Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 22:21 GMT+7

Tin hoạt động

Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

02/12/2016

Phải là trọng tâm ưu tiên

- Tăng trưởng xanh là một khái niệm không mới ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Australia… nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Vậy, tăng trưởng xanh cần được hiểu như thế nào?

- Trước hết, tăng trưởng xanh là một khái niệm không xuất phát từ một nền công nghiệp phát triển mà đến từ Hàn Quốc. Đây là một chiến lược bắt đầu bằng việc từ bỏ quan niệm lạc hậu khi cho rằng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không thể song hành, từ đó hướng tới tối đa hóa sự kết hợp giữa hai phạm trù này. Đưa ra khái niệm này vì Hàn Quốc không có nhiều năng lượng hóa thạch, phải nhập khẩu, nên họ phải nghĩ cách để không sử dụng nhiều loại năng lượng này. Không chỉ khởi xướng, Hàn Quốc còn là quốc gia đi đầu trong chiến lược tăng trưởng xanh với việc thành lập một viện nghiên cứu về lĩnh vực này.

Tăng trưởng xanh được hiểu theo 3 định nghĩa: Thứ nhất là, phát triển kinh tế nhưng sử dụng công nghệ tốt để hạn chế tác hại đến môi trường. Một số quốc gia, trong đó có Việt Nam đang thực hiện theo hướng này. Thứ hai là, chiến lược tìm kiếm sự tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng sinh thái. Theo đó, các nền kinh tế phát triển không sử dụng tài nguyên năng lượng hóa thạch mà thay vào đó bằng năng lượng sạch (như gió, mặt trời…) để không triệt phá tài nguyên sẵn có. Cách thức này cũng được nhiều nước sử dụng để hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu. Thứ ba là, phát triển kinh tế không đồng nghĩa với việc phải trả giá về môi trường. Ngược lại, môi trường sẽ là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế như việc khuyến khích sử dụng khí biogas, chất ethanol… để giảm thiểu ô nhiễm.

- Là một chuyên gia có nhiều năm làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, ông đánh giá tăng trưởng xanh được thực hiện ở Việt Nam như thế nào?

- 10 năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và môi trường cũng đã bị ô nhiễm. Việc khôi phục môi trường bị phá hủy sẽ mất nhiều thời gian. Vì thế, Việt Nam cần coi tăng trưởng xanh là trọng tâm ưu tiên để phát triển bền vững. Chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu là giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện trong bối cảnh ô nhiễm môi trường hiện nay.

- Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất về vấn đề môi trường của Việt Nam hiện nay?

- Thách thức lớn của Việt Nam là làm thế nào để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có như rừng nguyên sinh, nguồn nước… đang đứng trước nhiều nguy cơ. Đây cũng là lý do vì sao thời gian qua nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã đẩy mạnh các dự án hỗ trợ Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm liên quan.

Không đánh đổi môi trường

- Thưa ông, một trong những thách thức lớn mà các nền công nghiệp phát triển trải qua là phải chọn lựa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm môi trường bền vững. Chẳng hạn, việc thực hiện cấp phép cho những dự án có tác động lớn đến môi trường phải được cân nhắc một cách hết sức thận trọng. Là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, Australia giải quyết nghịch lý này thế nào?

- Trước hết phải khẳng định, chúng ta không nên cấp phép cho những dự án không đáp ứng được các quy chuẩn về môi trường. Trên thực tế, có nhiều loại công nghệ xử lý chất thải khác nhau. Thông thường, những công nghệ lạc hậu thì tạo ra nhiều chất thải (nước, khí, chất thải rắn); sử dụng nhiều nước hơn và nước thải không thể để mãi trong thùng chứa. Và đây là lý do khiến nhiều nhà máy đã xả thải ra môi trường qua hệ thống sông, biển... Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Australia đặt ra những điều luật khá chặt chẽ. Theo đó, một số quy hoạch, dự án phải có phê duyệt hoặc giấy phép từ cơ quan công quyền điều tiết các vấn đề về môi trường. Hầu hết các bang và vùng lãnh thổ đều có cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng phê duyệt các điều kiện thực hiện, đồng thời sẽ tiến hành điều tra các hành vi bị cáo buộc gây hại cho môi trường.

- Nhìn vào thực tế ở Việt Nam thời gian qua có thể thấy, các vụ vi phạm về môi trường khá phổ biến. Phải chăng do luật pháp Việt Nam chưa nghiêm, ý thức chấp hành của doanh nghiệp cũng như người dân chưa tốt?

- Tôi nghĩ tất cả vấn đề nêu trên đều có thể là nguyên nhân!

- Với tư cách là một cố vấn chính sách về môi trường cho Việt Nam, theo ông, chúng ta nên xử lý những vấn đề này như thế nào?

- Kinh nghiệm tại Australia cho thấy, khi xử lý bất cứ vụ vi phạm môi trường nào, chúng ta phải xét đến hai khía cạnh: Doanh nghiệp đó cố tình xả thải hay chỉ là một “tai nạn” đáng tiếc xảy ra trong quá trình xử lý môi trường (?). Ví dụ, vụ Công ty Vedan Việt Nam xả nước thải xuống dòng sông Thị Vải là hành động có chủ ý nên phải xử phạt nghiêm khắc. Sự cố xả thải ra môi trường mới đây của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cũng là kinh nghiệm để chúng ta xử lý các doanh nghiệp cố tình xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một điểm Việt Nam cần quan tâm hơn, đó là phải kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan môi trường khi cấp phép các dự án đầu tư mới. Chúng ta không nên vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi bảo đảm môi trường.

