Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 20:22 GMT+7

Tin hoạt động

Hiện trạng và phương hướng pháp triển sản xuất sạch hơn trong chế biến khoáng sản tỉnh Thái Nguyên

29/12/2014

Thái Nguyên là một trong 14 tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, là trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục vùng. Phía Tây giáp với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Bắc giáp Bắc Cạn; phía Đông giáp Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam giáp Hà Nội. Thái Nguyên có diện tích là 3.541,5 km2. Về tổ chức hành chính đến năm 2015, tỉnh sẽ có 06 huyện, 02 thị xã và 02 thành phố.

Thái Nguyên là cửa ngõ phía Nam nối vùng Việt Bắc với Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế thông qua đường Quốc lộ 3; sân bay quốc tế Nội Bài; cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; cảng sông Đa Phúc và đường sông đến Hải Phòng; đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên và Thái Nguyên-Bắc Giang. Đường cao tốc Hà Nội–Thái Nguyên là tuyến đường hướng tâm nằm trong quy hoạch vành đai vùng Hà Nội.


Thái Nguyên hiện có 250 điểm mỏ và khai khoáng được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 79 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản với tổng số 169 Giấy phép khai thác khoáng sản các loại được cấp. Trong đó, Các Bộ, ngành Trung ương cấp 21 giấy phép; UBND tỉnh cấp 148 giấy phép với hơn 30 loại hình khoáng sản khác nhau, phân bố tập trung ở các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai... Khoáng sản ở đây gồm 4 nhóm: Nguyên liệu cháy, khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại và khoáng sản vật liệu xây dựng. Đây là lợi thế lớn để Thái Nguyên phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và luyện kim….


1. Hiện trạng chế biến một số khoáng sản chính

1.1. Chế biến nhóm khoáng sản kim loại

1.1.1. Quặng sắt

Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác 26 mỏ và điểm khoáng sản sắt với tổng trữ lượng còn lại gần 34,6 triệu tấn, đáng chú ý là các mỏ: Tiến Bộ 24 triệu tấn, Trại Cau 9 triệu tấn, Quang Trung 4 triệu tấn v.v… Nguồn quặng này được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng giai đoạn 2007–2015, có xét đến năm 2020. Hiện trạng chế biến hiện nay cơ bản phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt cụ thể như sau :

* Đối với các mỏ nằm tập trung, trữ lượng trên 1 triệu tấn, tính chất quặng giống nhau có thể xây dựng khâu chế biến chung gồm có:

+ Các cơ sở chế biến của Công ty Gang thép Thái Nguyên: (gồm có 02 dây chuyền) sử dụng công nghệ lò cao luyện gang: lò cao luyện gang V =120m3 và 100m3 có công suất: >200.000 tấn gang lỏng/năm (570 tấn/ngày đêm); lò cao luyện gang V=500m3 công suất 580.000 tấn gang lỏng/năm và dây chuyền thiêu kết 100m2 công suất 981.000 tấn quặng thiêu kết/năm và các thiết bị phụ trợ đồng bộ khác…

+ Nhà máy hợp kim sắt Trung Việt: Dây chuyền sản xuất gang có công suất 700 tấn/tháng.

+ Công ty Cổ phần sản xuất Gang Hoa Trung: Dây chuyền sản xuất gang luyện thép và gang đúc có công suất 30 tấn/ngày.

+ HTX Vận tải Chiến Công: Dây chuyền sản xuất với công suất hàng năm khoảng 30.000 tấn sản phẩm silicon mangan, fero mangan và gang luyện thép.

+ Công ty Cổ phần Khai khoáng Miền Núi: Dây chuyền sản xuất gang có công suất 10.000 tấn/năm.

Trừ Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, các đơn vị còn lại đều là dây chuyền luyện gang trong các lò cao dung tích nhỏ 22-75m3.

* Đối với các mỏ có trữ lượng nhỏ, và phân tán thì khâu chế biến, chủ yếu dùng phương pháp tuyển rửa và phân loại được bố trí ngay sau khâu khai thác tại mỏ.

1.1.2. Quặng titan

Đã phát hiện 17 mỏ và điểm quặng titan với trữ lượng dự báo khoảng 19,83 triệu tấn. Các mỏ có trữ lượng lớn là: Titan Hữu Sào 7 triệu tấn ilmenit, Titan Cây Châm 4,8 triệu tấn ilmenit đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng giai đoạn 2007–2015, có xét đến năm 2020. Hiện trạng chế biến hiện nay tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt cụ thể như sau:

+ Công ty TNHH Titan Hoa Hng: Dây chuyền tuyển quặng ilmenit công suất 3.800 tấn/năm tinh quặng ilmenit hàm lượng TiO2=52%.

