Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 21:55 GMT+7

Tin hoạt động

Hậu Giang: Tham vấn kế hoạch hành động tăng trưởng xanh

01/06/2017

Mục tiêu tổng thể của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh là phát triển kinh tế xanh và bền vững, phát triển các cụm ngành kinh tế trọng điểm theo hướng xanh hóa, hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, phát triển hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, kế hoạch của tỉnh còn hướng đến xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại hóa; góp phần cải thiện vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Để đáp ứng những mục tiêu tổng thể nêu trên, nhóm các chuyên gia đã đề xuất Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh Hậu Giang theo 5 nhóm giải pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2025 như sau:
 
1. Nhóm giải pháp tăng cường năng lực và thể chế
Các nội dung văn bản quy phạm pháp luật được kiểm tra và rà soát nhằm tối ưu hóa việc áp dụng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các phương tiện cơ giới, tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành.
 
2. Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức 
Nhằm phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan và phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền vận động và thông tin về Tăng trưởng xanh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ thực hiện chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh trong các cụm, ngành kinh tế trọng điểm.
 
3. Nhóm giải pháp về giảm cường độ phát thải khí nhà kính 
Thông qua các hoạt động trong sản xuất nông lâm thủy sản, trong công nghiệp và năng lượng và trong giao thông, thương mại và dịch vụ.
 
4. Nhóm giải pháp về xanh hóa sản xuất
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ theo hướng bám sát thực tiễn của đời sống xã hội; phát triển nền nông nghiệp toàn diện, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh theo hướng công nghệ cao, hiện đại, sử dụng công nghệ hiện đại trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt chú trọng đến du lịch sông nước…
 
5. Nhóm giải pháp về xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững 
Xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị bền vững, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh nhóm 5 giải pháp nêu trên, các đại biểu đưa ra kiến nghị bổ sung nhóm giải pháp về kinh phí thực hiện 5 nhóm giải pháp nêu trên và xin ý kiến đại biểu lần 2 trước khi kế hoạch được phê duyệt và chính thức triển khai thực hiện.
 
Văn phòng CPSI