Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 07:03 GMT+7

Tin hoạt động

Chính sách hỗ trợ phát triển KHCN: Cần các doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm

05/08/2016

Hiện tại, Chương trình đã và đang thu hút sự chú trọng của doanh nghiệp vào phát triển KHCN cũng như khuyến khích nhiều doanh nghiệp gửi đề xuất xin nhận hỗ trợ cho các hoạt động KHCN và các sản phẩm KHCN của mình. Tuy nhiên, còn khá nhiều doanh nghiệp chưa thật sự hiểu rõ những điều kiện để được nhận ưu đãi từ chính sách hỗ trợ này.

Ông Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KHCN, Chủ nhiệm chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN và tổ chức KHCN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhấn mạnh: “Doanh nghiệp muốn nhận hỗ trợ từ chương trình 592 phải có sản phẩm đầu ra dựa trên cơ sở công nghệ do chính doanh nghiệp đó phát triển và sở hữu hợp pháp, chứ không phải dựa vào máy móc hiện đại nhập từ nước ngoài”.

Trong buổi trao đổi giữa Ban chủ nhiệm chương trình 592 với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được nhận hỗ trợ cho các dự án phát triển công nghệ của mình nhưng đều không đạt đủ các tiêu chí của Chương trình.

Công ty TNHH Sản xuất kệ gỗ công nghiệp Trang Dũng (Bắc Ninh) đã đưa ra đề xuất nhận hỗ trợ về vốn để đầu tư mua dây chuyền công nghệ, nghiên cứu và lắp đặt dây chuyền công nghệ mới sản xuất cục block (dùng để tạo khoảng cách giữa các mảnh ván ép), góp phần tối giản những chi tiết phải nhập khẩu và cải thiện năng suất sản xuất. Tuy nhiên, đề xuất bị từ chối do “Xét về doanh thu, doanh nghiệp KHCN năm đầu tiên phải đạt 30% từ sản phẩm đề xuất, năm thứ hai là 50% và năm thứ ba là 70%. Trong trường hợp Công ty Trang Dũng, sản phẩm cục block nếu chỉ chiếm 20% giá thành thì chưa đáp ứng yêu cầu này.”, Ông Trần Đắc Hiến nói.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko (Hà Nội) hiện đang hoàn tất thủ tục nhập khẩu quy trình sản xuất nấm kim châm của Nhật Bản công suất 3,6 tấn/ngày và đưa vào hoạt động trong tháng 10/2016. Công ty cũng mong muốn được Chương trình hỗ trợ về tài chính, tuy nhiên, Gs. Lê Trần Bình - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, thành viên Ban chủ nhiệm chương trình cho rằng không nên nhập và áp dụng dập khuôn toàn bộ quy trình sản xuất nấm của Nhật Bản. Muốn hoàn thiện công nghệ và áp dụng hiệu quả thì công ty nên chọn một yếu tố công nghệ trong đó để phát triển và cải tiến công nghệ cho phù hợp với môi trường tại Việt Nam.

Như vậy, các doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ hơn về các tiêu chí của chương trình. Mục tiêu khi Chính phủ ban hành Chương trình 592 là để hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN tiến hành nghiên cứu phát triển và chủ động làm chủ công nghệ của mình dựa trên nền tảng các dự án KHCN đã có thành quả và chứng minh được hiệu quả thực tế, những ý tưởng sáng chế mà doanh nghiệp đã và đang sở hữu hợp pháp. Từ đó, giúp các doanh nghiệp này đưa thành quả KHCN từ quy mô thí điểm nhân rộng ra quy mô công nghiệp, đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và kinh doanh. Chương trình cũng tạo điều kiện và khuyến khích những nhà khoa học, các nhà sáng chế tại các viện nghiên cứu, trường đại học, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung sử dụng phương tiện kỹ thuật, khoa học tiên tiến để khởi nghiệp và thúc đẩy sự hình thành các doanh nghiệp KHCN.

Do đó, các doanh nghiệp muốn tận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ cũng như khai thác những điểm có lợi cho doanh nghiệp từ hành lang pháp lý và Chương trình 592 cần tích cực, chủ động hơn nữa trong các nghiên cứu, sáng tạo về KHCN, các giải pháp kỹ thuật và đồng thời phải đánh giá được hiệu quả toàn diện cũng như ước lượng tính toán được chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật, dây chuyền công nghệ mới.