Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 06:56 GMT+7

Tin hoạt động

Giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp Việt Nam

22/11/2016

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã cất cánh, trở thành những đất nước hùng mạnh về kinh tế nói chung và sự phát triển về KH&CN nói riêng nhờ hiểu biết và có chính sách đúng đắn về đổi mới công nghệ. Nhờ có các hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ mà KH&CN được kích thích phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển và giúp các quốc gia đó từng bước tiến đến nền kinh tế tri thức. 

Tại Việt Nam, nhà nước từng bước đã có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 677/QĐ-TTg, ngày 10.5.2011 đã đặt mục tiêu đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ trong cả nước tăng trung bình 15%/năm, trong đó có 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia làm chủ và tạo ra được công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm; 80.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới.

Lộ trình đến 2020 không còn dài, bài toán về đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp đang là một vấn đề rất đáng bàn đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả Chính phủ và doanh nghiệp và các bên liên quan. 

Năm 2015, Quỹ đổi mới công nghệ của quốc gia đã được ra mắt và chính thức đi vào hoạt động, được coi là một trong những nội dung quan trọng góp phần cho sự thành công của đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ dần các chế độ “bảo hộ” và thế độc quyền để các doanh nghiệp phải chịu sức ép cạnh tranh để đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản xuất. Chính phủ cũng đã quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành các doanh nghiệp KH&CN để kích cung cho thị trường và thúc đẩy đổi mới công nghệ. 

Về cơ bản, việc thực hiện chuyển đổi công nghệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ có trình độ cao, đảm bảo chất lượng và có uy tín đối với các doanh nghiệp. Với những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, hi vọng công cuộc đổi mới công nghệ tại Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến khả quan. Để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào quá trình này, cần có cơ chế đánh giá một cách đầy đủ về lợi ích mang lại ở từng doanh nghiệp nhờ đổi mới công nghệ.

Văn phòng CPSI