát sinh từ công nghiệp và tiêu dùng dân chúng. Tiếp tục các chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong nước, ngaòi nước, đặc biệt là nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân. Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với đầu tư trong lĩnh vực môi trường cà bảo vệ môi trường.

Một trong những hướng đi được các chuyên gia dự báo là, cần phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ môi trường và tái chế chất thải. Khuyến khích và ưu đãi đặc biệt đối với đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ mới, các loại hình dịch vụ đặc biệt mà Việt Nam chưa phát triển. Tiếp tục phát triển và mở rộng lĩnh vực tái chế chất thải, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh… Bên cạnh đó, sẽ phát triển mạnh các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường. Không có lĩnh vực công nghiệp nào có mối quan hệ mật thiết với hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KHCN như lĩnh vực môi trường, và cũng không có giới hạn nào về tính cạnh tranh của công nghệ này so với công nghệ khác trong lĩnh vực môi trường. Cùng một vấn đề môi trường có thể chấp nhận nhiều phương án công nghệ/cách thức giải quyết khác nhau. Việt Nam có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ môi trường - đây là điểm cần được phát huy và có chính sách khuyến khích phát triển thế mạnh này.