- Song song với thực hiện nghiêm các quy định khi xét duyệt các dự án đầu tư mới, Việt Nam cần làm gì để hạn chế những sự cố môi trường tương tự xảy ra trong tương lai?

- Một nguyên nhân khác dẫn đến các sự cố môi trường tại Việt Nam thời gian qua là năng lực của người sử dụng công nghệ xử lý môi trường chưa tốt. Vì thế, chúng ta cần có nguồn nhân lực bảo đảm trình độ để có thể xử lý tốt vấn đề này. Ngoài ra, chúng ta không chấp nhận những dự án có công nghệ xử lý môi trường lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Những công nghệ xử lý môi trường của các dự án mới phải phù hợp với quy chuẩn hiện nay của thế giới.

- Nói như vậy có nghĩa những quy chuẩn về môi trường của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng chung thế giới, thưa ông?

- Không hẳn! Tôi thấy ở Việt Nam có một số công nghệ xử lý môi trường, quy chuẩn còn hiện đại hơn, cao hơn nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và giám sát quá trình thực hiện của các doanh nghiệp như thế nào mới là điều quan trọng.

Thay đổi từ nhận thức

- Như những chia sẻ của ông, dù luật pháp có nghiêm, chính sách môi trường có hỗ trợ đến mấy mà bản thân các doanh nghiệp cũng như người dân không có ý thức chấp hành thì việc xảy ra những sự cố môi trường là điều khó tránh khỏi?

- Đúng vậy! Là một quốc gia có diện tích lớn thứ sáu thế giới, Australia luôn tiên phong trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường. Dù đi đến đâu trên đất nước này, bảo vệ môi trường đều gắn với ý thức, trách nhiệm của chính quyền, doanh nghiệp và mỗi người dân. Vì thế, tôi hy vọng Việt Nam sẽ nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

- Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của Australia trong nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường?

- Australia đặc biệt chú trọng việc tái chế, tái sử dụng rác thải cũng như sản phẩm công nghiệp. Chúng tôi có chính sách làm động cơ khuyến khích để mọi người dân cùng tích cực hưởng ứng. Ví dụ, chính sách đổi vỏ hộp, chai… lấy 10 cent được áp dụng ở một số bang Nam Australia và gần đây là New South Wales: Nhờ chính sách này, đường phố ở Nam Australia rất sạch vì phần lớn rác thải được tái sử dụng và tái chế. Nhiều bãi rác ở Australia phải đóng cửa vì không còn rác nữa. Tại các siêu thị, việc phát túi ni lông cho khách hàng là không được phép. Vì thế, bạn phải mang túi đi hoặc mua túi của siêu thị để đựng đồ. Quy định này nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông trong người dân, vì ni lông rất khó tiêu hủy. Một kinh nghiệm nữa có thể chia sẻ với Việt Nam, đó là quy hoạch các nhà máy làm sao để chất thải của nhà máy này sẽ là đầu vào cho sản phẩm của nhà máy khác. Điều này có thể vừa tiết kiệm chi phí vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

- Có dịp tiếp cận với thực tế Việt Nam, ông có ấn tượng về sáng kiến bảo vệ môi trường nào?

- Tôi thấy Việt Nam có nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tôi ấn tượng với mô hình các làng sinh thái của Việt Nam. Ưu điểm nổi bật của sáng kiến này con người cùng làm việc với thiên nhiên để bảo vệ môi trường. Hay một sáng kiến khác cũng rất thú vị là mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). Tuy nhiên, tiếc là quy mô vẫn còn nhỏ lẻ ở các làng, đặc biệt quá trình đô thị hóa nông thôn khiến mô hình này ngày càng thu hẹp.

- Mới đây chính quyền TP Hà Nội đưa ra mục tiêu sẽ trồng thêm 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020. Ông đánh giá gì về “sáng kiến” phủ xanh Hà Nội này?

- Tôi thấy đây là một sáng kiến tuyệt vời để Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn. Những năm gần đây, Hà Nội tiếp tục duy trì tốc độ phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.

- Vậy để làm được điều đó, theo ông, các cấp chính quyền cũng như mỗi người dân của TP Hà Nội cần làm gì?

- Chúng ta cần có thêm các hoạt động giáo dục về môi trường. Luật của Việt Nam quy định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người. Vì vậy, cần tạo ra cơ hội để mọi công dân, nhất là giới trẻ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Thứ hai, tăng cường cơ sở hạ tầng xanh. Điều này không có nghĩa là chỉ trồng thêm cây mà bao gồm cả việc bảo đảm rằng các công viên cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Các bạn hãy để ý những không gian xanh tổng thể, không chỉ không gian dưới đất mà cả trên những nóc nhà, coi việc xây dựng các khu vườn trên mái là yêu cầu bắt buộc để có được giấy phép xây dựng các khu nhà quan trọng trong thành phố. Hãy dùng thiên nhiên, cây cỏ để làm dịu mát những khu vực đô thị nóng bức, giảm ô nhiễm, lọc không khí và làm đẹp thành phố. Tiếp đó, các bạn cũng có thể giảm diện tích nền cứng trong thành phố. Hãy sử dụng những mặt nền có khả năng thấm được để nước có thể thoát một cách tự nhiên, thay vì bị ép chảy xuống cống rãnh gây tắc nghẽn và ngập úng đô thị. Cùng với đó, hãy tiếp tục theo đuổi việc phân loại rác tại nguồn để tạo điều kiện thúc đẩy các khoản đầu tư tư nhân trong việc tái chế. Cuối cùng, tiếp tục đa dạng hóa hoạt động hợp tác để làm sạch các hồ nước ở Hà Nội theo một tiêu chuẩn nhất định.

- Trân trọng cảm ơn ông!