Ngày 12/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Định hướng bảo vệ môi trường cho các làng nghề

08:27 - 18/07/2023
Việc phát triển các làng nghề là định hướng lâu dài của mỗi địa phương nhằm phát triển kinh tế xã hội, giải quyết bài toán lao động dư thừa vùng nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề. Trong đó, số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, khoảng 300 trong số các làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề sẽ có những đặc điểm về loại hình sản xuất, quy mô, công nghệ, sản phẩm khác nhau.
Sự phát triển của các làng nghề sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra thách thức lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Trên thực tế, khi làng nghề phát triển, sản xuất kinh doanh được mở rộng thì lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều, trong khi đó việc quản lý và xử lý chất thải chưa được chú trọng giải quyết nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. 
Làng nghề xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội (Ảnh: VOV)
Nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc quản lý chất thải tại các làng nghề chính là việc không ít mô hình sản xuất vẫn diễn ra theo hình thức nhỏ lẻ tại nhà. Điển hình như tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, đây là địa phương nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ, với hơn 1.600 hộ làm nghề, tuy nhiên chỉ có khoảng 600 hộ trong số đó sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề, số còn lại vẫn phải sản xuất, kinh doanh tại nhà.
Hay như làng nghề cơ khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng đang gặp khó khăn tương tự. Cả xã hiện có trên 2000 hộ gia đình làm nghề điêu khắc và mỹ nghệ, chiếm 85% tổng số hộ dân của toàn xã. Thế nhưng, cả xã mới chỉ có một cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 5,5ha, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất của các hộ.
Trước thực trạng vẫn còn nhiều hộ gia đình tại các làng nghề sản xuất tại gia nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại. Vì vậy, định hướng đầu tiên để bảo vệ môi trường làng nghề là vấn đề quy hoạch khu, cụm, điểm công nghiệp gắn với các làng nghề. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để có thể đầu tư đổi mới công nghệ và đầu tư xử lý chất thải cho các làng nghề.
Đồng thời, cần định hướng chính sách kiểm soát môi trường làng nghề thông qua việc xây dựng một số trạm quan trắc ở địa phương có tập trung nhiều làng nghề. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát môi trường đối với các dự án, kế hoạch phát triển tại các làng nghề và tuân thủ đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường theo luật định đối với các dự án, kế hoạch đầu tư phát triển làng nghề để đảm bảo rằng các đầu tư này theo hướng thân môi trường ở làng nghề.
Mặt khác, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ, tiếp cận các công nghệ sản xuất sạch hơn, nghiên cứu chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường ở làng nghề. Khuyến khích chuyên gia công nghệ hướng vào nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường ở làng nghề. Đồng thời, cần áp dụng biện pháp mạnh cấm sử dụng công nghệ, phương pháp sản xuất thủ công lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là hướng biện pháp mà nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp mang tính kỹ thuật nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải như: cải tiến quy trình công nghệ, đầu tư thay thế trang thiết bị, nguyên nhiên liệu… giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc và hạn chế thấp nhất lượng chất thải phát sinh. Cần có những biện pháp cải tạo, sửa chữa nhà xưởng đảm bảo thông thoáng, đủ ánh sáng và đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động môi trường vi khí hậu nơi làm việc do Bộ Y tế quy định.
Ngoài ra, quan trọng nhất là định hướng để thay đổi nhận thức của người dân nhằm làm cho người dân hiểu về những tác hại môi trường và sức khỏe tại làng nghề, trách nhiệm và sự tham gia của người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Môi trường làng nghề chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường và có hành động cụ thể, tích cực, góp phần từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm do hoạt động sản xuất gây nên.
Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay, ngành nghề nông thôn được chia ra 7 nhóm gồm: 
1. Làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (xay xát lúa gạo, sản xuất bột thô, làm bún, bánh, bảo quản rau quả; chế biến lâm sản, thủy sản, chủ yếu là các nghề làm thủy sản khô, mắm ruốc, nước mắm...);
2. Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (trạm khắc...); 
3. Làng nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn;
4. Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ;
5.  Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh;
6.  Sản xuất muối;
7.  Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Minh Khuê