Ngày 02/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Điển hình

Điển hình trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

09:50 - 19/04/2024
Xác định rõ những lợi ích rất lớn của kinh tế tuần hoàn, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tích cực vào cuộc, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mô hình này, qua đó không chỉ góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, mà còn giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bước đầu, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng nhận ra và nắm bắt cơ hội từ mô hình kinh tế tuần hoàn.
Điển hình là Nhà máy Xi măng Lam Thạch (Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh) có công suất thiết kế 1.200 tấn clinker/ngày. Trong quá trình sản xuất, nhà máy phải sử dụng một lượng lớn nguồn nguyên liệu là than cám trong lò nung.
Xuất phát từ yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, từ tháng 3/2021, các kỹ sư của nhà máy đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công đề tài “Ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker”. Theo đó, chất thải thu được từ phong trào “Biến rác thải thành tiền” và từ các nhà máy, CCN trên địa bàn TP Uông Bí được Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh thu gom về kho chứa. Tại đây, các loại chất thải sẽ trải qua quy trình khép kín băm nhỏ, sấy khô và theo băng tải rót vào các lò nung linker để làm nguyên liệu đốt thay thế than cám.
Dây chuyền xử lý chất thải rắn thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Ông Trần Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Nhà máy Xi măng Lam Thạch, cho hay: "Công nghệ trên đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Khi áp dụng công nghệ này tại đơn vị chúng tôi, cứ mỗi 1 tấn chất thải cho vào lò nung clinker đã tiết giảm được 0,8 tấn than cám. Chất thải khi được xử lý ở nhiệt độ cao trong lò nung đã phân hủy hết chất độc hại, đảm bảo các chỉ tiêu về phát thải ra môi trường.
Theo tính toán, việc đồng xử lý chất thải làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker ở Nhà máy Xi măng Lam Thạch đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất; lợi ích kinh tế khi triển khai đã làm lợi cho Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh mỗi năm 13,2 tỷ đồng. Ngoài lợi ích kinh tế, việc tận dụng nguồn năng lượng do đốt chất thải để nung clinker cũng góp phần giảm tiêu hao nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy là than cám trong sản xuất 10-15% và tiêu thụ được lượng lớn rác thải hằng ngày."
Hay tại Công ty cổ phần Thanh Tuyền Group, ông Vũ Văn Trưởng, Giám đốc công ty cho biết, các sản phẩm gạch, ngói không nung được sản xuất chủ yếu từ nguồn nguyên liệu xỉ thải và tro bay thải ra trong quá trình hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều. Theo tính toán, với sản lượng khoảng 200 triệu viên gạch, ngói các loại/năm, việc sử dụng vật liệu không nung của nhà máy đã tiết kiệm trên 500.000m3 đất sét và hàng vạn tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất so với sản xuất gạch ngói nung truyền thống.
Ông Vũ Văn Trưởng, Phó Giám đốc Nhà máy gạch không nung (Công ty CP Thanh Tuyền Group), chia sẻ: Với thành phần chất liệu gạch 80% là tro xỉ nhiệt điện, 20% là xi măng, việc áp dụng công nghệ ép tĩnh, cường lực, đã tạo ra sản phẩm gạch ngói không nung của Công ty cổ phần Thanh Tuyền Group có độ bền cao và cường độ chịu nén tương đương các loại gạch nung lò tuynel.
Sản xuất gạch, ngói không nung tại Nhà máy gạch không nung Thanh Tuyền Group. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Để thu gom, xử lý hơn 2 triệu phao xốp là rác thải từ nuôi trồng thủy sản của ngư dân trên vịnh Hạ Long, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Cao Thành Vinh đã đầu tư máy móc để xử lý rác thải là phao xốp với quy trình bóc tách chất bẩn, xử lý nhiệt,... để tạo thành hạt nhựa, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác. Ông Bùi Đức Thành, Giám đốc công ty chia sẻ, "thực hiện quy trình này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tận dụng được nguyên liệu từ phế thải thực sự rất hữu ích".
Trong những năm gần đây, việc tận dụng các loại rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt và đất đá thải mỏ để sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ngói không nung, cát nghiền nhân tạo... đã được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh triển khai. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, gia tăng lợi ích cho các doanh nghiệp.
 Hữu Phát