Ngày 04/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Điển hình

TNG không ngừng đổi mới đảm bảo phát triển bền vững

19:23 - 15/10/2021

Trong những năm qua, Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG đã liên tục đổi mới công nghệ, thực hiện sử dụng nguyên vật liệu theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng cường các biện pháp tiêu thụ năng lượng hiệu suất cao nhằm đảo bản mục tiêu phát triển bền vững. 

Kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên vật liệu

Nhằm đảm bảo tiêu chí sản xuất xanh, thân thiện môi trường, TNG luôn kiểm soát chặt chẽ các nguồn nguyên liệu đầu vào, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp tiết kiệm nguyên vật liệu. Theo đó, doanh nghiệp lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, an toàn cho môi trường và người sử dụng. Ba tiêu chí để TNG lựa chọn nhà cung cấp là: giá cả, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. 

Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp cũng xây dựng quy trình vận hành chuyền theo hướng tận dụng tối đa nguồn nguyên vật liệu nhằm tránh lãng phí. Được biết, trong lĩnh vực may mặc nguyên vật liệu và phụ kiện chiếm tỷ lệ không nhỏ trong chi phí sản xuất. Với một doanh nghiệp sở hữu 12 nhà máy với gần 170 chuyền may (tương đương gần 17.000 lao động), nếu không quản trị tốt đầu vào sẽ gây lãng phí lớn. 

Theo đó, các nguyên liệu không sử dụng được như bông vụ, vải dở... sẽ được thu làm nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm. Các nguyên vật liệu như nilon, lõi cuộn chỉ sẽ được gom lại và chuyển giao cho các đơn vị nhằm tái chế thành nhựa. Việc này nhằm thúc đẩy sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn theo định hướng phát triển bền vững mà TNG theo đuổi. 

Thống kê về số lượng phế liệu, phế phẩm được thu gom xử lý tái sử dụng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác. Ảnh: TNG.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhằm tránh lãng phí, giảm tiêu hao vật liệu. Phần mềm quản trị hàng tồn kho được ứng dụng để đo thời gian của từng vật tư từ trong kho đến chuyền sản xuất. 

Hiệu quả cho thấy khối lượng phế liệu, phế phẩm được thu gom xử lý để tái sử dụng làm nguyên vật liệu cho sản phẩm khác tăng theo từng năm. Tỷ lệ hao mòn vật liệu trên từng sản phẩm giảm. 

Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong vận hành và sản xuất

Sử dụng năng lượng hiệu quả được coi là một trong những trụ cột của sản xuất bền vững. Để đảm bảo tiêu chí này, TNG đã triển khai nhiều giải pháp cả ở phần cứng và phần mềm, nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Về phần cứng, các nhà máy của TNG được lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại. Điều này nhằm đảm bảo quy chuẩn quốc tế trong lĩnh vực may mặc, cũng như góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng của hệ thống thiết bị. 

Các nhà xưởng được thiết kế theo hướng chú trọng tận dụng ánh sáng tự nhiên, tạo đối lưu không khí nhằm điều tiết vi khí hậu nhà xưởng hiệu quả, giảm cường độ sử dụng điện. 

Theo đó, các tấm nhựa được tăng cường trên mái, xung quanh xưởng để tận dụng ánh sáng ngoài trời. Đồng thời lắp đặt hệ thống cửa trời và cửa mái. Điều này giúp điều tiết không khí, làm nhà xưởng mát hơn, tiết kiệm điện hơn cho việc làm mát vào mùa hè.

Hệ thống nhà xưởng được lắp đặt cửa trời, cửa mái nhằm tăng cường điều tiết không khí trong nhà xưởng, giảm tiêu thụ điện cho làm mát. Ảnh: TNG.