+ Công ty C phn Ban Tích: Dây chuyền tuyển quặng ilmenit có công suất 60.000 tấn quặng ilmenit/năm, hàm lượng 48–49% TiO2.

+ Công ty TNHH đầu tư và PTNT Miền Núi: Dây chuyền luyện xỉ titan có công suất 20.000 tấn/năm sản phẩm theo công nghệ Trung Quốc với hàm lượng xỉ thành phẩm TiO2 ≥92%.

+ Công ty Cổ phần Khoáng sản An Khánh: Dây chuyền luyện xỉ titan có công suất 100.000 tấn xỉ titan/năm, công nghệ Trung Quốc.

1.1.3. Quặng antimon, bauxit, thủy ngân, arsen, vàng, thiếc và vonfram

Đã quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng giai đoạn 2009–2015, có xét đến năm 2020. Hiện trạng chế biến cơ bản phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt cụ thể như sau:

+ Công ty TNHH NN MTV Kim loại màu Thái Nguyên: Dây chuyền điện phân thiếc với công suất: 500-600 tấn/năm, thiếc kim loại 99,95%Sn (loại I) và sau năm 2015 sẽ nâng công suất lên 1.000 tấn/năm.

+ Công ty TNHH Thực Nghiệp-Trung Nhất-Bảo Thắng: Dây chuyền tuyển rửa quặng và luyện kim antimon có công suất 1.500 tấn antimon kim loại/năm; chì kim loại 3.000 tấn/năm; hợp kim titan-sắt 2.000 tấn/năm; hợp kim vanadi-sắt 400 tấn/năm; hợp kim sắt-crôm 1.000 tấn/năm; đồng thô 800 tấn/năm; bột ôxít kẽm 65% 500 tấn/năm; Hạt mài corindon 1.000 tấn/năm.

+ Công ty TNHH Liên doanh Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo: Dây chuyền chế biến sâu quặng tinh đa kim Núi Pháo có công suất: quặng tinh đồng 10.872 tấn/năm; vonfram 3.000 tấn/năm; quặng tinh fluorit 109.092 tấn/năm; natri vonfram 3.600 tấn/năm; bismut 691,2 tấn/năm.

+ HTX Công nghiệp & Vận tải Chiến Công: Dây chuyền tuyển chế biến sâu quặng vàng gốc có công suất khoảng 50 kg vàng 99,99%/năm.

+ Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thăng Long: Dây chuyền tuyển chế biến sâu quặng vàng sa khoáng có công suất khoảng 110kg vàng 99,99%/năm.

1.1.4. Quặng chì-kẽm

Đã phát hiện ra 17 mỏ và điểm khoáng sản với tổng trữ lượng chì–kẽm còn lại ước khoảng 2.702 ngàn tấn, hàm lượng chì, kẽm trong quặng từ 8–30%. Đã quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến giai đoạn 2008 – 2015. Hiện trạng chế biến hiện nay cơ bản phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt cụ thể như sau:

+ Các cơ sở chế biến khác: Sản xuất kẽm kim loại của Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc: 10.000 tấn/năm; Sản xuất bột ôxit kẽm 60% ZnO và chì kim loại của HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công với sản lượng 5.000 tấn chì kim loại/năm và 5.000 tấn bột ôxít kẽm 60%ZnO/năm; tuyển tinh quặng chì-kẽm của các Công ty có mỏ và được phép chế biến sản lượng khoảng 10.000 tấn quặng tinh/năm

+ Đối với các mỏ có trữ lượng nhỏ, ở phân tán thì khâu chế biến (tuyển thô) được bố trí ngay sau khâu khai thác của mỏ.


1.2. Chế biến nhóm khoáng sản phi kim loại

Năm 2009 tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trong nhóm khoáng chất công nghiệp bao gồm: kaolin, sét gốm, barit, photphorit, đôlômit, quaczit và pyrit giai đoạn 2009–2015 có xét đến 2020. Hiện trạng chế biến hiện nay cơ bản phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt cụ thể như sau:

+ Công ty TNHH Doanh Trí: Dây chuyền sản xuất bột barit có công suất 20 nghìn tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm chính là bột barit đạt tiêu chuẩn API; sản phẩm phụ là bột barit tỷ trọng cao.

