Ngày 13/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Từ nấm đến vật liệu xây dựng xanh

13:51 - 18/08/2023
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc, vật liệu xây dựng và hoạt động xây dựng đóng góp gần 40% tổng lượng cácbon điôxít (CO2) mà con người tạo ra mỗi năm. Tỷ lệ này còn cao hơn cả lượng khí thải của ngành vận chuyển đường thủy và hàng không cộng lại. Ðáng lo ngại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không khí ô nhiễm là “thủ phạm” giết chết 7 triệu người mỗi năm và con số này sẽ còn tăng cao do 9/10 người hiện đang hít thở bầu không khí dưới mức có thể chấp nhận được.
Vì xây dựng vẫn sẽ là hoạt động cần thiết đối với đời sống con người, các kiến ​​trúc sư và kỹ sư quan tâm đến môi trường đã không ngừng tìm kiếm một loại vật liệu bền vững hơn và có khả năng phân hủy sinh học. Dự án mang tên FUNGAR (Fungal Architectures), do nhóm nhà khoa học vật liệu sinh học và nghiên cứu kiến trúc ở châu Âu khởi động từ năm 2019, tập trung điều nghiên cách thức xây dựng các công trình từ nấm.
Gạch nấm trong dự án FUNGAR. Ảnh: The Verge
Trong các thí nghiệm thuộc dự án FUNGAR, nhóm chuyên gia đã kết hợp hệ sợi nấm (mycelyum), tức “rễ” của nấm, với chất thải nông nghiệp là rơm rạ. Sau đó, họ để nấm phát triển trong khoảng 2 tuần, cho đến khi nấm xâm nhập vào rơm, quyện chặt những sợi rơm với nhau và tạo thành một khối vật liệu màu trắng. Tiếp theo, họ xử lý vật liệu bằng nhiệt hoặc hóa chất để tiêu diệt nấm. Lúc này, nó rất giống một viên gạch truyền thống, chỉ khác ở chỗ là được làm từ vật liệu hữu cơ thay vì đất sét hoặc bê tông.
Chỉ cần đặt các “hòn gạch” này cạnh nhau, những sợi nấm với đặc tính sinh học vốn có, sẽ phát triển với mật độ ngày càng dày đặc, qua đó liên kết và bện chặt những viên gạch, hợp chúng lại thành một khối bền chắc.
Tường gạch nấm. Ảnh: https://congnghiepmoitruong.vn/
Về lý thuyết, nấm có thể phát triển thành hình dạng của tòa nhà mà bạn muốn, với nhiều đặc tính vượt trội như nhẹ, bền chắc và chống cháy tự nhiên. Ðặc biệt, nấm sống còn có khả năng tự sửa chữa: Nếu vô tình làm thủng một lỗ trên tường, bạn chỉ cần thêm sợi nấm vào đó để vá lại. Tuy nhiên, hạn chế của gạch này là những sợi nấm phát triển càng lâu thì nó càng ăn nhiều vật liệu hữu cơ, có thể làm biến dạng cấu trúc tổng thể của công trình. Ðể tránh điều đó, nhà nghiên cứu cho rằng giải pháp khả thi là xây tường với hai lớp sợi nấm chết bên ngoài và một lớp sợi nấm sống bên trong. Hiện nhóm nghiên cứu đang xây thử nghiệm một công trình từ nấm để đánh giá độ bền thực tế.
Nuôi nấm bằng chất thải hữu cơ (như rơm rạ, vỏ bắp và các chất thải công nghiệp khác) sẽ có thể hạn chế được khí thải CO2 so với việc phải tiêu hủy chất thải hữu cơ bằng phương pháp đốt hoăc ủ chúng. Bằng biện pháp này, gạch làm từ nấm vừa giảm bớt chất thải hữu cơ vừa hạn chế ô nhiễm không khí, do đó chắc chắn sẽ tốt hơn sử dụng bê tông, thép và gạch. Vì có nguồn gốc từ thực vật nên gạch từ nấm sau khi thải bỏ sẽ tự phân hủy sinh học. Trong tương lai có tiềm năng rất cao sẽ thay thế các loại vật liệu truyền thống.
Khánh An