Ngày 05/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Điển hình

Thiết bị quan trắc môi trường nuôi thủy sản “made in Vietnam”

09:05 - 21/09/2022

Với thiết bị này, người chăn nuôi không phải túc trực 24/7 mà vẫn biết được các thông số chính xác từ hồ nuôi, từ đó có những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo hiệu quả con giống và môi trường. 

Thiết bị hỗ trợ quan trắc môi trường nuôi thủy sản “made in Vietnam” này có tên là Farmext, được thiết kế theo hình thức có thể đặt nổi trên mặt nước, bên dưới có bốn đầu dò là các cảm biến đo nồng độ oxy, nhiệt độ, pH và độ mặn. Khi thả thiết bị vào ao, mỗi 5 phút, máy cập nhật dữ liệu lên điện thoại của chủ ao tôm. Nếu nồng độ oxy xuống dưới ngưỡng cho phép (theo cài đặt từ đầu), hệ thống sẽ tự động vận hành máy quạt nước trong ao và dừng khi nồng độ oxy cao.

Farmext được phát triển bởi nhóm khởi nghiệp Tép Bạc. Anh Trần Duy Phong, trưởng nhóm, cho biết với phương pháp nuôi không có công cụ hỗ trợ, người nuôi phải túc trực thường xuyên tại ao, hồ. Khi nồng độ oxy xuống thấp, họ phải bật máy quạt nước và tắt khi nồng độ oxy cao, tần xuất thực hiện có thể lên tới 8 lần mỗi ngày vô cùng tốn sức. 

Thiết bị đo chỉ số môi trường tự động được nhóm lắp đặt tại một ao tôm tại Cà Mau.

Với sự giúp sức của bộ thiết bị, gồm đầu đọc thông số được kết nối lên đám mây, ứng dụng trên smartphone, người nuôi sẽ nắm bắt được các cảnh bảo các bất thường về nồng độ oxy, pH trong ao, từ đó, điều chỉnh hệ thống quạt nước để tạo môi trường sống phù hợp nhất cho tôm nuôi.

Chia sẻ về ý tưởng phát triển giải pháp này, anh Phong cho biết gia đình sở hữu 11 ao nuôi tôm, diện tích hơn 10ha tại Bạc Liêu. Thấy cách sản xuất truyền thống chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, dễ xảy ra sai sót gây nhiều thiệt hại cho người dân, mà còn rất tốn công sức, anh Phong cùng các cộng sự phát triển giải pháp giúp người dân quản lý môi trường hiệu quả hơn bằng công nghệ. 

Theo anh Phong, dựa trên tính toán, hệ thống có thể tăng 26% lợi nhuận qua việc giảm các chi phí như tiền điện do vận hành máy móc bằng tay, chi phí công lao động… đồng thời giảm rủi ro trong quá trình nuôi. 

Ngoài ra, đại diện nhà phát triển cho biết do “made in Vietnam”, tận dụng các công nghệ đám mây trên nền tảng Google, nên giải pháp có chi phí hợp lý, dễ sử dụng với người Việt Nam. Ngoài các chức năng cơ bản về cảnh báo thông số môi trường, nhóm đã phát triển thêm tủ điều khiển các thiết bị: máy sục khí, máy cho ăn, máy quạt nước... Khi lắp đặt tủ này người dùng có thể điều khiển các thiết bị trên điện thoại thông qua phần mềm cũng do nhóm phát triển. 

Theo TS Ngô Văn Thạo, chuyên gia nuôi trồng thủy sản, giảng viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đánh giá, đây là giải pháp hay. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý nhóm cần tích hợp quan trắc chỉ số đạm nitrat và nitrit. Hai chất này phát sinh trong quá trình phân hủy thức ăn, tiêu hóa, bài tiết của tôm và có khả năng làm chết tôm do ngộ độc. 

Giải pháp Farmext được phát triển từ năm 2017, đạt giải quán quân cuộc thi Startup Việt do báo VnExpress tổ chức. Đến nay nhóm đã bán được hơn 100 bộ thiết bị cho các ao tôm, cá trên cả nước và có hơn 5.000 người dùng phần mềm quản lý.

An Nhiên