Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 09:31 GMT+7

Tin hoạt động

Bộ Công Thương: Nỗ lực, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

02/12/2014

Trong cộng đồng DN Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vốn ít, mạng lưới cơ sở vật chất - kỹ thuật nhỏ bé, công nghệ quản lý và công nghệ kinh doanh lạc hậu nên khả năng hình thành, mở rộng hoạt động và hiện đại hoá hệ thống phân phối bị hạn chế.

Nắm bắt được khó khăn chung của DN, trong năm 2013 và đặc biệt trong năm 2014, các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ và trợ giúp phát triển DNNVV của Bộ Công Thương tập trung vào việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm để tìm kiếm thị trường cả trong và ngoài nước. Tích cực phối hợp với các DN tổ chức đào tạo nghề cho lao động. Hỗ trợ các DN ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình phân phối, phát triển thị trường nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cho các doanh nghiệp. Cụ thể:


Chương trình khuyến công quốc gia


Kết quả thực hiện năm 2013 được 232/278 đề án với kinh phí là 75,318 tỷ đồng (đạt 82,63% so với số kinh phí đã giao ban đầu) với một số kết quả điển hình như: Hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho 21.033 lao động; hỗ trợ tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 1.600 học viên; hỗ trợ xây dựng được 64 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho 40 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ 925 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước với 2.505 gian hàng tiêu chuẩn; tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu các thị trường tiềm năng giúp các cơ sở CNNT có thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm;...

Đến tháng 6 năm 2014, đã thực hiện việc ký kết hợp đồng với các đơn vị, được giao kế hoạch kinh phí đạt 69% kế hoạch và tạm ứng kinh phí cho các đơn vị được 23,212 tỷ đồng đạt 27% kế hoạch; dự kiến cả năm 2014 sẽ thực hiện đạt 95,5 % kế hoạch. Một số kết quả dự kiến: Tổ chức đào tạo cho 14.435 lao động; nâng cao năng lực quản lý cho 2.400 học viên; hỗ trợ xây dựng 59 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho 37 cơ sở CNNT cần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tổ chức 3 Hội chợ hàng CNNT cấp khu vực đồng thời hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước với tổng số gian hàng hỗ trợ khoảng 1.800 gian hàng tiêu chuẩn, hỗ trợ xây dựng và đăng ký 41 thương hiệu cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài;...


Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia


Kết quả thực hiện năm 2013, đã phê duyệt 138 đề án và hỗ trợ hơn 6.834 lượt DN tham gia, trong đó có 6.000 lượt DNNVV; các DN thực hiện 281.385 lượt giao dịch, tổng giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ ký kết đạt hơn 1,4 tỷ USD và 162 tỷ đồng; hoạt động hội chợ, phiên chợ thu hút được 1.850.468 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh số bán hàng đạt 380,8 tỷ đồng.


Kết quả 6 tháng đầu năm 2014, đã phê duyệt 202 đề án, trong đó có 107 đề án đã được thực hiện, thu hút 2.372 lượt DN tham gia, hỗ trợ khoảng hơn 2.000 lượt DN tham gia hưởng lợi từ Chương trình.


Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG)


Kết quả thực hiện năm 2013, triển khai các hoạt động theo hướng chuyên sâu nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các DN tham gia Chương trình: Tập trung triển khai các hoạt động tăng cường quảng bá Chương trình THQG và các DN có thương hiệu sản phẩm đạt THQG ở trong và ngoài nước; Tổ chức thành công 02 Diễn đàn Thương hiệu Việt; Phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương, tổ chức hữu quan xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao của Việt Nam như gạo, cà phê, cá tra, thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ DN xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng THQG.

Năm 2014, tiếp tục tiến hành các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm/DN cho các DN nói chung và DNNVV nói riêng đạt THQG nhân ngày thương hiệu Việt Nam 20/4; thực hiện tư vấn, hỗ trợ các DNNVV trong việc nộp hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình THQG; chuẩn bị tổ chức lễ công bố các DN đạt THQG.


Bên cạnh các chương trình nói trên, Bộ Công Thương còn có các hoạt động hỗ trợ khác: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin: Triển khai giải pháp bán hàng trực tuyến eKip.vn, là một giải pháp giúp DN có thể đăng ký trực tuyến và tự vận hành một website với đầy đủ các tính năng của một hệ thống bán hàng trực tuyến hiện đại với chi phí đầu tư thấp; triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến tại địa chỉ www.tuhaoviet.vn. Hiện nay, cổng thông tin đã có trên 1.500 bài viết về hàng Việt, DN Việt và tin tức về cuộc vận động; duy trì, vận hành Cổng thông tin điện tử của Bộ www.moit.gov.vn và ra mắt chuyên trang Công khai, minh bạch điện, xăng dầu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ http://minhbach.moit.gov.vn; Phổ biến, tuyên truyền và đào tạo về thương mại điện tử trên cả nước bằng việc tổ chức trên 50 khóa tập huấn, tuyên truyền về lĩnh vực thương mại điện tử tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, với sự tham gia của trên 10.000 lượt học viên. Vụ Khoa học và Công nghệ có các hoạt động: Hỗ trợ đánh giá chi tiết và đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn (SXSH); Phổ biến các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật SXSH cho các DN; Hỗ trợ đào tạo tư vấn hỗ trợ triển khai hoạt động SXSH với đội ngũ chuyên gia tư vấn ở địa phương; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho DN trong lĩnh vực SXSH thông qua website http://sxsh.vn và bản tin/báo.


Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực, đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ DN và trợ giúp phát triển DNNVV. Trong đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp và phát triển DNNVV, Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, Quyết định 23/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp lý nêu trên. Tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNVV, làm tốt công tác quy hoạch phát triển thương mại và công nghiệp; từng bước hoàn chỉnh thể chế quản lý lưu thông hàng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dự báo, điều hành thị trường và giá cả các mặt hàng trọng yếu, bảo đảm thị trường nội địa phát triển ổn định và bền vững, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ DNNVV trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong kinh doanh thương mại và sản xuất công nghiệp.


Để các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ DN và trợ giúp phát triển DNNVV đem lại hiệu quả cao, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ bổ sung kinh phí cho Chương trình XTTM quốc gia (trong đó có XTTM thị trường trong nước) trong các năm tiếp theo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức XTTM, các DN tổ chức các hoạt động XTTM, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển thị trường trong nước, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 88/2011/TT-BTC về hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình XTTM quốc gia để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với các quy định hiện hành.

P. CNHT