+ Công ty Cổ phần Tập đoàn Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên: Dây chuyền thiết bị hiện đại khép kín từ khâu gia công nguyên liệu, tạo hình và nung sản phẩm với công suất 60.000-65.000 tấn vật liệu chịu lửa các loại/năm. Các sản phẩm gồm: gạch chịu lửa có hàm lượng cao nhôm 50-85 %; gạch chịu lửa samôt A, B; gạch MgO-C; gạch MgO-Cr2O3; Gạch MgO spinel; gạch xốp nhẹ; gạch chịu axit; gạch đinat; tấm cách nhiệt canxi silicat; sản phẩm bê tông chịu lửa; bột,vữa, sạn chịu lửa các loại…


1.3. Chế biến nhóm khoáng sản nguyên liệu cháy

Nhóm này chủ yến là than, đã phát hiện 15 mỏ và điểm khoáng sản với tổng trữ lượng còn lại 63,8 triệu tấn. Mỏ có trữ lượng lớn là Khánh Hòa 46 triệu tấn, Núi Hồng 15,1 triệu tấn, mỏ Làng Cẩm, Âm Hồn, mỗi mỏ đều có trữ lượng trên 3,5 triệu tấn than mỡ dùng để luyện cốc và một số điểm than nhỏ khác.

Chế biến than thực hiện ngay tại các mỏ và các điểm mỏ với công nghệ chủ yếu là sàng phân loại.


1.4. Chế biến nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng

Đã thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020. Hiện trạng chế biến hiện nay cơ bản phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt cụ thể như sau:

Năng lực sản xuất xi măng của Thái Nguyên hiện tại khoảng là 3.140.000 tấn. Trong đó xi măng lò đứng: 190.000 tấn; xi măng lò quay: 2.950.000 tấn.

Năng lực sản xuất vật liệu xây toàn tỉnh là 852 triệu viên gạch quy chuẩn, trong đó gạch nung tuynen: 447 triệu viên; gạch nung lò đứng liên tục: 65 triệu viên; gạch không nung: 340 triệu viên (khoảng 40%).

Đối với chế biến đá vật liệu xây dựng đã sử dụng thiết bị nghiền sàng đồng bộ để duy trì sản xuất, với tổng năng lực khoảng 1.577 nghìn m3.

Việc chế biến cát từ đá vôi, đá cát kết, cuội sông suối tại các mỏ đã hình thành với sản lượng nhỏ.

Dây chuyền chế biến ốp lát tại Cty Cổ phần Đá ốp lát và Vật liệu xây dựng đảm bảo chế biến đá đủ chất lượng làm đá ốp lát cho toàn tỉnh; các nhà máy gạch ceramic tại Phổ Yên và Sông Công có công suất 14 triệu m2 /năm

Dây chuyền sản xuất vôi tại Công ty Cơ điện Luyện kim và Công ty Cổ phần Tập đoàn Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên đảm bảo nhu cầu vôi cho sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh.


1.5. Đánh giá và nhận xét chung

1.5.1. Về tuyển khoáng

- Hầu hết sử dụng công nghệ tuyển rửa và trọng lực trong những xưởng tuyển “mini” thủ công hoặc bán cơ giới. Hình thức này phổ biến tại hầu hết các điểm khai thác khoáng sản kim loại như thiếc, vàng, sắt...

- Một số cơ sở áp dụng phương pháp tuyển nổi như tuyển quặng sunphua kẽm-chì Làng Hích. Tuy vậy, sơ đồ và thiết bị tuyển quặng chì- kẽm đơn giản, hệ số thu hồi thấp, giá thành cao và chưa thu hồi được khoáng sản có ích đi kèm.

- Công nghệ tuyển tinh thu được các quặng tinh riêng rẽ và nghiền mịn zircon đã được thực hiện, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhưng đối với quặng titan gốc chưa tiến hành công tác kiểm tra kỹ thuật, lấy mẫu phân tích, thí nghiệm công nghệ tuyển nhằm xây dựng chế độ tuyển hợp lý và có những điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tăng khả năng thu hồi sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

- Xưởng tuyển và địa điểm xây dựng của Công ty TNHH Titan Hoa Hằng không hợp lý. Công ty không có mỏ, ở quá xa các nguồn quặng nguyên liệu.

