Ngày 13/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Lợi ích cho ngành chè nhờ sản xuất sạch hơn

10:06 - 16/07/2023
Việc nâng cao chất lượng sản xuất chè không những giúp tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh mà còn giúp giảm thiểu chất thải, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong những năm qua, ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.  Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập và tác động của đại dịch Covid-19,  ngành chè đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Cùng với đó, hoạt động sản xuất chè còn nhiều hạn chế bất cập... 
Do đó, các doanh nghiệp đang dành nhiều sự quan tâm hơn đến việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu, hạn chế những bất cập, từng bước xây dựng phát triển ngành bền vững.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trà túi lọc, nhiều năm qua Công ty TNHH MTV Thương mại, Dịch vụ, sản xuất C.V.C ( gọi tắt Công ty C.V.C) ở TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã triển khai đánh giá sản xuất sạch hơn, từ đó có những tư vấn giúp công ty tổ chức lại sản xuất, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, đảo bảo tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất.
Công ty C.V.C đã đầu tư trang thiết bị trong sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm chè (Ảnh: SCT Bình Dương)
Ông Trầm Văn Huệ, Tổng Giám đốc Công ty C.V.C chia sẻ: “Thực tế triển khai cho thấy nếu áp dụng sản xuất sạch hơn, công ty đã giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, nhờ đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn. Nhờ sản xuất sạch, đến nay các sản phẩm của công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.
Ngoài lợi ích trực tiếp tiết kiệm được trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn có cơ hội tiếp cận nguồn ưu đãi tài chính, các khoản vay từ các cơ quan tài chính. Hiện chính sách ngày càng ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”.
Cũng là một đơn vị nhận thức rõ vai trò của sản xuất sạch hơn đối với sản phẩm chè, Hợp tác xã Bình Thuận (Sơn La) cũng đã quyết định ứng dụng khoa học công nghệ trong việc trồng trọt và chế biến chè.
Nhờ đó, năm 2018, hợp tác xã được UBND huyện Thuận Châu, Sơn La cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Phổng Lái - Thuận Châu”. Đến cuối năm 2019, hợp tác xã đã xây dựng thành công thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu". Cũng trong năm 2019, sản phẩm chè của hợp tác xã đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm Chè Trọng Nguyên của Hợp tác xã được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Theo các chuyên gia, để đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất sạch hơn của ngành chè, trước hết cần thực hiện đánh giá các quy trình sản xuất hiện tại, từ đó xác định những hạn chế trong sử dụng nguyên vật liệu cũng như hệ thống máy móc để đưa ra những giải pháp tối ưu hơn.
Cụ thể, một số biện pháp sản xuất sạch hơn có thể áp dụng đối với ngành chè như: Vệ sinh sạch sẽ và thu hồi ngay nguyên liệu rơi vãi trong các đường chuyền vận chuyển sản xuất chè; che phủ khu nguyên liệu khô; tưới nước các khu vực sinh nhiều bụi. Đồng thời, thay thế một số thiết bị mới như: Lắp đặt tấm chắn những khu vực giữa các băng tải để tránh rơi vãi chè; lắp đặt hệ thống lọc bụi ướt để giảm thiểu phát tán khí độc ra môi trường bằng cách thông gió tự nhiên phù hợp với TCVN 3288: 1979; chất lượng không khí phù hợp QCVN 19:2009/BTNMT; khu vực cắt, phân loại. Trang bị hệ thống hút bụi nhằm thu hồi bụi để tái chế và tránh phát tán ra ngoài, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,...
Lắp đặt các tấm chắn giữa khu vực các băng tải giúp giảm thiểu chè rơi vãi
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn, đến nay nhiều doanh nghiệp sản xuất chè đã nhận thức rõ hơn việc đánh giá và áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp đã ý thức hơn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, hoàn thiện quy trình chế biến, giảm lượng chất thải, khí thải ra môi trường; mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì mức độ lan tỏa của sản xuất sạch hơn vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn xa lạ, chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này. Về cơ bản, sản xuất chè của Việt Nam vẫn là sản xuất nông hộ nhỏ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Bên cạnh đó, khâu chế biến, tiêu thụ chè hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn còn khiêm tốn. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng.

Do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, thời gian tới ngành chè cần triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới; thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; Các doanh nghiệp cần đầu tư các công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, cần tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân trồng chè và thực hành sản xuất chè bền vững sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo Chương trình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng (IPM, ICM). Đồng thời, các địa phương trồng chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn; triển khai các dự án khoa học - công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn.
Minh Khuê