Ngày 13/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Quảng Bình hướng đến nền nông nghiệp sạch

08:09 - 17/07/2023
Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình (KN-KN) đã triển khai hỗ trợ, nhân rộng nhiều mô hình tiềm năng trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Một trong những kết quả nổi bật, đó là việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên, hiệu quả kinh tế mang lại rõ nét, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thay đổi diện mạo cho ngành Nông nghiệp...
Mô hình nhà màng ƯDCNC của Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan (HTX Hưng Loan), xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) có diện tích 8ha. HTX đã đầu tư xây dựng 2 nhà màng để trồng dưa lưới, rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong những mô hình được hưởng lợi thông qua chính sách hỗ trợ nhà màng sau đầu tư do Trung tâm KN-KN tỉnh triển khai thực hiện.
Theo tính toán của HTX Hưng Loan, một nhà màng có diện tích 800 mét vuông, mỗi vụ mang lại sản lượng trên 2 tấn dưa lưới. Trung bình mỗi quả có trọng lượng từ 1,5-2kg, với giá bán dao động từ 40-60 nghìn đồng/kg dưa lưới, mô hình này thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, sản phẩm dưa lưới của HTX Hưng Loan đã vươn ra khắp các tỉnh thành trong cả nước và được thị trường đánh giá cao. Điều quan trọng là sản phẩm đến với người tiêu dùng bảo đảm được tiêu chí sạch, chất lượng. 
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Hưng Loan.
Bà Võ Thị Anh, thành viên HTX Hưng Loan cho biết, thực tế tại HTX cho thấy, việc ƯDCNC vào sản xuất đã tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX thuận lợi hơn; đồng thời đem lại thu nhập và hiệu quả cao hơn trên một đơn vị diện tích so với sản xuất theo lối truyền thống…
Toàn tỉnh hiện có 64 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, HACCP, trong đó, có 46 cơ sở trồng trọt, 15 cơ sở chăn nuôi, 1 cơ sở nuôi trồng và 2 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản; có 13 điểm kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với 20 sản phẩm được chứng nhận; hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 90 sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc QR Code; 14 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…
Năm 2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm KN-KN, Công ty TNHH thương mại tổng hợp Nhật Minh (Công ty Nhật Minh) đã đầu tư xây dựng 3 chuồng kín nuôi gà ƯDCNC với quy mô 4.900 con hậu bị 15 tuần tuổi tại thôn Đồn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh). Bước đầu cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại vượt trội hơn so với phương thức nuôi gà truyền thống trước đây.
Giám đốc Công ty Nhật Minh Trần Thanh Ngọc cho biết, với diện tích hơn 1ha, trước đây, công ty chủ yếu chăn nuôi gà theo lối truyền thống, bởi vậy cho năng suất thấp, chất lượng con giống kém, khó kiểm soát dịch bệnh, tốn nhiều chi phí cho nhân công trong khâu chăm sóc nuôi dưỡng và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
“Đàn gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học, hệ thống cho ăn, nước uống tự động, chuồng nuôi thông thoáng, rộng rãi. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư xây dựng thêm khu nhà kho chứa thức ăn, khu ấp nở, hệ thống ấp trứng bảo đảm công suất từ 50.000-70.000 trứng. Công ty còn mua máy tiêm phòng vắc-xin tự động để phục vụ nuôi gà ƯDCNC…”, Giám đốc công ty Trần Thanh Ngọc thông tin.
Công ty Nhật Minh được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ 35% kinh phí mua gà giống, 30% kinh phí mua thức ăn hỗn hợp cho gà mái. Qua hạch toán kinh tế cho thấy, chăn nuôi gà sinh sản ƯDCNC cho lợi nhuận hơn 190 nghìn đồng/con. Với quy mô 4.900 con gà được nuôi, cho lợi nhuận hơn 932 triệu đồng (chưa tính thu nhập từ bán gà loại thải, khấu hao chuồng trại). Công ty Nhật Minh là địa chỉ quen thuộc cung cấp giống gà, trứng cho các hộ chăn nuôi trong xã, toàn tỉnh và cung ứng cho thị trường tỉnh Quảng Trị.
“Quảng Bình là địa phương có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa, tuy nhiên, các địa phương đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài, công tác giống và phương thức chăn nuôi chưa được chú trọng. Chăn nuôi gà ƯDCNC là quy trình chăn nuôi sạch, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo ra con giống có chất lượng tốt, không gây ô nhiễm môi trường, tạo đà cho chăn nuôi hàng hóa, sản phẩm có tính cạnh tranh và hội nhập…”, Giám đốc Công ty Nhật Minh Trần Thanh Ngọc cho hay.
Nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH thương mại tổng hợp Nhật Minh.
Hiện, toàn tỉnh có 190 cơ sở sản xuất ƯDCNC, trong đó tỷ lệ cơ sở chăn nuôi và thủy sản tăng nhiều; đặc biệt đã có các cơ sở sản xuất, chế biến ƯDCNC. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt có 88 cơ sở; chăn nuôi có 53 cơ sở; thủy sản có 36 cơ sở; lâm nghiệp có 3 cơ sở và chế biến nông, lâm, thủy sản 10 cơ sở.
Các CNC chủ yếu được áp dụng, như: Công nghệ trồng trong nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; trồng cây trên giá thể; công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; quy trình canh tác hữu cơ, thủy canh; công nghệ vi sinh trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, điều hòa nhiệt độ; tự động hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống; công nghệ cho sinh sản đồng loạt; công nghệ sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi và xử lý nước thải sau sản xuất; tự động hóa nguồn cung cấp điện, thức ăn; công nghệ nuôi cấy mô và tưới tiết kiệm nước; hệ thống sấy lạnh sản phẩm nông sản, dược liệu; dùng phần mềm, nhật ký điện tử để theo dõi quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Giám đốc Trung tâm KN-KN Trần Thanh Hải cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản mà nông nghiệp ƯDCNC đã được ứng dụng rộng rãi vào các sản phẩm chế biến sâu, tạo ra giá trị đáng kể cho người nông dân và chủ đầu tư. Điều quan trọng là cung ứng nguồn nông sản chất lượng và an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ nhu cầu của người dân và tiến tới xuất khẩu. Đây cũng chính là xu hướng phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn Quảng Bình. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ, ƯDCNC của tỉnh vẫn đứng trước những thách thức, bởi chưa có chính sách đặc thù riêng; chính sách ban hành nhưng thiếu nguồn lực tài chính nên triển khai gặp nhiều khó khăn…
Theo: Báo Quảng Bình