- Công nghệ sàng tuyển phân loại than tại các mỏ và điểm mỏ áp dụng phù hợp với tính chất khoáng sản của vùng.

1.5.2. Về chế biến sâu và luyện kim

Các công nghệ chế biến trên địa bàn hiện đang áp dụng là: luyện thiếc bằng lò phản xạ, lò điện hồ quang và điện phân; sản xuất bột kẽm bằng lò phản xạ và lò quay; luyện antimon bằng lò phản xạ và lò điện hồ quang; luyện vàng bằng công nghệ thuỷ luyện; sản xuất vật liệu xây dựng bằng công nghệ nghiền, đập, nung. Chưa có công nghệ chế biến sâu quặng titan tiên tiến của thế giới. Ngoài các sản phẩm của Nhà máy chế biến sâu quặng tinh đa kim Núi Pháo và gang, thép, thiếc được luyện ở quy mô công nghiệp còn lại chỉ được luyện ở quy mô nhỏ.

Nhìn chung, công nghệ chế biến sâu và luyện kim chưa phát triển, thiết bị lạc hậu, năng suất và hệ số thu hồi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Phần lớn sản phẩm chỉ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở mức trung bình, trừ thiếc điện phân đạt loại I thế giới (99,95% Sn); các sản phẩm của Nhà máy chế biến sâu quặng tinh đa kim Núi Pháo như: đồng, vonfram, fluorit, natri vonfram, bismut; sản phẩm xi măng và vật liệu chịu lửa.


2. Áp dụng sản xuất sạch hơn trong chế biến khoáng sản trên địa bàn


2.1. Một số kết quả đạt được trong việc áp dụng SXSH

Thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020", từ năm 2006 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các dự án SXSH.

Trong đó lĩnh vực chế biến khoáng sản gồm có: Cải tạo công đoạn sấy nguyên liệu của Nhà máy Xi măng Lưu Xá; cải tạo lò quay số 2 sản xuất bột ZnO 60% Zn công suất 4.000 tấn/năm của Công ty TNHH Kim loại màu Thái Nguyên; Thay thế 2 cặp lò nấu tại Công ty Cổ phần Công nghệ cao Sao Xanh…

- Trong ngành sản xuất xi măng: đã đầu tư 1,54 tỷ đồng cho các giải pháp có thời gian hoàn vốn ngắn, do đó đã đem lại lợi ích 999,5 triệu đồng/ năm; đầu tư 4,94 tỷ đồng cho các giải pháp đầu tư lớn, đem lại lợi ích 603,8 triệu đồng/năm, đã giảm thải được 1509,3 tấn CO2/ năm; giảm phát thải 178,5 tấn bụi/ năm; tái sử dụng 825 tấn nguyên liệu trước đây bỏ đi.

- Trong ngành luyện kim: đầu tư 10,3 tỷ đồng cho các giải pháp đầu tư lớn, đem lại lợi ích 3,4 tỷ đồng/năm, đã giảm phát thải 3810 tấn CO2/ năm; 3,68 tấn PbO/ năm; giảm 31 tấn bụi; 2552 m3 nước thải/ năm. Các dự án đi vào hoạt động đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhờ tiết kiệm nguyên liệu, giảm ô nhiễm nước thải, giảm lượng tiêu thụ điện, giảm nồng độ bụi trong khí thải, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Từ các dự án này đã có các đoàn đại biểu (kể cả các tỉnh bạn, hiệp hội tổ chức) đến tham quan, học tập.

Tại các cơ sở chế biến khoáng sản đã chú ý tới: hoàn thiện nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo và kỹ thuật về SXSH; phối hợp với các đơn vị quản lý để tăng cường nhận thức cho lãnh đạo và cán bộ công nhân viên; thực hiện kiểm toán đánh giá dòng thải; lập báo cáo đánh giá SXSH và triển khai thực hiện đối với các doanh nghiệp có tiềm năng; lập và thực hiện kế hoạch trích kinh phí thực hiện SXSH và tăng cường công tác dự báo, cảnh báo biểu đồ kế hoạch.

