Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 09:38 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ mới

14/04/2015

* Thưa bà, vì sao phải ban hành TT sửa đổi TT 20? Khi xây dựng TT sửa đổi, Bộ KH&CN đã tham khảo ý kiến các doanh nghiệp (DN), Bộ, ngành đến đâu, thưa bà?

Để ngăn chặn NK thiết bị cũ lạc hậu, kém chất lượng, tiêu tốn nhiều năng lượng và không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, trong Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20.11.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật TT về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công, quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, tại Điều 9 khoản 10 quy định: Giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định cụ thể về việc NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9.8.2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kiểm soát việc NK công nghệ, máy móc, thiết bị của DN, tại Mục 5 điểm b cũng quy định: Trong trường hợp cần thiết phải NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, phải đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ KH&CN.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng và ban hành TT 20. Do có các ý kiến phản ánh, kiến nghị của hiệp hội, DN về vướng mắc, khó khăn trong thực hiện TT 20, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ những phản ánh, kiến nghị này để xây dựng TT mới phù hợp thực tế và khả thi hơn.

Bộ KH&CN đã tổ chức xây dựng dự thảo TT sửa đổi TT 20. Hiện dự thảo lần 3 TT đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, DN, hiệp hội DN; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN. Đồng thời phối hợp tổ chức 2 cuộc tọa đàm với DN để góp ý dự thảo 3 tại TP. Hồ Chí Minh ngày 17.3.2015, tại Hà Nội ngày 18.3.2015, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức; giới thiệu về dự thảo 3 TT, giải đáp thắc mắc tại 2 cuộc tọa đàm với doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội ngày 12.3.2015 và TP. Hồ Chí Minh ngày 18.3.2015 do Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

* So với TT cũ, TT sửa đổi đã có những đổi mới thế nào, thưa bà?

Dự thảo 3 TT sửa đổi TT 20 có nhiều nội dung thay đổi so với cũ. Cụ thể, về điều kiện NK, phân biệt nguồn vốn sử dụng để NK máy móc, thiết bị: Khi sử dụng Ngân sách Nhà nước, phải đồng thời đáp ứng cả 2 tiêu chí thời gian sử dụng ít nhất 10 năm và chất lượng còn lại ít nhất 80%. Nếu sử dụng nguồn vốn khác, áp dụng 1 trong 2 tiêu chí hoặc thời gian sử dụng ít nhất 10 năm hoặc chất lượng còn lại ít nhất 80%.

Đối với NK dây chuyền công nghệ, không phân biệt nguồn vốn sử dụng chỉ áp dụng một tiêu chí theo mức chất lượng còn lại là ít nhất 80% và phải được giám định tại nơi xuất khẩu, trước khi tháo dỡ để đóng gói NK. Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà NK bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải có chứng thư giám định khi thông quan, sử dụng nguồn vốn khác cần lựa chọn hoặc tự cam kết, hoặc có chứng thư giám định.

Cùng với đó, không quy định các mức điều kiện NK phân biệt theo mục đích NK; không quy định các điều kiện NK theo nguồn gốc, xuất xứ của máy móc, thiết bị vì nhiều ý kiến cho rằng quy định theo nguồn gốc, xuất xứ là vi phạm cam kết trong WTO về phân biệt đối xử. Không quy định Chương 86 và 87 vào phạm vi điều chỉnh của TT và đưa Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào trường hợp không áp dụng TT. Các nội dung này theo đề nghị bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải. TT sửa đổi còn thêm Phụ lục Danh sách các tổ chức giám định theo Luật Thương mại, đã đề nghị các Bộ, ngành đề xuất, giới thiệu các tổ chức giám định có năng lực thuộc lĩnh vực quản lý.

* Nhiều ý kiến cho rằng, hai điều kiện NK máy móc, dây chuyền đã qua sử dụng trong dự thảo 3 TT sửa đổi Bộ KH&CN đưa ra là “thời gian sử dụng không quá 10 năm” và “chất lượng còn lại từ 80% trở lên” là không hợp lý. Các con số trên được xây dựng dựa trên những căn cứ nào, thưa bà?

Việc xây dựng TT sửa đổi TT 20 do Bộ KH&CN chủ trì, tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các Bộ, quản lý chuyên ngành về các điều kiện cụ thể cho các lĩnh vực các Bộ, ngành quản lý. Mức quy định trong dự thảo 3 TT (không quá 10 năm và từ 80% trở lên) do đa số các Bộ, ngành đề xuất và nhất trí. Tại các cuộc họp và văn bản góp ý, đa số các doanh nghiệp cũng nhất trí với tiêu chí chất lượng còn lại từ 80% trở lên.

