Ngày 13/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Công ty TNHH Sợi Đà Lạt điểm sáng trong sản xuất sạch hơn

08:31 - 17/10/2023
Công ty TNHH Sợi Đà Lạt là thành viên mới nhất của Tập đoàn Südwolle, tập đoàn đa quốc gia chuyên các sản phẩm từ lông cừu tự nhiên với trụ sở chính tại Đức. Ông Nìm Chí Phúng - Giám đốc Sản xuất của Công ty Sợi Đà Lạt thông tin, ngay từ khi chọn lựa vùng đất Đà Lạt để đặt nhà máy kéo sợi, công ty đã hướng tới sản xuất sạch hơn, với việc ứng dụng mọi kỹ thuật, máy móc để giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải nước, rác, điện, khí nhà kính cũng như tăng việc sử dụng các nguồn năng lượng bền vững.
Sản xuất tại Công ty TNHH Sợi Đà Lạt (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Công ty hợp tác xây dựng một hệ thống điện mặt trời áp mái trên tất cả các mái xưởng. Hệ thống không nối lưới điện quốc gia, chỉ sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực kéo sợi (spinning), khu vực sử dụng tới 40% điện năng sử dụng của công ty. Ông Phúng cho biết, tổng lượng điện công ty sử dụng hàng năm khoảng 12 triệu kWh thì lượng điện sử dụng từ năng lượng mặt trời đạt xấp xỉ 20%, khoảng trên 2 triệu kWh, giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Không chỉ điện, nước thải của nhà máy sản xuất cũng được công ty thu hồi, xử lý để đưa vào tái sử dụng trong bộ phận hấp, lượng nước còn lại thải ra đều đạt chuẩn A. 
“Kế hoạch hoạt động của Công ty Sợi Đà Lạt, ngoài đảm bảo sản xuất đúng, đủ lượng sợi theo kế hoạch của Tập đoàn Südwolle, chúng tôi còn phải đảm bảo tiến triển tốt trong giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí tiêu hao năng lượng” - ông Phúng cho biết. Hàng năm, công ty đều có kiểm toán năng lượng, tìm tòi và đánh giá những khâu cần cải tiến để tiết giảm chi phí năng lượng cũng như giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường. Giảm chi phí tiêu thụ điện/nước trên mỗi đơn vị sản phẩm là mục tiêu được công ty đặt ra mỗi năm và là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển.
Quá trình sản xuất sợi sử dụng điện mặt trời từ hệ thống đã được lắp đặt trên mái nhà máy. (Ảnh: vuphong.vn/)
Không chỉ là chuyện xây dựng nhà máy hiện đại, áp dụng các hệ thống giảm tiêu hao năng lượng, Công ty Sợi Đà Lạt còn chú trọng tới việc đào tạo con người để đảm bảo mỗi thành viên đều có ý thức về bảo vệ môi trường.
“Công ty Sợi Đà Lạt đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 14000 về môi trường, trong đó có một quy trình rất rõ về đào tạo người lao động trong các khâu sản xuất. Chúng tôi coi việc đào tạo người lao động là một cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững”. Với Công ty Sợi Đà Lạt, mỗi vị trí công việc, công nhân đều được tập huấn rất kỹ về quy trình tiết kiệm điện, tiết kiệm nước cũng như phân loại rác thải ngay tại nguồn.
Chị Trương Thị Thảo Như, công nhân thuộc bộ phận Parking của Công ty Sợi Đà Lạt cho biết, ngay từ khi vào làm việc, chị đã được tập huấn rất kỹ về phân loại rác, tiết kiệm nước cũng như thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất. “Ví dụ khi chúng tôi kiểm tra sợi, nếu là sợi trắng thì bật đèn chiếu tia UV để kiểm tra, tới cọc sợi đen thì không cần, công nhân phải chú ý tắt đèn. Dù 1 bóng đèn không lớn nhưng cả công ty thì cũng giảm được chi phí điện cho sản xuất. Công nhân đều hình thành thói quen khi sử dụng rác phải phân loại, nước dùng xong phải tắt, điện khi không sử dụng cũng chú ý tắt để tiết kiệm và giảm hư hại”, chị Như chia sẻ. Việc đào tạo mới và tái đào tạo liên tục của doanh nghiệp với người lao động giúp xây dựng ý thức sản xuất bền vững cho từng thành viên. 
Không chỉ chú ý tới môi trường trong nội bộ doanh nghiệp, Công ty Sợi Đà Lạt còn thực thi công tác xã hội với dân cư xung quanh như tặng máy lọc nước cho các trường học, vận động người lao động trồng cây xanh, hoa cảnh, làm vệ sinh môi trường tại các khu dân cư tại huyện Đơn Dương. Mục tiêu của công ty chính là sản xuất phải đi kèm với tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững với môi trườn.  
Hương Linh