Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 19:49 GMT+7

Tin hoạt động

Bà Rịa Vũng Tàu: Hội thảo công nghệ xanh - công nghệ sạch thúc đẩy phát triển đô thị bền vững

25/08/2015

Đèn tự điều chỉnh độ sáng

Ông Insu Park, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ và Chiếu sáng Luxfine đến TP. Bà Rịa tham dự hội thảo với một mong muốn công nghệ bóng đèn cảm ứng từ mang thương hiệu Luxfine sẽ được ứng dụng tại Việt Nam và BR-VT sẽ là thị trường đầu tiên. Theo giới thiệu, hệ thống đèn cảm ứng từ Luxfine có công suất 150w có thể cài đặt tự động điều chỉnh độ sáng 4 chế độ giảm dần: sáng 100%, 80%, 60% và 40% công suất. Theo tính toán của Tập đoàn Luxfine, nếu sử dụng đèn cảm ứng từ thì tỷ lệ duy trì độ thông suốt của ánh sáng là 70% trong 60.000 giờ; trong khi đó với đèn cao áp Natri hiện nay tại Việt Nam tỷ lệ duy trì độ thông suốt của ánh sáng chỉ trong thời gian hơn 2.000 giờ. Giá thành 1 đèn cảm ứng từ của Luxfine là 260 USD/cái (cao hơn 70 USD/cái so với đèn cao áp Natri) nhưng bù lại đèn cảm ứng từ có thể tiết kiệm được từ 50-70% chi phí điện năng so với đèn cao áp Natri và tiết kiệm chi phí đầu tư sau này bởi đèn cảm ứng từ có tuổi thọ tới 30 năm. Ông Park cho biết, hệ thống bóng đèn cảm ứng chiếu sáng nơi công cộng của Tập đoàn Luxfine đã được ứng dụng rộng rãi tại Hàn Quốc, trong đó tập trung nhiều nhất là ở thành phố Changwon. Nếu như được ứng dụng tại Việt Nam  thì phương án triển khai sẽ là Tập đoàn Luxlife cung cấp bộ đèn chiếu sáng, các đối tác Việt Nam triển khai tại địa phương và giao chính quyền địa phương quản lý, khai thác. Nguồn chi phí nhờ tiết kiệm điện năng của địa phương sẽ được dùng để trả chậm cho ngân hàng Việt Nam, sau đó ngân hàng Việt Nam sẽ liên kết với ngân hàng của Hàn Quốc để thu hồi vốn.

Trồng cây không cần trực tiếp tưới nước hàng ngày

Trong số 6 công nghệ mới được giới thiệu tại hội thảo thì trồng cây không cần tưới nước  hàng ngày là giải pháp được nhiều đại biểu quan tâm nhất. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2007. Và năm 2008, tổ chức WIPO tại Mỹ đã cấp bằng sáng chế độc quyền WIPO cho công nghệ này. Nhà sáng chế công nghệ trồng cây không cần tưới nước Nguyễn Quang Ngọc cho biết đây là cách trồng cây mới, được anh nghiên cứu và thử nghiệm hơn 5 năm và đều cho kết quả là cây phát triển nhanh, khỏe. Khi trồng theo phương pháp này, các thùng trồng cây được anh sắp xếp gồm 7 phần, phân thành 3 tầng từ trên xuống gồm: tầng đất và cây trồng; tầng không khí và thông khí; tầng chứa nước. Khi lắp đặt xong, cho đất và trồng cây vào thùng. Trong quá trình trồng, nhu cầu cấp và thoát nước, thông thoáng của cây diễn ra một cách tự động, cây luôn luôn đủ khí và nước, việc chăm sóc cần rất ít sự tác động của bàn tay con người. Sáng chế này của anh Ngọc đã được Công ty cổ phần Trái Đất xanh tươi chuyển sang chế tạo sản phẩm thực tế là thùng và chậu trồng cây và được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Úc… Giải pháp được đánh giá là giải pháp hữu ích cho các công ty môi trường có sử dụng cho các công trình công cộng. Các hộ dân ứng dụng trong việc trang trí thảm xanh cho nhà cao tầng, mà không cần đến công việc tưới nước hàng ngày. Hơn nữa, giá thành mỗi thùng hoặc chậu chỉ giao động khoảng 200.000-500.000 đồng/sản phẩm. Tiến sĩ Ngô Anh Cường, Cố vấn trưởng Công ty CP Trái đất xanh tươi cho biết: “BR-VT là thị trường triển vọng của công nghệ này. Ngoài việc bán các sản phẩm bình chậu theo công nghệ trồng cây không cần tưới nước hàng ngày, công ty chúng tôi cũng đang nghiên cứu đặt nhà máy sản xuất bình chậu tại BR-VT”.

Anh Trịnh Trọng Tấn (Phòng Kế hoạch Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu) cho biết, công ty của anh đã tìm thấy nhiều giải pháp hay liên quan tới lĩnh vực hoạt động của công ty như: trồng cây không cần tưới nước hàng ngày, công nghệ giữ nước cho cây bằng thảm xanh và bó vỉa gốc cây… Những giải pháp này mở ra cơ hội hợp tác ứng dụng và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh BR-VT, giúp địa phương phát triển đô thị bền vững hơn.