Riêng về thời gian sử dụng không quá 10 năm, đây là mức quy định chung, trong dự thảo TT cũng đề nghị các Bộ, ngành quy định cụ thể hơn cho ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi phân công quản lý cho phù hợp (có thể đề xuất dài hơn hoặc ngắn hơn).

* Ý kiến của bà thế nào khi nhiều DN băn khoăn, làm thế nào xác định được máy móc, hay dây chuyền còn chất lượng trên 80%?

Theo Điều 3 khoản 5 dự thảo 3 TT, “Chất lượng còn lại (tính theo %) so với chất lượng ban đầu là mức độ đạt được của các thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng so với các thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ khi chưa sử dụng (mới 100%)”.

Với cách quy định như trên, các tổ chức giám định hoàn toàn có thể xây dựng quy trình kiểm định cho từng loại máy móc, thiết bị, đánh giá và so sánh các thông số kỹ thuật của thiết bị cũ so với các thông số kỹ thuật của thiết bị mới, khi chưa sử dụng để đưa ra kết luận về mức độ chất lượng theo %.

Giám định là hoạt động kỹ thuật, được thực hiện bởi các chuyên gia kỹ thuật có chuyên môn, chuyên ngành và các máy móc, thiết bị phải được đánh giá trong trạng thái đang vận hành.

Vì vậy, dự thảo 3 TT quy định đối với dây chuyền công nghệ, việc giám định phải được thực hiện tại nước xuất khẩu, trước khi tháo dỡ, đóng gói. Đồng thời khuyến khích DN giám định chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị ngay tại nước xuất khẩu. Nếu DN NK về mà chưa có chứng thư giám định, được phép áp dụng cơ chế hậu kiểm (thông quan trước, kiểm tra sau).

* Thông tin mới nhất là Chính phủ Trung Quốc đang có lệnh cấm sử dụng công nghệ cũ. Nhiều ý kiến lo ngại Việt Nam sắp trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc. Vậy Nhà nước và các Bộ ngành, địa phương đã và đang có những chủ trương, định hướng như thế nào, thưa bà?

Hàng năm Trung Quốc đều công bố các xí nghiệp sản xuất bị loại bỏ do lạc hậu, kém chất lượng. Để ngăn chặn việc các máy móc, thiết bị từ các xí nghiệp này tràn về Việt Nam, Bộ KH&CN đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề ra biện pháp quản lý chung tại Thông báo số 2527/TB-BKHCN ngày 6.9.2012 về việc tạm ngừng NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Nếu TT sửa đổi TT 20 được ban hành, các vấn đề liên quan đến NK thiết bị công nghệ loại bỏ từ Trung Quốc sẽ được ngăn chặn hiệu quả.

Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, ủng hộ các DN NK máy móc, thiết bị mới, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam. Nội dung này được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9.8.2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kiểm soát NK công nghệ, máy móc, thiết bị của DN.

Đồng thời, chính sách ưu đãi đối với DN NK máy móc, thiết bị, công nghệ mới, công nghệ cao đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao, Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13.8.2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế NK.

* Nhiều ý kiến cho rằng, quy định siết NK máy móc đã qua sử dụng của Việt Nam sẽ góp phần giúp các công ty Trung Quốc trong việc kinh doanh máy móc, thiết bị cho Việt Nam phát triển và chiếm lĩnh thị trường. DN nhỏ và vừa Việt Nam không thể NK máy móc, cũ. Lại không đủ tiền mua máy móc mới hiện đại thì chỉ còn con đường mua máy móc mới, giá rẻ từ Trung Quốc (có chất lượng thấp hơn nhiều lần so với máy móc, đã qua sử dụng NK từ Mỹ, Nhật, Châu Âu). Điều này có đáng lo ngại không và hướng khắc phục như thế nào?

Cách đặt vấn đề theo một chiều như trên là không chính xác. DN là nhà đầu tư sản xuất hơn ai hết là người hiểu phải nhập thiết bị, máy móc có tính năng, chất lượng như thế nào để đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả. Hiện có rất nhiều DN trung gian, mua máy móc, thiết bị về bán cho DN trong nước hoặc nước ngoài.

Việt Nam đã gia nhập WTO, chúng ta không thể vi phạm các điều khoản đã cam kết về phân biệt đối xử nguồn gốc hàng hóa. Không thể quy định tách biệt về điều kiện NK theo khu vực, nước sản xuất được.

Cách quy định như hiện nay tại dự thảo 3 TT, DN có thể lựa chọn áp dụng tiêu chí “chất lượng còn lại” để làm thủ tục thông quan. DN hoàn toàn vẫn được phép NK máy móc, thiết bị có nguồn gốc từ các nước Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… có chất lượng còn tốt (từ 80% trở lên) mặc dù đã qua thời gian sử dụng trên 10 năm.

Xin cảm ơn bà!