Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 19/09/2024 | 23:21 GMT+7

Tin hoạt động

Xuất khẩu dây chuyền sấy cơm dừa theo công nghệ tầng sôi

22/11/2012

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ cơ sở Thái Hòa cho biết, sản phẩm xuất khẩu là hệ thống máy sấy tầng sôi để sấy cơm dừa. Đây là dây chuyền máy sấy có công suất 800 tấn thành phẩm cơm dừa/giờ, xuất cho khách hàng là người Thái Lan. Để có được cơ hội xuất khẩu dây chuyền này là do trước đây cơ sở Thái Hòa đã sản xuất 3 hệ thống máy sấy cơm dừa tầng sôi cho Công ty TNHH Thế Giới Việt (Bến Tre) của nhà đầu tư là người Thái Lan. Qua sử dụng thấy tính năng ưu việt, thân thiện môi trường nên khi mở rộng đầu tư nhà máy tại Indonesia, chủ đầu tư này tiếp tục đặt cơ sở sản xuất 2 hệ thống sấy cơm dừa. Theo hợp đồng đã ký, đến đầu tháng 10/2012, hệ thống máy sấy cơm dừa tầng sôi được giao cho khách hàng để lắp đặt tại Indonesia. Đây là 2 hệ thống máy đầu tiên xuất khẩu, trong tổng số 6 hệ thống máy sấy mà cơ sở đã sản xuất thành công.
 
Trên thực tế, sấy cơm dừa hiện có nhiều nguyên lý, nhưng hiện nay dạng sấy theo nguyên lý tầng sôi được khách hàng chuộng hơn. Sau khi cơm dừa được rửa sạch, nghiền thành những hạt nhỏ và được diệt khuẩn từng hạt bằng hơi nước của lò hơi (đã được tách nước ngưng tụ) ở nhiệt độ T = 100oC (có thể điều chỉnh được nhiệt độ diệt khuẩn). Sau đó, từng hạt cơm dừa được sấy khô bằng công nghệ sấy tầng sôi đạt độ ẩm < 3%. Kết cấu của thiết bị sấy tầng sôi là một buồng sấy được chia thành 3 khu vực riêng biệt, bên dưới buồng sấy có lắp lưới lỗ tròn để cho gió nóng từ quạt thổi vào buồng sấy, vật liệu sấy được cung cấp vào buồng sấy bằng sàng lắc. Trong quá trình sấy, vật liệu sấy di chuyển từ đầu buồng sấy đến cuối buồng sấy và ra khỏi buồng sấy liên tục. Tùy theo tính chất vật lý của từng vật liệu sấy, các thông số liên quan đến quá trình sấy sẽ xác định thời gian sấy đạt yêu cầu. Kế đến là công đoạn làm nguội và phân hạt cơm dừa bằng công nghệ sàng lắc rồi đóng gói thành phẩm. Công nghệ sấy tầng sôi giúp rút ngắn thời gian sấy, giữ được chất lượng về màu, mùi của sản phẩm, độ ẩm của sản phẩm tương đối đồng đều, không kết thành từng mảng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường và đặc biệt là cho năng suất cao, chi phí tiêu hao năng luợng thấp, kết cấu thiết bị đơn giản. Ngày nay, khi tiêu chuẩn nhập cơm dừa của các nước ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu tự động hóa gần như 100% mà không cần can thiệp của bàn tay con người nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì muốn đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm buộc các đơn vị sản xuất phải áp dụng công nghệ sấy tầng sôi.

Hệ thống máy sấy mà cơ sở Thái Hòa lắp đặt cho khách hàng là hệ thống liên hoàn từ khâu chế biến, xay xát, sấy, làm nguội sản phẩm và phân loại tùy theo kích cỡ hạt cơm dừa khách hàng yêu cầu. Máy sấy cơm dừa tầng sôi đầu tiên mà cơ sở Thái Hòa lắp đặt cho Công ty An Thành, Tân Mỹ Chánh có công suất 400 kg thành phẩm cơm dừa/giờ, sau đó cơ sở nâng công suất máy lên 800 kg thành phẩm/giờ. Cơ sở Thái Hòa cũng vừa ký hợp đồng máy sấy tầng sôi với công suất 1.200 kg thành phẩm cơm dừa/giờ, tương đương từ 2,7-3 tấn cơm dừa nguyên liệu. Đây là máy sấy có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay theo công nghệ tầng sôi. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, giá bán mỗi máy tùy theo công suất hoạt động của từng máy và tùy thuộc khách hàng muốn sử dụng tỷ lệ Inox nhiều hay ít, nhưng dao động từ 800 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng/cái và chỉ bằng 30-40% sản phẩm cùng loại nhập khẩu