Thêm vào đó, doanh nghiệp đầu tư 100 triệu để thay mới hệ thống chiếu sáng trong nhà bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng T5 28W. Tính toán sơ bộ, với 164 chuyền may, giải pháp này giúp doanh nghiệp tiết giảm khoảng 1.574 kW/ngày, tương đương 30% điện sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc tiết giảm chi phí tiền điện 831 triệu đồng/năm. 

Ngoài ra, các nhà máy ứng dụng phần mềm theo dõi lượng điện hàng tháng, báo cáo tới người quản lý. Từ đó giúp đưa ra kế hoạch và phương án nhằm điều chỉnh tiêu thụ điện phù hợp. 

Các bộ biến tần, bộ điều khiển tốc được lắp đặt để điều chỉnh tốc độ linh hoạt, giảm tổn thất điện cho quạt thông gió, máy bơm nước sinh hoạt và bơm nước giàn. 

Lò hơi cũng là một quy trình tiêu tốn nhiều năng lượng khác. Do đó doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm hao hụt năng lượng, giảm tiêu thụ điện của thiết bị phụ trợ và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong quá trình đốt. 

Ngoài ra, các nỗ lực của TNG trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng hiện hiệu quả cho toàn bộ đội ngũ CBCNV. Theo đó, doanh nghiệp đã áp dụng các bộ quy tắc sử dụng điện tiết kiệm, như hạn mức sử dụng điều hòa và quy định giờ tắt trước 60’ khi ra khỏi công ty. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm qua hệ thống bảng tin, phát thanh, hoạt động tập thể… 

Áp dụng đồng bộ những giải pháp sử dụng nhiên liệu hiệu quả giúp doanh nghiệp tiết kiệm 4,6% lượng gas, 3% dầu DO, 5% than và giảm tiêu thụ năng lượng 6-8,33% trong năm 2018 và 2019. Ảnh: TNG.

Từ những nỗ lực trên, TNG đã giảm được đáng kể các nhiên liệu phục vụ sản xuất tính trên đầu sản phẩm. Cụ thể, trong năm 2019, tỷ lệ gas tiết kiệm được khoảng 4,6% (tương đương 0,0003 kg/sản phẩm), dầu Do tiết kiệm 3% (0,0003 lít/sản phẩm), than tiết kiệm 5% (0,00001 tấn/1 sản phẩm). Tổng lượng điện năng tiêu hao trên mỗi đơn vị sản phẩm tiết kiệm được năm 2019 và 2018 so với năm trước đó lần lượt là 6% và 8,33%. 

Đặt mục tiêu cao hơn nữa trong tăng trưởng bền vững

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, việc đảm bảo sản xuất đã là một việc khó. Nhưng TNG không chỉ làm được điều đó mà còn hơn thế nữa. Trong thời điểm khó khăn nhất, doanh nghiệp thậm chí còn nhận được thêm đơn hàng từ các khách hàng lớn như Decathlon, Nike. 

TNG đầu tư 300 tỷ xây dựng nhà máy xanh tiêu chuẩn LEED, dự kiến hoàn thiện và vận hành 100% vào năm 2022. Ảnh: TNG.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG, giữ được chân khách hàng là nhờ chiến lược phát triển bền vững mà TNG kiên trì theo đuổi bấy lâu. “ TNG đã không ngừng đổi mới, đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mà còn vấn đề môi trường và chính sách xã hội cho người lao động”, ông Nguyễn Văn Thời cho biết.

Người đứng đầu doanh nghiệp khẳng định tiếp tục theo đuổi tư duy kinh tế tuần hòa, giảm rác thải nhựa, ứng dụng công nghệ trong quản trị, sản xuất, hướng đến một doanh nghiệp số, mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng, CBCNV và cộng đồng. 

Để thực hiện chiến lược này, năm 2019 doanh nghiệp đã đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng Nhà máy TNG Võ Nhai với quy mô 19 ha. Nhà máy được định hướng thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn nhà máy xanh LEED. Đây là lời khẳng định của doanh nghiệp trong việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng bền vững. 

Giang Nguyễn