Sau khi triển khai thực hiện Hợp phần sản xuất sạch hơn (CPI), Thái Nguyên đã đạt được kết quả khả quan; đây chính là nền tảng vững chắc để tiếp tục đưa các chương trình mục tiêu quốc gia hoạt động ngày càng hiệu quả. Thái Nguyên đặt ra mục tiêu giảm nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu, năng lượng và nước) 3-5%, giảm 5-10% tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm, giảm chất thải trên 5% trong một số công nghiệp nói chung và cụ thể trong một số ngành như ngành luyện kim, khai thác, chế biến khoáng sản và 25-30% Doanh nghiệp được áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 12-14%/năm, trong đó công nghiệp chiếm 45% về cơ cấu kinh tế.


2.2. Hạn chế, khó khăn trong việc áp dụng SXSH

Những khó khăn, hạn chế trong việc áp dụng SXSH trong lĩnh vực chế biến khoáng sản đó là:

- Kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành và nhận thức của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, có một số doanh nghiệp mặc dù nhận thức được lợi ích của các giải pháp SXSH nhưng chưa mạnh dạn tự thực hiện.

- Nguồn kinh phí để triển khai thực hiện SXSH còn hạn chế (đặc biệt là sau khi sự hỗ trợ của Hợp phần CPI kết thúc).

- Đơn vị chuyên trách triển khai thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực và phương tiện làm việc.

- Chuyên gia tư vấn còn hạn chế về số lượng và chất lượng.

- Sự duy trì áp dụng các giải pháp SXSH của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

- Một số văn bản pháp lý đã được ban hành nhưng chưa thật sự đủ mạnh để phục vụ cho quá trình triển khai thực hiện.


2.3. Phương hướng, giải pháp thực hiện áp dụng SXSH trong thời gian tới

Trong thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đó là:

- Đánh giá lại trình độ công nghệ để có phương án đầu tư, cải tạo nâng cao hiệu quả sản xuất với phương châm: công nghệ kỹ thuật tiên tiến trên cơ sở tận dụng thiết bị, công nghệ đang có; đầu tư vào những khâu then chốt, quan trọng.

- Đối với các loại quặng nhỏ, quặng bùn sử dụng công nghệ thiêu kết đóng bánh, vê viên… để tận dụng tối đa giá trị tài nguyên.

- Chỉ cho phép nhập khẩu một số thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại và đặc thù riêng. Công nghệ phải đồng bộ, tận thu tối đa tài nguyên và không gây tác động ảnh hưởng đến môi trường.

- Đối với các cơ sở luyện kim đầu tư mới: các nhà đầu tư nhất thiết phải lựa chọn công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới.

- Ưu tiên đầu tư các xưởng: tuyển thô, tuyển tinh quặng chì-kẽm; sản xuất bột ôxít kẽm 60%ZnO; sản xuất chì kim loại.

- Đối với đầu tư mới các cơ sở chế biến sâu: phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới, trang bị đầy đủ thiết bị phân tích, kiểm tra, thiết bị bảo vệ và xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

- Dừng sản xuất clinke theo công nghệ lò đứng tại các cơ sở hiện có vào sau năm 2015.

- Đầu tư dây chuyền gạch không nung, sản xuất cơ giới hóa và tự động hóa tiến tới xóa bỏ các lò gạch thủ công và các lò gạch công nghệ nung lạc hậu sau năm 2015.

- Ưu tiên việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và quy định để thúc đẩy SXSH/BVMT.

- Thành lập và vận hành đơn vị hỗ trợ các doanh nghiêp trong Trung tâm Khuyến công và đồng thời xác định các đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện BVMT.

- Xây dựng Quy trình đánh giá kết quả áp dụng SXSH nội bộ doanh nghiệp. Qua đó, đánh giá trình độ công nghệ, hiện trạng môi trường, an toàn, sức khoẻ của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong ngành; khai thác và chế biến khoáng sản… và luyện kim.

- Xây dựng sổ tay hướng dẫn kiểm toán kết hợp SXSH/An toàn/Sức khoẻ và quy trình đánh giá về kết quả áp dụng SXSH nội bộ cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, các giải pháp kỹ thuật SXSH cũng được đồng thời triển khai trong các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sâu khoáng sản.

- Tổ chức tham quan học tập các mô hình áp dụng SXSH trong và ngoài Tỉnh; tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu công nghệ sạch, SXSH tại địa phương, tại doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng qua một số hình thức (chuyên gia, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ qua hoạt động khuyến công, hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, hỗ trợ di dời, đầu tư BVMT...) để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

- Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay cho các doanh nghiệp khi đầu tư các dự án chế biến khoáng sản áp dụng SXSH./.