Ngày 07/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Điển hình

Làng gốm Bát Tràng ứng dụng công nghệ sản xuất sạch để bảo vệ môi trường

08:01 - 04/07/2023
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng là một làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nổi bật với các sản phẩm gốm sứ cao cấp đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Trong quá trình phát triển, Bát Tràng có thời kì rơi vào khủng hoảng vì ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh, chất lượng làng nghề.
Sản xuất sạch giúp làng gốm Bát Tràng thu hút khách du lịch.
Trước đây, người dân Bát Tràng thường dùng lò than để nung gốm. Mỗi mẻ nung liên tục trong 3-5 ngày liền, vì thế lượng khí thải phát tán ra môi trường là rất lớn. Trung bình mỗi mẻ nung gốm bằng than thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn. Không những thế, bụi đất, bụi than và phế phẩm, gốm sứ vỡ hỏng được chất đống bên đường, tạo thành đống bùn nhão lầy lội, bẩn thỉu mỗi khi mưa trút xuống.
Khi đó, để hạn chế sự ảnh hưởng của khói bụi người dân mới chỉ áp dụng các biện pháp đơn giản như phun nước, bịt khẩu trang, đội mũ kín... trong khi điều cần có là quy trình sản xuất cần được cải tiến để giảm thiểu ô nhiễm – vấn đề mà bất cứ làng nghề truyền thống nào cũng đau đầu giải quyết.
Với mong muốn tiếp tục phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, bền vững, chính quyền huyện Gia Lâm, Hà Nội đã vào cuộc, vận động và hỗ trợ các hộ sản xuất ứng dụng công nghệ sản xuất sạch để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Sau thời gian quyết tâm của của chính quyền và người dân, đến nay, làng nghề gốm Bát Tràng đã trở thành làng nghệ hiện đại, sản xuất sạch. Các doanh nghiệp, hộ gia đình áp dụng công nghệ sản xuất sạch đi trước đã khích lệ doanh nghiệp và các hộ sản xuất khác trong làng nghề học tập và làm theo.
Đi đầu trong việc ứng dụng nung đốt gốm bằng lo gas ở Bát Tràng, ông Lê Đức Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế và Sản xuất gốm sứ Bát Tràng cho biết: Ưu điểm của lò nung khí gas kiểu mới ít gây ô nhiễm, không tạo ra tro và khói, gây ra ít bụi và chất thải. Lò mới cũng giúp giảm đáng kể lượng sản phẩm bị hỏng trong quá trình nung. Tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn là 95%, cao hơn 30 – 50% so với lò bầu và lò hộp cũ đốt bằng than. Hiệu suất này có được nhờ lò gas có khả năng duy trì nhiệt độ cao hơn và ổn định hơn so với lò cũ.
Lò nung gas giúp Bát Tràng “sản xuất xanh” hơn.
Có thể nói, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò ga vào sản xuất, nung gốm sứ đánh dấu một bước đột phá trong sản xuất gốm sứ của Bát Tràng, giúp địa phương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nung đốt gốm sứ bằng lò than, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.
Chi phí xây một lò nung bằng gas cao gấp hơn 8 lần so với lò nung than. Mặc dù đầu tư ban đầu cao song về lâu dài, sử dụng lò gas lại tiết kiệm hơn lò than rất nhiều, bởi các chi phí chuẩn bị lò, chi phí lao động đều thấp hơn rất nhiều mà lượng thành phẩm đạt tiêu chuẩn lại cao. Ước tính chi phí sản xuất một chiếc bình khi dùng lò nung gas rẻ hơn 20%, sản xuất một bộ đồ ăn sẽ rẻ hơn 60% so với dùng lò nung bằng than, ông Lê Đức Trọng cho biết thêm.
Hiện nay, hầu hết các hộ sản xuất gốm đã ứng dụng quy trình nung đốt gốm bằng lò gas thay thế lò than làm môi trường sạch hơn và chất lượng sản phẩm gốm cũng cao hơn. Nói về sự thay da đổi thịt của Bát Tràng, ông Phùng Văn Hoàn, chủ cơ sở gốm sứ Hoàn Trang (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay: Bát Tràng ngày nay khác xưa rất nhiều, máy móc công nghệ đã thay thế hầu hết các công đoạn sản xuất gốm sứ thủ công, giảm thiểu khí thải ra môi trường gây ô nhiễm, điều dễ nhận thấy là chúng tôi được hưởng lợi từ sự thay đổi đó. Các sản phẩm gốm của Bát Tràng ngày càng đa dạng về chủng loại và kiểu dáng. Đồ gốm Bát Tràng không chỉ có mặt trên khắp mọi miền đất nước mà còn xuất khẩu ở nhiều thị trường nước ngoài như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…
Dưới sự hỡ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại làng nghề Bát Tràng đã chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại. Đến nay, 90% hộ dân tại Bát Tràng đã sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Mai Anh