Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 16:21 GMT+7

Sản xuất bền vững

Vĩnh Phúc: Áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để cải thiện chất lượng môi trường

21/05/2018

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao với ưu thế của một số ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh như: Sản xuất ô tô, xe máy; gạch ốp lát; linh, phụ kiện điện tử; các ngành công nghiệp hỗ trợ; tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống...

Sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, là địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 3 miền Bắc và thứ 7 trên cả nước, trở thành một trong những điểm sáng về phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc.
 
Tính đến hết tháng 4/2018, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực tại các KCN trên địa bàn tỉnh là 254 dự án (47 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 14 nghìn tỷ đồng và 207 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD).
 
Trong đó có 208 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Với chủ trương cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục với quy mô 5.540 ha.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 11 KCN được thành lập, đi vào hoạt động, quy mô trên 2.300 ha. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN tương đối ổn định, phát triển về quy mô sản xuất qua các năm, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động địa phương và là nguồn đóng góp chủ lực cho ngân sách địa phương.
 
Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng mạnh, bài toán ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải, rác thải nguy hại từ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể tìm được giải pháp tối ưu.
 
Quá trình sản xuất công nghiệp phát sinh nhiều loại chất thải và trong bối cảnh hiện nay, sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Vì thế các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí cho việc xử lý chất thải, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn.
 
Cải thiện môi trường, giảm chi phí tổng thể, giảm mức phát sinh chất thải, giảm lãng phí nhiên, nguyên, vật liệu trong quá trình sản xuất, giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường, hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí về bảo vệ môi trường, chi phí xử lý chất thải, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp... là những lợi ích mà các doanh nghiệp có được khi áp dụng SXSH.
 
Việc áp dụng SXSH giúp doanh nghiệp tiếp cận với những phương thức đánh giá tổng thể về SXSH có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, có thể cập nhật thêm nhiều kiến thức về áp dụng SXSH trong công nghiệp và các công nghệ sản xuất mới; tăng tuần hoàn tái sử dụng, giảm các dòng thải và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường từ đó hài hòa các lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội.
 
Việc xây dựng một nền SXSH trong công nghiệp được coi là bước đi chiến lược, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, là nền tảng cho sự phát triển bền vững cho công nghiệp của tỉnh.
 
Vì thế trong những năm gần đây, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành chức năng tăng cường công tác rà soát, đưa vào triển khai các dự án sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; thực hiện tốt công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; chú trọng công tác thanh, kiểm tra đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
 
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp, thực hiện “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 7/9/2009, UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020” với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ SXSH tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp.
 
Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên, nhiên, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Trên cơ sở những mục tiêu tổng quát đề ra, toàn tỉnh hướng đến một nền sản xuất công nghiệp trong tương lai gần với 90% cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH; tiết kiệm từ 8 - 13% mức tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu; 100% Ban Quản lý các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh có cán bộ hướng dẫn áp dụng SXSH trong công nghiệp.
 
Từ năm 2017, ngân sách tỉnh hỗ trợ mỗi doanh nghiệp 50 triệu đồng dành cho việc đánh giá nhanh việc SXSH. Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch và chính sách hỗ trợ cho chương trình SXSH trong công nghiệp được UBND tỉnh áp dụng, triển khai kể từ năm 2011.
 
Theo thống kê của Sở Công thương, giai đoạn 2011 - 2015, có 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng các giải pháp SXSH; 2 doanh nghiệp được tỉnh hỗ trợ kinh phí nhằm đánh giá hiệu quả áp dụng SXSH giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 30% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các quy trình, công nghệ SXSH, giúp tiết kiệm từ 10 - 15% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên, vật liệu.
 
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất luôn có sự biến động thì vấn đề áp dụng quy trình SXSH trong công nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
 
Do đó, chính quyền các cấp trong tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để doanh nghiệp quan tâm, đầu tư đúng mức, ứng dụng các công nghệ SXSH; tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia, khuyến công địa phương kết hợp với việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp tích cực triển khai SXSH.
 
Triển khai các dự án trình diễn đánh giá tiềm năng SXSH cho các doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin với các địa phương có thế mạnh phát triển công nghiệp trong cả nước nhằm tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới thân thiện với môi trường...